Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho công nhân
Nhà ở công nhân, lao động (CNLĐ) là vấn đề nan giải bấy lâu nay. Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
ƯỚC MƠ VỀ MỘT CĂN NHÀ
Số lượng CNLĐ đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnhTiền Giang là rất đông, do đó nhu cầu nhà ở cho CNLĐ hiện nay là rất lớn. Tiền Giang hiện có 310 doanh nghiệp đã thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS), với 92.847 CNLĐ; trong đó các khu, cụm công nghiệp có 78 doanh nghiệp có CĐCS, với 67.824 CNLĐ. Tuy nhiên, hiện nay, ở các khu, cụm công nghiệp đang thiếu nhà ở cho CNLĐ, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, trường mẫu giáo… cho con CNLĐ. Dẫn đến tình trạng nhiều khu, cụm công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, nên CNLĐ phải thuê trọ ngoài nhà dân, với đa số cơ sở nhà trọ xuống cấp, chật chọi… Các khu nhà trọ với nhiều mối lo do mật độ người ở đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo, an ninh trật tự, an toàn chưa tốt; từ đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh và tệ nạn xã hội xảy ra.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang tham gia cùng Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam khảo sát thực tế tại công trình Dự án Thiết chế Công đoàn ở Tiền Giang. |
Chị Phạm Thị Thúy Sang (quê tỉnh An Giang), đang là công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina (Cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) gần 4 năm, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, còn chồng chị cũng làm công nhân tại Khu công nghiệp Mỹ Tho. Vợ chồng chị Sang có 3 đứa con, hiện cả gia đình chị 5 người đang sống chung tại một phòng trọ, rộng chừng 20 m2. Mỗi tháng vợ chồng chị Sang phải đóng tiền nhà trọ hơn 1 triệu đồng, số tiền còn lại vợ chồng chị trang tải chi phí cuộc sống và lo cho con ăn học. Cố gắng xoay xở lắm vợ chồng chị Sang mới đủ chi tiêu, nhưng có lúc cũng thiếu trước hụt sau. Do đó, chị Sang rất mong Nhà nước hỗ trợ được mua nhà ở xã hội trả góp với lãi suất thấp, vừa bớt chi phí thuê nhà, vừa có chỗ ở rộng rãi, sạch sẽ, đảm bảo cuộc sống tốt hơn.
Trong quá trình triển khai Dự án Thiết chế Công đoàn tại Tiền Giang đã có những vấn đề phát sinh cũng như những vướng mắc do quy định hiện hành cần được xem xét kỹ lưỡng để dự án có tính khả thi. Trước những khó khăn, vừa qua, Đoàn công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang nhằm tháo gỡ khó khăn trong triển khai Dự án Thiết chế Công đoàn tại Tiền Giang. |
Còn anh Nguyễn Thanh Kiệt, công nhân Công ty TNHH Thuận Phong (Khu công nghiệp Mỹ Tho, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) mỗi tháng thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Vợ anh Kiệt trước đây cũng làm công nhân, nhưng hiện đang nghỉ hộ sản, ở nhà chăm con nhỏ, mọi chi tiêu gia đình, từ đóng tiền thuê trọ, cho đến điện, nước, xăng xe, ăn uống, đám tiệc… đều trông cậy vào đồng lương ít ỏi của anh. Do đó, cuộc sống của gia đình anh Kiệt rất chật vật, khó khăn.
Ngồi trong căn phòng trọ khoảng 18 m2, vợ anh Kiệt vừa đưa võng cho con, vừa bộc bạch: “Hai vợ chồng trước đây ở trọ không sao, nhưng có con nhỏ thì rất tù túng, phòng trọ lúc nào cũng tối om nên phải mở đèn, kể cả ban ngày, ngoài tiền thuê trọ, còn phải gánh thêm chi phí tiền điện hằng tháng rất cao. Do đó, anh Kiệt luôn ước mơ về một căn nhà, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.
DOANH NGHIỆP CHUNG TAY
Thấu hiểu trước vất vả của CNLĐ, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xây dựng nhà ở cho CNLĐ ở xa được ở miễn phí, nhằm chia sẻ bớt một phần gánh nặng với CNLĐ. Cụ thể, một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Hùng Vương; Công ty cổ phần Gò Đàng, Công ty TNHH Vạn Đức, Công ty TNHH Minh Hưng đã quan tâm đầu tư các khu nhà tập thể cho CNLĐ. Trong đó, Công ty cổ phần Hùng Vương xây dựng khu nhà trọ gồm 40 phòng cho khoảng 100 CNLĐ. Công ty cổ phần Gò Đàng xây dựng 164 phòng trọ cho khoảng 400 CNLĐ. Công ty bố trí 2 người ở chung 1 phòng hoặc gia đình ở cùng 1 phòng và được miễn phí tiền phòng, chỉ đóng điện, nước sử dụng hằng tháng.
