Trên 546.000 lao động bị giảm giờ làm
Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, theo báo cáo của các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, tính từ tháng 9/2022 đến hết tháng 1/2023 đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động.
Số lao động bị ảnh hưởng phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang... (chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc).
Khoảng 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt, giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 546.835 người lao động. |
Có 36 doanh nghiệp ở 16 tỉnh/thành phố, nợ 74,29 tỉ đồng tiền lương của 5.979 người lao động, bình quân nợ 12,42 triệu đồng/người; đến nay đã giải quyết 17,83 tỉ đồng tiền lương của 486 người lao động; chưa giải quyết 56,45 tỉ đồng tiền lương của 5.493 người lao động.
So với năm 2021, số doanh nghiệp, người lao động và tổng số tiền nợ đều giảm nhưng mức nợ lương bình quân tính trên lao động cao hơn (năm 2021 là 62 doanh nghiệp nợ 79,39 tỉ đồng tiền lương của 8.300 người lao động, bình quân nợ 9,56 triệu đồng/người).
Cũng theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, với sự chia sẻ của người lao động và nỗ lực tổ chức sản xuất, kinh doanh, chăm lo cho người lao động của người sử dụng lao động nên tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong phạm vi cả nước trước, trong và sau Tết năm 2023 giảm so với Tết năm 2022. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023 (tính trong tháng 12/2022 và hết tháng 1/2023), cả nước xảy ra 26 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh, thành phố, giảm 25 cuộc so với dịp Tết Nguyên đán năm 2022 (xảy ra 51 cuộc).
Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp, ngừng việc là do doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động không đồng tình với mức thưởng tết, đề nghị đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, thái độ của quản lý đối với người lao động không phù hợp.
Khi tranh chấp, ngừng việc tập thể diễn ra, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp cùng với các cơ quan chức năng hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng, tìm biện pháp giải quyết. Với sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng, trên tinh thần chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, nhiều kiến nghị của người lao động đã được người sử dụng lao động thực hiện, toàn bộ người lao động đã trở lại làm việc bình thường. Không có vụ việc kéo dài, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
(Theo dangcongsan.vn)