.

Nỗ lực vì mục tiêu an sinh xã hội

Cập nhật: 13:27, 26/06/2023 (GMT+7)

5 năm qua, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 28 ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH - gọi tắt là Nghị quyết 28) đã được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Tiền Giang triển khai đồng bộ, hệ thống và đạt kết quả tích cực.

ĐƯA CHÍNH SÁCH VÀO CUỘC SỐNG 

Quán triệt Nghị quyết 28, ngày 10-9-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình 34 để lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện hiệu quả chính sách BHXH; UBND tỉnh có Quyết định 3763 ngày 1-11-2019 thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Kế hoạch 07 ngày 8-1-2020 thực hiện Nghị quyết 125 của Chính phủ và Chương trình 34 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Hằng năm, UBND tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan, nhất là ngành BHXH tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện. UBND các huyện, thành, thị thành lập Ban Chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; đưa nhiệm vụ phát triển BHXH, BHYT là một trong những chỉ tiêu pháp lệnh để chỉ đạo thực hiện.

Hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân  xã Trung An, TP. Mỹ Tho.
Hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người dân xã Trung An, TP. Mỹ Tho.

Tính đến hết quý I-2023, toàn tỉnh Tiền Giang có 281.909 người tham gia BHXH, chiếm 29,9% lực lượng lao động, tăng 0,4 lần so với năm 2018; có 184.829 người tham gia BHTN, chiếm 26,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 0,01 lần so với năm 2018.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Đồng thời với đó là tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; nâng cấp hệ thống các phần mềm, cập nhật cơ sở dữ liệu tập trung; liên thông dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, giải quyết chế độ BHXH; nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của các đơn vị trực thuộc; tư vấn, hỗ trợ, giải đáp về chính sách BHXH, BHTN để phục vụ tốt hơn cho người lao động và người sử dụng lao động.

Đến nay, toàn tỉnh có 3.691 đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN (trong đó, có 3.284 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử); có 275.000 người tham gia BHXH đăng ký, cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người tham gia bảo hiểm, có thể truy cập, tra cứu dữ liệu tham gia dịch vụ bảo hiểm của bản thân, biết quyền lợi, các chính sách đã hưởng và giám sát việc đóng BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động.

Từ năm 2020 đến nay, BHXH Việt Nam đã triển khai 67/67 dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của ngành, giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện trực tiếp trên cổng giao dịch điện tử tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn hoặc thông qua tổ chức I-VAN. Theo đó, ngành BHXH tỉnh thực hiện tiếp nhận, giải quyết 945.624 hồ sơ qua các dịch vụ công trực tuyến (trong đó, cao nhất năm 2022 với 250.287 hồ sơ).

Theo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh năm 2022, tỷ lệ hài lòng của người tham gia BHXH đối với ngành BHXH đạt 98%.

NÂNG CAO NHẬN THỨC NGƯỜI DÂN

Có được thành tích trên là nhờ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH. Xác định công tác thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, nhằm từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của chính sách BHXH trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, các ngành, các cấp luôn chú trọng đổi mới nội dung, cách thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến qua hệ thống báo cáo viên, các hội nghị, đối thoại, tuyên truyền, vận động trực tiếp; các buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp theo từng nhóm nhỏ, từng hộ gia đình, khu dân cư, cơ sở kinh doanh.

Cùng với đó là giải đáp các vấn đề vướng mắc; cấp phát tờ rơi, gắn pa nô, áp phích, treo băng rôn tại các khu trung tâm, trục đường chính; phát thanh qua hệ thống Đài Truyền thanh cấp xã; phát sóng Chương trình Pháp luật với đời sống, Chuyên mục Chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; đăng tải Chuyên mục về BHXH, BHYT trên Báo Ấp Bắc vào thứ tư hằng tuần. Đồng thời, thông tin về công tác BHXH, BHYT vào nội dung thường kỳ của Bản tin Thông báo nội bộ của Tỉnh ủy, các hội nghị thông tin thời sự do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức; đăng tin, bài qua Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan...

Đặc biệt là hoạt động  truyền thông trong các đợt cao điểm nhân dịp thành lập ngành BHXH (16-2), tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân… Ngoài ra, ngành BHXH đã ký kết và triển khai các chương trình, kế hoạch phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Liên minh Hợp tác xã, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Có 710 hội nghị, buổi tư vấn, đối thoại trực tiếp, hội thảo để phổ biến chính sách, pháp luật BHXH cho 41.225 lượt người lao động, người sử dụng lao động; 4.480 cuộc tuyên truyền với 18.850 lượt người tham dự; thực hiện cấp phát trên 962.000 tờ gấp, pa nô… Qua triển khai, quán triệt, các cấp ủy, chính quyền nhận thức được tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật nói chung và về BHXH, BHYT nói riêng của chủ doanh nghiệp và người lao động ngày càng nâng lên; từ đó tạo được sự gắn bó giữa người lao động với đơn vị sử dụng lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân.

TẤN QUÂN

.
.
.