Tiền Giang: Tháo gỡ "điểm nghẽn" thực hiện Đề án 06
Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Đây được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số hiện đại.
NHỮNG KHÓ KHĂN
Từ đầu năm 2022 đến nay, sở, ngành, UBND các cấp đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 06 đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn một số sở, ngành, UBND các cấp chưa quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Đề án 06, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời, nội dung báo cáo chưa đảm bảo thời gian quy định chất lượng.
Người dân đến trụ sở hành chính công huyện Châu Thành thực hiện thủ tục hành chính. |
Qua kiểm tra ghi nhận một số đơn vị, địa phương chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 như Sở Y tế, UBND xã Bình Xuân (TX. Gò Công), UBND phường 10, xã Trung An (TP. Mỹ Tho) và hầu hết UBND cấp xã chỉ dừng lại mức độ triển khai, chưa quan tâm chỉ đạo các ngành thực hiện. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh thấp, đa phần do cán bộ, công chức “làm thay, làm hộ”, chỉ một số ít người dân thực hiện. Tỷ lệ người dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID đạt mức thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh nhận định, hiện nay, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị các cấp chưa quan tâm chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức đăng ký kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID mức 1, mức 2. Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp huyện, cấp xã, các ấp, khu phố chưa tổ chức họp, phân công nhiệm vụ nên việc tuyên truyền các nội dung liên quan Đề án 06 còn hạn chế, trọng tâm hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID đạt hiệu quả chưa cao.
Nhằm để theo dõi, thúc đẩy thực hiện Đề án 06 trong năm 2023, đề nghị Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông thành lập 1 Tổ giúp việc chuyên sâu thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh không làm việc theo chế độ kiêm nhiệm mà trực tiếp báo cáo, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 tại các sở, ban, ngành và UBND các cấp”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị. |
Còn theo Đại tá Nguyễn Hồng Khắc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, dữ liệu dân cư trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” nên công tác tra cứu, thống kê chưa đảm bảo chính xác. Một số địa phương chưa bố trí được nguồn nhân lực hoặc chưa được đào tạo dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý, hướng dẫn công dân đạt hiệu quả chưa cao. Song song đó, nhiều địa phương còn gặp khó khăn khi số lượng hồ sơ dịch vụ công phát sinh đa phần người dân chưa tự thực hiện được, phải có cán bộ, công chức trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ hoặc làm thay nên tính bền vững không cao. Công dân khi đăng ký tài khoản định danh điện tử phải có thiết bị điện thoại thông minh (hệ điều hành IOS 13.0 hoặc Android 5.0 trở lên)...
Tương tự, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Tấn Phong cho biết, để được đăng ký trực tuyến thì người dân phải đăng ký có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, khi đăng ký thông tin sim nhà mạng phải chính chủ và trùng khớp với thông tin khai báo, điều này rất khó cho người dân nhất là người lớn tuổi. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, người dân vẫn đến trụ sở cơ quan để nộp hồ sơ trực tiếp, số lượng hồ sơ phát sinh đa phần người dân chưa tự thực hiện được phải có cán bộ, công chức trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nên tính bền vững không cao. Bên cạnh đó, nhu cầu, trình độ, trang thiết bị và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi còn hạn chế, dẫn đến tình trạng công chức tiếp nhận hồ sơ rất khó khăn để hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục bằng hình thức trực tuyến.
Đối với ngành Y tế, người dân còn gặp khó khăn trong việc đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh (KCB). Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Dương cho biết, ngày tháng năm sinh trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không trùng khớp trên Căn cước công dân (CCCD), khi tiếp nhận bệnh, phần mềm KCB sẽ không tìm được thông tin thẻ BHYT. Một số người bệnh chưa quen việc dùng CCCD có gắn chip nên hầu hết vẫn dùng thẻ BHYT hoặc chưa xuất trình thẻ CCCD bởi lo sợ vấn đề bảo mật thông tin của cá nhân. Hệ thống phần mềm đang triển khai thí điểm nên cập nhật dữ liệu còn chậm; mã QR trên CCCD quá nhỏ, thiết bị không quét được hoặc khó quét để đọc thông tin, lỗi font chữ, dữ liệu không đúng, không đầy đủ... Ngoài ra, còn khó khăn đang gặp phải nữa là hệ thống dữ liệu chưa liên thông đồng bộ, do đó một số thẻ CCCD chưa tích hợp thông tin BHYT của người bệnh nên buộc phải quay lại khám theo hình thức cũ hoặc triển khai nhập số CCCD vào phần mềm KCB.
