Thứ Tư, 24/05/2023, 14:24 (GMT+7)
.

Vượt lên nỗi đau da cam

Đó là trường hợp của em Đào Lê Ngọc Trâm (sinh năm 2003, ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, nhưng với nghị lực và sự quyết tâm cao, Ngọc Trâm cố gắng, chăm chỉ học tập và đã đậu vào ngành Bảo hộ lao động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (hiện là sinh viên năm thứ 2).

 

Cha của em là Đào Văn An, bộ đội xuất ngũ, trở về quê nhà với hơn 2 công đất quanh nhà trồng cỏ nuôi bò và trồng thêm mãng cầu Xiêm để nuôi sống gia đình 3 đứa con. Mẹ là chị Lê Thị Thảo, làm vườn và chăm lo việc nhà. Dù cuộc sống khó khăn nhưng anh An, chị Thảo vẫn quyết tâm cho con đến trường.

Ngọc Trâm là đứa con thứ 2 trong gia đình và từ nhỏ đã mắc bệnh cứng khớp khuỷu cả 2 tay, nên đôi bàn tay không lật ngửa lên được như người bình thường, tỷ lệ thương tật được xác định là 61%.

Không phụ giúp được nhiều cho gia đình, trong khi mỗi ngày phải chứng kiến cảnh cha mẹ làm việc vất vả để có cái ăn, cái mặc nên em quyết tâm theo đuổi ước mơ, hoài bão của mình bằng con đường học tập, trang bị kiến thức cho bản thân, mong sau này có được một nghề phù hợp với sức khỏe để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Càng nghĩ về tương lai, nghề nghiệp phía trước, em càng cố gắng học tập để không phụ lòng cha mẹ, chị và đứa em gái; gạt đi những mặc cảm với bạn bè, với mọi người để phấn đấu vươn lên vượt qua số phận.

Vì vậy, trong những năm còn ở trường phổ thông, Ngọc Trâm luôn là học sinh chuyên cần, học giỏi được bạn bè, thầy cô quý mến. Bước vào đại học, Ngọc Trâm vẫn phát huy được đức tính đó. Là sinh viên xuất sắc năm thứ nhất, Ngọc Trâm được nhận học bổng đầu vào 5 triệu đồng của trường để trang trải cho việc học hành.

Ngoài ra, Ngọc Trâm còn là một đoàn viên năng nổ, tích cực trong các hoạt động của Đoàn và của trường. Đó là niềm khích lệ, niềm vui của em và niềm tự hào của gia đình.

Ngọc Trâm tâm sự: “Do gia đình khó khăn nên em rất tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Mỗi tháng hoặc có khi đến 3 tháng, em mới về nhà để tiết kiệm tiền của cha mẹ. Trong học tập, để có đủ tài liệu, sách…, em thường xuyên lên thư viện sưu tầm tài liệu, chịu khó nghiên cứu, ghi chép thật nhiều để học tập có kết quả tốt…”.

Đào Lê Ngọc Trâm là một tấm gương giàu nghị lực trong cuộc sống, biết khắc phục những trở ngại, khó khăn, thử thách do bệnh tật, nỗ lực vượt qua số phận, vươn lên. Những gì mà Ngọc Trâm thể hiện được đó là kết quả của sự rèn luyện bền bỉ, ý chí phấn đấu vượt khó, kiên trì theo đuổi mục đích và lý tưởng của mình.

Chất độc da cam có thể hoành hành, tàn phá, làm đau đớn thể xác, nhưng không thể làm mất đi niềm tin và ý chí vươn lên của Ngọc Trâm, từ đó giúp em biết thích nghi với hoàn cảnh, với cuộc sống.

LÊ HUỲNH

.
.
.