.

Dứt khoát phải cải cách tiền lương

Cập nhật: 18:05, 27/04/2023 (GMT+7)

Dứt khoát phải cải cách tiền lương, không thể chậm được vì lương là để kích thích kinh tế, đầu tư. Chi cho tiền lương là đầu tư cho con người, đào tạo một lớp đội ngũ cán bộ trung thành với cơ quan, trung thành với Đảng, Nhà nước.

Tiền lương không đủ sống sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực xã hội

Trong loạt bài "Lương – chính sách và thực tiễn", báo QĐND dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng: Việc cải cách tiền lương theo hướng trả lương đúng, đủ cho người lao động chính là thực hiện đầu tư cho phát triển; tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Động lực quan trọng nhất mà chính sách tiền lương tạo ra và phải có là thống nhất, tiền tệ hóa và luật hóa được mức lương tối thiểu/lương cơ sở theo thời gian (tháng, giờ) sao cho bù đắp và tái sản xuất sức lao động của người lao động và gia đình (ít nhất thêm 1-2 con trong độ tuổi vị thành niên) người lao động nhận lương.

Mức lương tối thiểu đó phải được xây dựng trên cơ sở ngày càng tính đúng, tính đủ hao phí sức lao động, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết hợp lý và nâng dần phù hợp với độ mất giá của tiền tệ, độ trượt giá các chi phí hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và sự cải thiện mặt bằng chất lượng sống chung của xã hội.

Một khi mức lương không đủ sống sẽ không những làm suy giảm sức lao động, chất lượng sống kéo theo suy giảm chất lượng nguồn nhân lực xã hội, mà còn khiến người lao động thiếu toàn tâm toàn ý và toàn thời gian cho công việc, gia tăng tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong" để tìm kiếm các hoạt động mang lại thu nhập bổ sung khác, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả lao động của người lao động và hiệu quả phát triển lâu dài của đơn vị trả lương.

Ngoài ra, tiền lương cần phù hợp mức độ thực tại và kích thích tăng năng suất lao động xã hội tương lai; có sức cạnh tranh trong thu hút và giữ chân người tài...

Phải đổi mới tư duy trong cải cách chính sách tiền lương

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, lương đủ sống là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc trong giờ làm việc tiêu chuẩn (8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần) đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình họ - bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất thường xảy ra.

Trao đổi về cải cách tiền lương, TS. Bùi Sỹ Lợi (nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) nhấn mạnh quan điểm phải đổi mới tư duy trong cải cách chính sách tiền lương.

Chi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức chính là chi cho đầu tư phát triển. Phải bảo đảm cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng.

"Việc đầu tư cho con người và cho đội ngũ công chức hành chính nói riêng sẽ có lợi về lâu dài cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhân văn", TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

TS. Bùi Sỹ Lợi khẳng định, bản chất của tiền lương là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động trên thị trường, hướng tới sự công bằng, thực chất.

Bên cạnh đó, tiền lương phải theo quan hệ cung cầu lao động nhưng bản chất tiền lương hiện nay của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu đó.

Do đó, tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở nước ta hiện vẫn chưa bảo đảm được theo nguyên tắc của tiền lương là đủ nuôi sống người lao động và gia đình họ.

"Thực tế là, tiền lương thấp còn kéo theo năng suất lao động thấp, do đó, tiền lương thấp không thể là động lực để tăng năng suất lao động. Bởi lẽ, người ta làm công việc chỉ ở mức tiền lương được trả", TS. Bùi Sỹ Lợi phân tích.

Bất cập từ hệ thống thang bảng lương, mức lương đến phụ cấp

Bất cập cũng không chỉ trong thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, mà còn ở các loại phụ cấp theo lương. Hiện tại có rất nhiều loại phụ cấp chưa hợp lý.

TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc lương chính thấp hơn hoặc bằng phụ cấp khiến không phân định rõ được bản chất của tiền lương, không thể hiện đúng giá trị thực của tiền lương.

"Do đó, cần thay đổi cơ cấu thang bảng lương, hệ số lương và mức chênh lệch tiền lương giữa các ngành nghề, lĩnh vực để bảo đảm tương đồng với chi phí sức lao động của người cống hiến, đóng góp cho nhà nước", TS. Bùi Sỹ Lợi kiến nghị.

Nhắc đến tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong" hiện nay, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tính đến nay, việc cải cách tiền lương đã lỡ hẹn đến 4 lần, dẫn đến tư tưởng của cán bộ, công chức, viên chức không những bị suy giảm mà còn dẫn đến tham nhũng, tiêu cực để lo đủ sống.

Một số người không chịu phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng thì niềm tin đối với bộ máy công quyền sẽ bị suy giảm.

Cải cách tiền lương phải đi trước, chi cho tiền lương là đầu tư cho con người

Do đó, TS. Bùi Sỹ Lợi đề nghị Đảng, Nhà nước phải nghiên cứu, nếu chưa có nguồn lực ngân sách thì cũng phải tìm cách để cải cách tiền lương nhằm thu hút nhân tài. Nếu không, sẽ có một bộ phận nhân tài "chảy máu chất xám" từ khu vực công sang khu vực tư, thậm chí là "chảy" ra nước ngoài...

"Muốn vậy, chúng ta phải tiết kiệm, nhất là tiết kiệm chi, giảm chi phí hành chính, giảm biên chế để tăng quỹ lương cho khu vực và dành quỹ đó cho cải cách tiền lương. Mặt khác, các địa phương phải giảm chi và tăng thu ngân sách để dành cho quỹ cho chi tiền lương.