Người dân đến Phòng khám Hòa Mỹ (huyện Chợ Gạo) dùng CCCD tích hợp BHYT để khám, chữa bệnh. |
“Hiện tại, Sở Y tế chưa quản lý được cơ sở dữ liệu người bệnh có sử dụng CCCD trong KCB do chưa được cấp quyền truy cập, nên không theo dõi được tiến độ thực hiện của các đơn vị trực thuộc. Hằng tháng. Sở Y tế phải phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh xin số liệu từ BHXH Việt Nam để tổng hợp báo cáo” - đồng chí Nguyễn Văn Dương cho biết thêm.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phan Thanh Vân cho biết, một số trạm ATM trên địa bàn các huyện còn hạn chế, chưa phủ khắp, có nơi không có trạm ATM. Các chi phí duy trì tài khoản, tin nhắn thông báo biến động tài khoản... khá cao, từ đó tạo cảm giác lo ngại “phải mất thêm tiền” khi sử dụng tài khoản ngân hàng. Nhận thức của các đối tượng về lợi ích của việc chi trả không tiền mặt chưa cao. Đối tượng bảo trợ xã hội đa số là những người yếu thế trong xã hội (như người lớn tuổi, người bị bệnh tâm thần, trẻ em, người tàn tật...). Vì vậy, đa số người dân có những hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, không đáp ứng được các điều kiện để mở và sử dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng. Cơ sở dữ liệu về đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ gây khó khăn trong việc quản lý, lập danh sách theo nhóm các đối tượng, xác thực danh sách đối tượng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
KHẨN TRƯƠNG THÁO “ĐIỂM NGHẼN”
Nhằm phấn đấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến hết quý II năm 2023 toàn quốc đạt 40 triệu tài khoản định danh điện tử VNeID, trong đó Tiền Giang đạt 903.202 tài khoản theo phân bổ của Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các cấp tổng hợp các kiến nghị, ý kiến có kết luận cụ thể nhằm khắc phục ngay những khó khăn, hạn chế (nguyên nhân các hạn chế) đã chỉ ra của các ngành, các cấp để thực hiện Đề án 06 trong năm 2023 đạt hiệu quả cao nhất.
Đến tháng 4-2023, toàn tỉnh thu nhận 235.412 tài khoản định danh điện tử, thu nhận 1.744.397 hồ sơ CCCD (còn thực hiện 54.681 trường hợp) và 214 cơ sở áp dụng 393.952 trường hợp công dân dùng CCCD trong KCB thay thẻ BHYT. 21/25 thủ tục hành chính ưu tiên tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phát sinh hồ sơ dịch vụ công, trong đó “thủ tục tiếp nhận thông báo lưu trú” được cá nhân, doanh nghiệp lựa chọn thực hiện nhiều nhất, với 67.052 trường hợp. |
Các địa phương tiếp tục xác định việc triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong cải cách hành chính công của các ngành, các cấp trong năm 2023, đặc biệt quyết liệt trong công tác triển khai và kiểm tra việc thực hiện. Đề nghị Công an tỉnh phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh đưa nội dung thực hiện Đề án 06 vào nội dung chuyên đề thi đua cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2025 và năm 2023. Đặc biệt, các cơ quan hành chính tuyệt đối không được yêu cầu công dân cung cấp Giấy xác nhận thông tin về cư trú. Lực lượng Công an các cấp phải làm sạch dữ liệu dân cư để đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.
Ngoài ra, các đơn vị cần tập trung cao hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ công, tài khoản định danh điện tử VNeID để cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh thực hiện. Đặc biệt, Báo Ấp Bắc và Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang tăng cường tuyên truyền thêm nhiều tin, bài, phóng sự về Đề án 06 để người dân dễ dàng tiếp cận.
UBND cấp xã, phường phải sử dụng Tổ công tác Đề án 06 tại các ấp, khu phố để đến tận nhà hướng dẫn người dân nộp thủ tục hành chính qua dịch vụ công; tiếp tục vận động người dân làm CCCD. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phải phối hợp lực lượng Công an tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công, đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID. Lực lượng Công an tiếp tục đi “từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” đủ điều kiện tiến hành hướng dẫn đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1.
Song song đó, các sở, ban, ngành, các cấp địa phương đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc chi trả trợ cấp xã hội, an sinh xã hội và các cửa hàng, dịch vụ kinh doanh ăn uống... Ngành Y tế và BHXH đảm bảo việc dùng CCCD thay thẻ BHYT trong KCB. Ngành Ngân hàng ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc xác thực, định danh khách hàng khi mở tài khoản. Liên kết các cơ quan, đơn vị có sử dụng lao động để mở tài khoản cho các cơ quan, đơn vị hướng đến việc chi trả, thanh toán không dùng tiền mặt.
TUẤN LÂM