.

Cảnh báo đuối nước trẻ em khu vực Tây Nam Bộ

Cập nhật: 19:02, 12/06/2023 (GMT+7)

Thực tế, các vụ trẻ em đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình nói chung và ở các tỉnh, thành Tây Nam Bộ nói riêng. Với đặc điểm kênh rạch nhiều, sông, hồ, ao, đầm dày đặc nên khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn về đuối nước cho trẻ em. Để ngăn chặn, giảm thiểu những vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức, các lực lượng với tinh thần sự an toàn, tính mạng của trẻ là trên hết.

Liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước

Những ngày qua, tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ đuối nước thương tâm, thậm chí một gia đình có đến 3 người con cùng tử vong. Điển hình là chiều ngày 27/5, trên địa bàn xã An Phước, huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) đã xảy ra vụ đuối nước khiến 2 anh em song sinh tử vong. Cả hai nạn nhân đều là học sinh Trường THCS An Phước, sống cùng cha mẹ tại khu nhà ở của cơ sở sản xuất gạch, đi bắt cá ven bờ sông Cổ Chiên, sau đó tắm sông và bị đuối nước. Lãnh đạo UBND huyện Mang Thít cùng các ngành chức năng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng.

Người dân địa phương hỗ trợ việc tìm các bé bị đuối nước tại ấp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Trần Ngọc.
Người dân địa phương hỗ trợ việc tìm các bé bị đuối nước tại ấp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Trần Ngọc.

Đặc biệt, chiều ngày 28/5, tại ấp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 em nhỏ trong cùng một gia đình tử vong. Ba chị em ruột là N.N.N.H. (SN 2010), N.N.N.N. (SN 2014) và N.N.N.H. (SN 2016) ra tắm tại cầu bến Chợ Đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp. Cùng đi còn có N.P.T. (SN 2019, em ruột của 3 cháu nói trên). Trong lúc tắm, hai em nhỏ không biết bơi nên đuối nước. H. là chị cả đã bơi ra cứu các em nhưng không thành công, dẫn đến cả 3 cùng đuối nước. Cháu T. ở trên bờ nhìn thấy các chị đuối nước nên chạy về nhà báo cho cha mẹ. Sau đó, gia đình và hàng xóm cùng lực lượng chức năng địa phương đã tìm được thi thể của cháu bé.

Thực tế, các vụ đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều gia đình ở các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Với đặc điểm kênh rạch nhiều, sông, hồ, ao, đầm dày đặc nên khu vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn về đuối nước cho trẻ em. Theo thống kê của nhiều địa phương, hằng năm, đều có các trường hợp trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước, thậm chí có nhiều trẻ biết bơi nhưng vẫn tử vong do bơi tại khu vực nước sâu nguy hiểm. Thực tế cho thấy, tình trạng đuối nước xảy ra nhiều ở các vùng thôn quê, nơi có nhiều kênh rạch, ao, hồ, sông suối, vắng người qua lại. Và phần lớn các vụ đuối nước là do các em rủ nhau đi bơi, tắm, chơi gần khu vực có nước và bị trượt chân, vào thời gian nghỉ học ở nhà, không có sự giám sát, quản lý của người lớn...

Cần sự chung tay của các tổ chức, các lực lượng

Thời gian qua, để hạn chế những vụ trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước, các ngành chức năng tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đang đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác phòng, chống. Tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo vệ trẻ em. Tại địa bàn Thành phố Cần Thơ, 9/9 quận, huyện vừa đồng loạt diễn ra lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước năm 2023. Còn tại tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức lễ phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước và khai mạc giải bơi các nhóm tuổi cấp tỉnh năm 2023.

Lực lượng cứu hộ tham gia tìm kiếm nạn nhân đuối nước. Ảnh: Văn Vĩnh.
Lực lượng cứu hộ tham gia tìm kiếm nạn nhân đuối nước. Ảnh: Văn Vĩnh.

Theo đồng chí Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cần Thơ cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Cần Thơ đã lập kế hoạch tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho các cơ sở giáo dục nhằm trang bị kiến thức về các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có sơ cấp cứu tại chỗ trong các trường hợp đuối nước.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng trẻ em đuối nước tại một số tỉnh, thành Tây Nam Bộ tiềm ẩn những nguy cơ diễn biến phức tạp nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn, hạn chế trên cơ sở sự chung tay của các tổ chức, các lực lượng. Cụ thể, để công tác phòng tránh đuối nước đối với trẻ em, đặc biệt là đối với học sinh trong thời gian nghỉ hè, các nhà trường và các địa phương cần thường xuyên phổ biến, giáo dục về kỹ năng chống đuối nước, cứu hộ, cứu nạn cho học sinh khi các em đang trong thời gian học. Tăng cường bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng ứng xử với môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Đồng thời, phối hợp với địa phương, gia đình tổ chức các khóa học bơi để các em có kỹ năng thành tạo khi tiếp xúc với sông nước.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành khảo sát các khu vực kênh rạch, ao hồ, sông ngòi và chủ động cắm biển cảnh báo độ sâu, nguy hiểm để người dân nói chung và trẻ em nói riêng nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn tại những khu vực này. Trong thời gian học sinh nghỉ hè, cấp ủy, chính quyền địa phương cần coi trọng vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên ở cơ sở trong tổ chức các lớp dạy bơi, dạy về kỹ năng cứu người bị nạn; tích cực tuyên truyền, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, hấp dẫn cho trẻ trong dịp hè. Phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, quản lý con em mình trong thời gian các em nghỉ hè, tránh để các em rảnh rỗi, tụ tập và rủ nhau đi bơi ở kênh rạch, ao hồ theo kiểu tự phát. Các gia đình cần phối hợp với trưởng khu dân cư nhắc nhở thường xuyên về phòng tránh đuối nước đối với trẻ em.

(Theo dangcongsan.vn)

 

.
.
.