Đẩy mạnh tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, hội viên danh dự
(ABO) Ngày 25-4, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến thực hiện chỉ tiêu tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, hội viên danh dự nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chủ trì hội thảo. Tại điểm cầu Tiền Giang, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng chủ trì.
Tại điểm cầu Tiền Giang. |
Đầu nhiệm kỳ 2017 - 2022, cả nước có 745 cơ sở có tỷ lệ tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội, đa số tập trung ở khu vực Tây Nam bộ, một số ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Kết quả tháng 2-2019, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành Hội, số cơ sở có tỷ lệ tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội là 1.037/11.162 xã, phường, thị trấn, chiếm 9%, thuộc 29 tỉnh/thành, tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh Tây Nam bộ.
Bằng những nỗ lực trong chỉ đạo, hướng dẫn và sự linh hoạt, đa dạng trong thực hiện, các cấp Hội đã có nhiều hình thức thu hút hội viên đến với tổ chức Hội, tỷ lệ tập hợp phụ nữ dần đi vào thực chất, hội viên được cập nhật và quản lý trên phần mềm thống nhất trong cả nước, hạn chế số lượng hội viên ảo.
Tính đến tháng 12-2021, đã có 1.034/1.037 cơ sở Hội đạt tỷ lệ tập hợp trên 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội, đạt 99,52%; 2/29 tỉnh (Bắc Giang, Cà Mau) không còn cơ sở có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội.
Một số tỉnh có mô hình hay, tập hợp các nhóm phụ nữ khó tập hợp được nhiều địa phương tham khảo, học tập như: Mô hình “Mỗi hội viên có nhiệm vụ giới thiệu một hội viên vào Hội” của An Giang; mô hình “Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ” của Bình Dương; mô hình “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu” của Gia Lai; mô hình “Chi hội phụ nữ theo ngọn chùa” của Phú Thọ…
Năm 2022, căn cứ vào Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội, đã có 10/63 tỉnh, thành phố phát triển hội viên danh dự với tổng số 1.470 hội viên.
Để thực hiện chỉ tiêu Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra: “Đến cuối nhiệm kỳ, toàn quốc tăng thêm 1 triệu hội viên; đảm bảo không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội”. Tại hội thảo, đã có nhiều tham luận, ý kiến phát biểu, đề xuất, chia sẻ các giải pháp thực hiện chỉ tiêu tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, hội viên danh dự nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Phát biểu tại hội thảo, để nâng chỉ tiêu tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, hội viên danh dự, đồng chí Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Hệ thống Hội từ Trung ương đến địa phương cần phải có giải pháp cụ thể, thiết thực.
Trung ương hỗ trợ, địa phương vào cuộc, cơ sở chủ động xây dựng các mô hình hay để thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ; các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt và mở rộng các loại hình tập hợp hội viên theo địa bàn dân cư, lứa tuổi, tôn giáo, sở thích, ngành nghề dưới dạng tổ, nhóm, câu lạc bộ, trang mạng xã hội.
Tổ chức Hội quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết đặt ra đối với phụ nữ thông qua hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần như tư vấn việc làm, hỗ trợ vốn, khởi nghiệp, bảo vệ khi quyền phụ nữ bị vi phạm; tập trung nguồn lực, lồng ghép tổ chức các hoạt động, chương trình, đề án để hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp kịp thời cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn…
Tại điểm cầu Tiền Giang. |
Tại Tiền Giang, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp Hội đã tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho gần 6.000 lượt cán bộ Hội cấp huyện, cấp cơ sở, chi hội trưởng, tổ trưởng…; thu hút gần 5.300 phụ nữ tham gia tổ chức Hội, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 340.344/628.623, đạt 54,1% tỷ lệ tập hợp hội viên so với phụ nữ 18 tuổi trở lên; có 97/172 cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp hội viên đạt 60% so với phụ nữ 18 tuổi trở lên, tăng 24 cơ sở Hội so với đầu nhiệm kỳ.
Có 286.102 hội viên địa bàn dân cư đã nhập vào hệ thống phần mềm quản lý hội viên đạt 100% hội viên địa bàn dân cư. Bên cạnh, tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên ở một số cơ sở còn thấp (hiện toàn tỉnh có 75/172 cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp hội viên dưới 60% so với phụ nữ 18 tuổi trở lên).
P. MAI
.