.

Bảo vệ "áo giáp" cho đồng bằng

Cập nhật: 21:22, 11/07/2023 (GMT+7)

Các vụ sạt lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long xảy ra dồn dập trong thời gian gần đây. Để tìm được cách ứng phó thích hợp, trước hết, cần hiểu rõ về sự hình thành và đặc điểm của vùng châu thổ này.

Nghề đẩy te trên sông Tiền, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Phương
Nghề đẩy te trên sông Tiền, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Phương

Hành trình kiến tạo

Đồng bằng sông Cửu Long là sản phẩm từ sự bồi đắp miệt mài của sông Mê Công tạo nên. Trước đây, trung bình mỗi năm sông Mê Công tải về khoảng 160 triệu tấn phù sa mịn trong dòng nước, chưa kể lượng cát tải về dưới đáy. Lượng vật liệu thô, bao gồm cát và sỏi, di chuyển ở đáy sông từ thượng nguồn về hạ lưu chưa được đo đạc, chỉ có con số ước lượng khoảng 30 triệu tấn mỗi năm.

Dòng nước sông Mê Công đổ về trong mùa lũ mang theo phù sa mịn nên rất đục. Năm nào lũ trung bình thì dòng nước phù sa có mầu bạc nên được gọi là "nước bạc". Năm nào lũ đặc biệt lớn thì phù sa có mầu hồng nên được gọi là "nước son". Cát và sỏi là vật liệu nặng nên chỉ di chuyển được khi nào có dòng nước mạnh và chỉ di chuyển ở đáy sông. Cát và sỏi, do đó, trong một năm chỉ di chuyển được trong khoảng ba tháng 7, 8, 9 đầu mùa lũ. Đến giữa mùa lũ khoảng tháng 10, khi dòng chảy bắt đầu yếu thì cát và sỏi dừng lại ở những "trạm trung chuyển" và chờ mùa nước năm sau tiếp tục hành trình.

Phù sa mịn thì về đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm theo dòng nước, còn cát thì mỗi năm di chuyển trong ba tháng chỉ được khoảng 200km, do đó phải mất vài chục năm mới di chuyển hết đoạn đường 2.000 - 4.500 km từ thượng nguồn về đến đồng bằng sông Cửu Long. Sỏi nặng hơn cát nên di chuyển càng lâu hơn nữa.

Năm nào có mưa nhiều thì phù sa được các nhánh sông con đổ vào dòng chính sông Mê Công càng nhiều và lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long càng nhiều. Ngược lại năm nào khô hạn, ít mưa, dòng sông ít đục hơn và lượng cát về ở đáy sông đồng bằng sông Cửu Long cũng rất ít.

Trong mùa lũ, khi nước sông Cửu Long đổ xuống theo các nhánh sông, một phần len lỏi vào kênh rạch, cánh đồng mang dinh dưỡng trù phú bồi đắp cho đất đai. Tại các cửa sông, dòng nước của sông gặp nước biển như một bức tường nước nên bị triệt tiêu vận tốc.

Tất cả phù sa mịn và cát trong nước sông đều rơi xuống, tạm lắng đọng tại vùng cửa sông. Sang đến mùa khô, gió mùa đông bắc sẽ xới xáo lượng phù sa ở cửa sông này và dòng hải lưu sẽ mang chúng đi về hướng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, vòng qua Mũi Cà Mau qua Biển Tây. Quá trình tái phân phối phù sa ven biển để bồi đắp cho vùng bán đảo Cà Mau. Vì phù sa đi ra biển trước khi bồi đắp bán đảo Cà Mau nên đất vùng này là đất mặn. Mỗi năm vùng này có sáu tháng nước ngọt là nhờ nước mưa phủ lên bề mặt. Sang đến mùa khô khi nước mưa bốc hơi hết thì nước vùng này là nước mặn.