Nếu không đủ thì chúng ta phải lấy từ ngân sách đầu tư công, giảm bớt chi tăng trưởng và phát triển để tập trung chi cho tiền lương, coi đó như là đầu tư cho con người, đầu tư cho tăng trưởng", TS. Bùi Sỹ Lợi gợi ý.

Nhấn mạnh cải cách tiền lương đi trước để đào tạo một lớp đội ngũ cán bộ trung thành với cơ quan, trung thành với Đảng, Nhà nước, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng: "Nếu chúng ta làm được như thế thì không chỉ là cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức mà còn khiến các cán bộ, công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, niềm tin đối với nhà nước".

Cải cách tiền lương phải toàn diện

Cùng với đó, quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương cần tiến hành đồng bộ với cải cách các chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như: Cải cách hành chính, cải cách tài chính công; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội; đồng thời phải xuất phát từ tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.

Nội dung cải cách chính sách tiền lương phải toàn diện, bao gồm cả thang lương, bảng lương, hệ số lương và các khoản phụ cấp, bảo đảm tiền lương thực sự là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển.

Đồng quan điểm trên, TS. Phạm Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cũng nhấn mạnh quan điểm, kinh tế - xã hội chúng ta có phát triển đến đâu thì cuối cùng cũng là nhằm phục vụ con người. Do đó, chúng ta phải xác định được nguồn lực để tăng lương cho cán bộ, công chức chính là nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Cần tính đến phương án sử dụng vốn ODA để tăng lương cho công chức, viên chức

Gợi mở một số cách tạo nguồn lực, TS. Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta đã sử dụng nhiều vốn ODA để đầu tư, phát triển hạ tầng và bây giờ cần tính đến phương án dùng nguồn vốn này để đầu tư cho nguồn nhân lực bằng việc tăng lương cho công chức, viên chức.

Mặt khác, phải tăng cường hiệu suất công việc của cán bộ, công chức, cần lựa chọn bộ phận công chức hành chính để cải cách tiền lương, thúc đẩy nâng cao động lực làm việc của đội ngũ công chức hành chính, nâng cao hiệu quả của bộ máy công quyền là cần thiết...

Từ đó, TS. Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh tính cấp thiết của cải cách tiền lương, trong đó hướng đến trả lương theo vị trí, thông qua việc xây dựng hệ thống chức danh công việc hợp lý và so sánh với mức tiền công trên thị trường.

Thứ hai, trả lương theo cá nhân, theo đó cần xác định các yêu cầu về trình độ và khả năng của người lao động đối với từng vị trí công việc để trả lương tương ứng; xác định và áp dụng các mức lương cao đối với các kỹ năng và tay nghề có nhu cầu cao trên thị trường.

Thứ ba, trả lương cho kết quả hoàn thành công việc. Theo đó, để cải thiện tiền lương, bảo đảm mức sống cho cán bộ, công chức cũng như nâng tạo động lực trong công việc, nâng cao hiệu quả, cần nghiên cứu hệ thống bảng lương trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện công việc.

Dứt khoát phải cải cách tiền lương

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của cải cách chính sách tiền lương và phụ cấp mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW, trình cấp có thẩm quyền về lộ trình thực hiện.

Tại Thông báo số 37/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể về cải cách tiền lương và phụ cấp mới.

Trong đó, về đánh giá, xác định và công bố "mức sống tối thiểu" của người lao động và gia đình người lao động, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để thu thập đầy đủ hơn thông tin tính toán mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động làm cơ sở Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác định mức lương tối thiểu vùng hằng năm.

Tinh thần cải cách tiền lương cũng là nội dung thường xuyên được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội và trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

"Dứt khoát phải cải cách tiền lương, không thể chậm được vì lương là để kích thích kinh tế, đầu tư. Tất cả cơ chế đặc thù phải được bãi bỏ, không thể có công chức loại 1, loại 2, loại 3 nữa. Có thể dịch bệnh ảnh hưởng nhưng quyết tâm vẫn làm được, vì vẫn còn nguồn dư cho cải cách tiền lương", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng bền vững, không bị tác động bởi cách yếu tố khách quan như năm 2020-2021, cũng như bối cảnh năm 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương.

Trước thực trạng gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải quan tâm nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc điều chỉnh mức lương cơ sở cũng là một trong những giải pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại huyện Triệu Sơn và thành phố Sầm Sơn, thay mặt đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời một số vấn đề liên quan đến các ý kiến của cử tri về tiền lương.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hiện Nhà nước chưa chính thức thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, từ ngày 1-7 tới, tiền lương sẽ được điều chỉnh tăng để tương thích với tình trạng trượt giá, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, lạm phát tăng cao.

Do tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước hiện đang nhiều khó khăn, vướng mắc nên tạm thời Nhà nước chưa thực hiện cải cách chính sách tiền lương, nhưng sẽ điều chỉnh tiền lương cho phù hợp thực tế.

Việc điều chỉnh chính sách tiền lương hiện nay sẽ tập trung vào các đối tượng như: Cán bộ công chức, viên chức; người làm công ăn lương; người có công với cách mạng; người thuộc diện bảo trợ xã hội; người có hoàn cảnh khó khăn; cán bộ hưu trí, cán bộ y tế tuyến xã, tuyến cơ sở; giáo viên…Việc điều chỉnh chính sách tiền lương với các đối tượng này nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu./.

Theo chinhphu.vn


 

.
.
.