Thứ Tư, 17/05/2023, 14:39 (GMT+7)
.

Thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ

Thời gian quan, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) từ cấp tỉnh đến cơ sở của tỉnh Tiền Giang đã thể hiện được vai trò, nhiệm vụ của mình trong tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trên địa bàn về luật pháp, chính sách đối với phụ nữ, Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và bình đẳng giới (BĐG).

Ban VSTBPN các cấp còn triển khai các mục tiêu xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và nguồn nhân lực; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về BĐG ở các ngành, địa phương. Từ đó, có nhiều mô hình về BĐG được duy trì hoạt động và tiếp tục mở rộng.

NHIỆM VỤ KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Ban VSTBPN huyện Chợ Gạo hiện có 19 thành viên, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, 1 Phó Ban Thường trực, 3 Phó ban và 14 thành viên còn lại được cơ cấu ở các ngành, đoàn thể.

Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban VSTBPN huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Nhỏ cho biết: Xác định thực hiện công tác VSTBPN có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021- 2030 và các chương trình, đề án, dự án liên quan đến BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025, Ban VSTBPN huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG, Chương trình “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”; Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban có liên quan tổ chức tập huấn lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách; tập huấn về hoạt động VSTBPN cho các thành viên; tham dự tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe, tâm lý về giới cho công chức, viên chức cấp cơ sở…

                  Đoàn giám sát của Hội LHPN tỉnh đã có buổi giám sát, làm việc với Ban VTBPN huyện Chợ Gạo.
Đoàn giám sát của Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đã có buổi giám sát, làm việc với Ban VTBPN huyện Chợ Gạo.

Huyện Chợ Gạo xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, hằng năm có 100% các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hằng năm, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân, phổ biến, cập nhật thông tin pháp luật, chính sách về BĐG ít nhất 2 cuộc.

Phấn đấu đến năm 2025, đạt 80% người dân tiếp cận kiến thức cơ bản về BĐG và đến năm 2030 nhận thức về BĐG của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10% - 15% so với năm 2025; có ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Chợ Gạo Nguyễn Ngọc Hiền chia sẻ: “Phòng Tư pháp là thành viên của Ban VSTBPN huyện, hằng năm, cán bộ của phòng cũng như lực lượng tuyên truyền viên cơ sở đã phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về BĐG; phát gần 50.000 tờ rơi… giúp người dân nhận thức đúng về công tác BĐG, VSTBPN để thực hiện đúng”.

Tại huyện Tân Phước, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban VSTBPN huyện đều tổ chức tuyên truyền về pháp luật, chính sách về BĐG đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG đến các cơ sở cùng thực hiện các mục tiêu về BĐG.

Bên cạnh phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, đài truyền thanh xã, Hội Phụ nữ cơ sở còn tổ chức nói chuyện chuyên đề và Hội thi Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; chương trình sân khấu hóa truyền thông về “Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật BĐG”; tuyên truyền pháp luật trong hội viên, phụ nữ về Luật Hôn nhân gia đình, Luật BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình, các luật có liên quan đến phụ nữ và trẻ em…

Kết quả, huyện Tân Phước đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, BĐG và công tác phụ nữ cho trên 10.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ thông qua hàng trăm buổi sinh hoạt, học tập chuyên đề, tiếp cận nghiên cứu tài liệu, tờ rơi, sổ tay… Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về tư tưởng và hành động của cả hệ thống chính trị, gia đình và bản thân phụ nữ về công tác phụ nữ trong thời kỳ mới. Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng lao động nữ nói chung, cán bộ nữ nói riêng đối với sự phát triển của xã hội từng bước được khẳng định.

NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH BĐG

Huyện Tân Phước hiện có 23 Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững và 23 Đội phòng, chống bạo lực gia đình thường xuyên hoạt động. Năm 2022, các mô hình này được triển khai thực hiện nhân rộng tại xã Tân Hòa Đông và Phước Lập. Đồng thời, huyện cũng duy trì sinh hoạt thường xuyên các CLB, mô hình như: “Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em”, “Nhà tạm lánh”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ”… 12/12 cơ sở Hội Phụ nữ của huyện tổ chức nói chuyện các chuyên đề: Quyền trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình và Luật BĐG; phòng, chống xâm hại trẻ em… với 387 hội viên, phụ nữ tham dự.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Phước Phạm Thị Thế Băng cho biết: Nhìn chung sau thời gian triển khai thực hiện thí điểm các mô hình đã có tác dụng thiết thực, giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của gia đình thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật BĐG, các kỹ năng ứng xử trong gia đình… từ đó từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình với nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn vợ chồng, cha mẹ với con cái bất đồng quan điểm… Các mâu thuẫn này được đội, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình cộng đồng can ngăn và hòa giải, chưa có vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng nào xảy ra trên địa bàn huyện.

Đối với huyện Chợ Gạo, trong năm qua tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới, BĐG và công tác phụ nữ cho trên 10.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ. Thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về BĐG nên huyện có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng ở cấp huyện đạt 16,22%; cấp xã đạt 22,79%; ban, ngành huyện đạt 24,58%. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo: Cấp huyện đạt 25,37%; cấp xã đạt 17,54%. Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Trong năm 2022, huyện có 2.308 người, trong đó có 1.264 nữ (chiếm 54,76%) được tư vấn việc làm và tư vấn nghề.

Bên cạnh kết quả đạt được, thì hoạt động của các thành viên Ban VSTBPN các cấp cũng còn những hạn chế, như: Việc lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các ban, ngành, đoàn thể và địa phương còn hạn chế, thực hiện còn mang tính thủ tục, chưa đi vào thực chất. Hoạt động của Ban VSTBPN còn mang tính chất kiêm nhiệm, vì vậy các thành viên của Ban VSTBPN ít có thời gian đầu tư cho công tác tuyên truyền; kinh phí hoạt động của Ban còn hạn chế; một số phụ nữ chưa ý thức được vai trò của mình trong xã hội nên còn sống khép kín, khó tiếp cận, nhất là các vấn đề bạo lực gia đình...

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kiều Tiên, nguyên nhân cơ bản của bạo lực giới là bất BĐG, cùng với thái độ và tư tưởng cho rằng phụ nữ có thân phận thấp kém so với nam giới, thiếu tôn trọng quyền của phụ nữ và tư tưởng luôn muốn kiểm soát cuộc sống của họ. Nhiều phụ nữ còn e ngại hoặc cho rằng việc bị bạo hành là chuyện của gia đình, gia đình tự giải quyết và để bảo vệ uy tín của người chồng, người thân nên chưa mạnh dạn lên tiếng với các cấp chính quyền địa phương để được hỗ trợ. Ở góc độ xã hội, các tệ nạn xã hội, thông tin xấu, độc hại trên Internet đã hình thành nên tâm lý bạo lực ở một bộ phận người dân, nhất là các gia đình lao động có thu nhập không ổn định...

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân thờ ơ trước những vụ bạo lực gia đình diễn ra xung quanh. Để chấm dứt hành vi bạo lực, các thành viên Ban VSTBPN và bản thân phụ nữ cần lên tiếng, xử lý khi bị bạo lực. “Một người lên tiếng, hai người lên tiếng sẽ khiến câu chuyện được lan tỏa đến nhiều người. Đó là cách chúng ta góp phần đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới”, đồng chí Kiều Tiên chia sẻ.

PHƯƠNG MAI

.
.
.