Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo
Sáng 14-1 (ngày 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần), tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng kiều bào về dự chương trình Xuân Quê hương 2023 thực hiện nghi thức thả cá chép tại Hồ Sen, dấu tích dòng sông cổ. Đây là nghi thức được thực hiện hằng năm theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhân dịp Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), cầu cho quốc thái dân an, đất nước thái bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân thực hiện nghi thức thả cá chép. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Cùng dự nghi lễ thả cá chép có lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng gần 130 kiều bào tiêu biểu.
Trước đó, tại Hoàng Thành Thăng Long, Chủ tịch nước và phu nhân cùng kiều bào đã thắp hương tại Điện Kính Thiên. Ngay sau đó, Chủ tịch nước lưu lại trong khuôn viên Điện Kính Thiên, bắt tay, trò chuyện thân mật với kiều bào Việt Nam về từ khắp nơi trên thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các kiều bào. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã thân mật trò chuyện với bà con kiều bào; động viên bà con luôn đoàn kết, luôn hướng về quê hương, đất nước. Nhân dịp năm mới Quý Mão sắp đến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể bà con kiều bào và gia đình lời chúc mừng tốt đẹp nhất, bước sang năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, mọi sự hanh thông.
Chủ tịch nước và phu nhân chụp ảnh cùng các kiều bào. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Chủ tịch nước và phu nhân tặng quà kiều bào tiêu biểu. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Là một trong số những kiều bào về dự chương trình Xuân quê hương 2023, ông Nguyễn Huy Hoàng, kiều bào ở Nga chia sẻ: Trong 35 năm xa quê hương, ông đã dành một nửa thời gian để về Việt Nam đón Tết. Ở nước ngoài, kiều bào đón Tết rất đầy đủ bánh chưng, mứt kẹo, đào nhưng không có sự sum vầy, sum họp dòng tộc, bạn bè, người thân quen của Tết Việt Nam.
Tết để đón nhận cái mới, cái hay, rũ bỏ những điều không hay, giữ gìn cái đẹp. Ông Nguyễn Huy Hoàng cảm nhận sau hai năm Covid-19, tất cả từ bóng tối đi ra, mặc dù có đau thương, nhưng người Việt rất dễ bỏ qua, rất dễ tha thứ, đón nhận cái mới để tiến lên. Ánh mắt của người Việt cho thấy tự tin hơn, đang hướng đến tương lai.
Cũng như ông Nguyễn Huy Hoàng, bà Phan Bích Thiện, kiều bào tại Hungary thể hiện sự xúc động sau hai năm được về quê đón Tết. Bà chia sẻ: Hai năm vừa qua có nhiều biến động đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung, Hungary nói riêng. Trong sự lo lắng về tình hình chung, mỗi người đều cảm thấy tự hào vì hai năm vừa qua cái tên Việt Nam đã được nhắc đến nhiều lần trên truyền thông quốc tế và bạn bè thế giới như một điểm sáng trong phòng, chống đại dịch Covid-19, đồng thời vẫn giữ vững, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo qdnd.vn