Chị Lê Thị Hồng Quyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Gò Đàng cho biết, qua việc xây dựng nhà trọ cho CNLĐ đã giúp người lao động có chổ ở ổn định, đi làm thuận tiện hơn. Qua đó, CNLĐ cũng thấy được sự quan tâm, chăm lo từ công ty, từ đó gắn bó lâu dài, làm việc hiệu quả và năng suất cao hơn.
Được Công ty cổ phần Gò Đàng quan tâm tạo điều kiện bố trí chổ ở, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến và chị Phạm Thị Trang, đều là công nhân hơn 10 năm của công ty hiện đã được bố trí vào ở trong khu nhà tập thể của công ty. Anh Tiến cho biết: “CNLĐ sau khi được công ty nhận vào làm, nếu có nhu cầu về chỗ ở đều được công ty bố trí cho vào ở miễn phí trong khu nhà tập thể dành cho CNLĐ. Ở đây rất thoải mái, sạch sẽ, có bảo vệ trực cổng ra vào nên an ninh trật tự được đảm bảo. Mỗi CNLĐ ở trong khu nhà tập thể của công ty đều có ý thức giữ vệ sinh chung, không gây ồn ào mất trật tự. Nhờ công ty hỗ trợ chỗ ở, vợ chồng tôi mới tiết kiệm, lo cho con ăn học, cuộc sống ổn định hơn. Mỗi tháng, gia đình tôi chỉ đóng khoảng 300 ngàn đồng tiền điện, nước. Ngoài ra, các dịp lễ, tết gia đình tôi còn được công ty tặng quà”.
CÙNG GIÚP CNLĐ “AN CƯ LẠC NGHIỆP”
Trong nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, rất nhiều chính sách và ưu đãi để thu hút chủ đầu tư xây dựng nhà ở CNLĐ được ban hành.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ mục tiêu giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân gắn với khu vực sản xuất, bảo đảm đáp ứng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các khu nhà ở, tạo chỗ ở ổn định, nâng cao đời sống để công nhân an tâm lao động sản xuất, góp phần an sinh xã hội.
Cả gia đình chị Sang có 5 người, cùng sống chung trong phòng trọ nhỏ, chật hẹp. |
Đối với tỉnh Tiền Giang, nhu cầu nhà ở của CNLĐ hiện nay rất cần thiết, bởi CNLĐ ở các tỉnh xa và các tỉnh lân cận như: Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh đến Tiền Giang phải ở trọ để sinh sống và đi làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gần nơi làm việc. Thực tế này cho thấy, nhu cầu thuê trọ ngày càng tăng, số lượng CNLĐ đông, chưa đáp ứng được nhà ở cho CNLĐ. Tỉnh Tiền Giang rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho CNLĐ, có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội phụ vụ cho CNLĐ.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho biết, LĐLĐ tỉnh rất quan tâm đến nhà ở cho CNLĐ. Trước tình hình phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, tuyển dụng nhiều CNLĐ để mở rộng sản xuất kinh doanh, LĐLĐ tỉnh đã chủ động, khảo sát tình hình nhà ở CNLĐ, tuyên truyền trong các khu nhà trọ công nhân tự quản, giảm tiền thuê trọ, giảm tiền điện, tiền nước trong sinh hoạt, hỗ trợ quà cho CNLĐ khó khăn. Đồng thời, chủ động tham mưu đề xuất với các ngành chức năng, sớm xây dựng thiết chế Công đoàn cho CNLĐ, nhà ở CNLĐ, điểm sinh hoạt vui chơi, giải trí, siêu thị Công đoàn, nhằm phục vụ cho CNLĐ có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có điều kiện tiếp cận với thiết chế Công đoàn, mua căn hộ với giá ưu đãi, trả góp dần, để CNLĐ an tâm sản xuất.
Được sự quan tâm của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh ủy Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang đang triển khai Dự án Thiết chế Công đoàn phục vụ CNLĐ. Theo đó, Dự án Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Tiền Giang có diện tích trên 3 ha, tại ấp Bình Tạo, xã Trung An, TP. Mỹ Tho gồm nhiều hạng mục: Nhà đa năng quy mô 2 tầng, với sức chứa 800 chỗ; các công trình sân thể thao ngoài trời; các khối nhà ở chung cư cao tầng với số lượng khoảng 1.000 căn hộ có diện tích từ 30 m2 - 45 m2; các khu dịch vụ thương mại, khu y tế, giáo dục bố trí tại tầng 1 các tòa nhà; công viên cây xanh... tổng mức đầu tư của dự án 678 tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 gồm hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án (bao gồm hạng mục san nền, cấp điện, cấp thoát nước, đường giao thông); hạng mục nhà đa năng và giai đoạn 2 là xây dựng các khu nhà ở.
Đồng chí Lê Minh Hùng cho biết, giai đoạn 1 của Dự án Thiết chế Công đoàn đã hoàn thành; đang chuẩn bị giai đoạn 2, xây 12 bloc nhà ở khoảng 1.109 phòng cho công nhân thuê hoặc mua. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết chỗ ở cho công nhân Khu công nghiệp Mỹ Tho, Cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho.
CÁT TƯỜNG