Quá trình tái phân phối phù sa ven biển tạo ra một lớp nước đục khoảng 30 km từ bờ, bao quanh bờ biển đồng bằng sông Cửu Long. Trong quá trình tái phân phối đó, phù sa mịn được mang đi về hướng bán đảo Cà Mau còn cát thì ở lại, do đó đoạn bờ biển vùng cửa sông Cửu Long khoảng 250km từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng toàn là cát và đoạn bờ biển từ Bạc Liêu tới Cà Mau và qua Biển Tây là bờ biển bùn.

Trong lượng phù sa 160 triệu tấn sông Mê Công tải về, có khoảng 100 triệu tấn được mang ra biển để bồi đắp mở rộng đồng bằng. Bởi vậy, bờ biển đồng bằng sông Cửu Long liên tục được bồi đắp tiến ra Biển Đông trung bình 16m và về hướng Mũi Cà Mau 26m mỗi năm. Trong quá trình đó, cát tiến ra biển lót nền bên dưới, sau đó phù sa mịn bồi đắp lên trên. Do đó, "cát biển" ở đồng bằng sông Cửu Long thực chất chính là cát sông Cửu Long mang ra biển để bồi đắp mở rộng đồng bằng.

Lớp nước đục mang nặng phù sa bao bọc bờ biển đồng bằng sông Cửu Long chính là chiếc "áo giáp" chở che cho đồng bằng trong suốt 6000 năm kiến tạo đồng bằng. Vì nước biển đục mang nặng phù sa nặng hơn nước biển xanh nên nước đục có khả năng hấp thu năng lượng sóng biển rất lớn. Sóng biển từ biển xanh đưa vào bờ đi qua lớp nước đục này đã bị giảm năng lượng, giảm chiều cao sóng. Vào bờ gặp vành đai rừng ngập mặn dày ngày xưa thì sóng hoàn toàn bị triệt tiêu.

Nguyên nhân và cơ chế sạt lở

Nguyên nhân chính của hiện tượng sạt lở diễn ra tràn lan khắp bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây là do sự thiếu hụt phù sa và cát - thiếu hụt chính cái vật liệu cần thiết để bồi đắp và duy trì đồng bằng.

Đối với bờ biển, thiếu cát thì sạt lở xảy ra ở vùng cửa sông Cửu Long, thiếu bùn thì sạt lở ở đoạn bờ biển bùn.

Còn với bờ sông, thiếu cát là do đáy sông bị sâu hơn đồng nghĩa với bờ bị cao hơn và mái dốc bờ sông bị mất ổn định. Khi đáy sông chính bị hạ thấp thì sông chính sẽ rút đáy của các sông nhánh ra và đến lượt mình các nhánh sông rút đáy của rạch, kênh mương nhỏ hơn làm cho đáy của toàn bộ hệ thống sông ngòi bị sâu. Theo đó, sạt lở lan tỏa khắp nơi trên toàn đồng bằng, chứ không phải khai thác nơi nào thì chỉ sạt lở nơi đó. Càng về phía thượng nguồn thì sạt lở càng nhiều hơn vì kết cấu đất có pha nhiều cát hơn làm cho độ kết dính thấp hơn.

Sạt lở bờ sông ở đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm là bờ bị dòng nước ăn mòn đứt mất chân bờ sông, sau đó toàn bộ khối đất ở trên bị sụp đổ xuống. Sạt lở thường xảy ra vào cuối mùa khô khi mực nước sông thấp nhất, đồng nghĩa với thời điểm mà bờ cao nhất và nặng nhất trong năm. Bờ sông đã trải qua thời gian suốt mùa khô, bị ăn đứt chân bên dưới, không còn chống đỡ nổi nên trượt xuống sông. Sạt lở thường xảy ra ở những đoạn sông cong nơi đường tim sông đi áp sát vào bờ phía lõm, hoặc những vị trí dòng sông bị bó hẹp nên dòng chảy bắt buộc phải tăng vận tốc.

Có thể thấy, sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ còn tiếp diễn và ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong vài chục năm tới, theo nguyên lý đơn giản rằng, khi nguyên nhân còn thì hệ quả còn.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.