.

Tiền Giang: Triển khai hiệu quả nhiều chương trình dân số

Cập nhật: 19:58, 10/07/2023 (GMT+7)

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, Tiền Giang đang triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, mô hình về công tác dân số. Theo đánh giá của Tổng cục Dân số thì Tiền Giang đã và đang thực hiện hiệu quả công tác này.

Tiền Giang là 1 trong số các tỉnh có mức sinh thấp, do đó tháng 12-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 356 nhằm thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định 39 của Chính phủ và các quy định hiện hành; đồng thời, khen thưởng, hỗ trợ kịp thời cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước tuổi 35.

Bảo đảm cung cấp đủ phương tiện tránh thai (PTTT) cho các đối tượng miễn phí, không để đối tượng được cấp miễn phí PTTT không được thụ hưởng chính sách. Tiếp tục tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt; lồng ghép kết hợp cung cấp dịch vụ khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc ung thư tại cộng đồng và các dịch vụ khác về kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nội dung vận động tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội…

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã thực hiện hiệu quả nội dung truyền thông chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tiền Giang thực hiện hiệu quả nội dung truyền thông chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tỉnh mở rộng hệ thống thông tin quản lý hậu cần PTTT và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý hậu cần, theo dõi quản lý đối tượng. Thực hiện các biện pháp thúc đẩy, linh hoạt trong cung cấp dịch vụ lâm sàng tại các cơ sở y tế và phi lâm sàng qua mạng lưới cộng tác viên dân số. Huy động tối đa việc cấp phát PTTT phi lâm sàng tại nhà cho đối tượng có nhu cầu, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ tránh thai trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2020 - 2030. Hiện toàn tỉnh đã vận động được 133.745 người thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại, đạt trên 96% chỉ tiêu năm 2023.

Đến tháng 6-2023, thực hiện Chương trình toàn tỉnh khám phụ khoa cho 42.260 phụ nữ, có 15.104 phụ nữ từ 30 - 54 tuổi làm test VIA/test LUGOL, chiếm tỷ lệ 35,74% và 4.120 phụ nữ từ 30 - 54 tuổi xét nghiệm Pap’s mear và soi cổ tử cung, chiếm tỷ lệ 9,8%, phát hiện 129 phụ nữ từ 30 - 54 tuổi được chẩn đoán xác định ung thư cổ tử cung. Thực hiện sàng lọc siêu âm tuyến vú và chụp nhũ ảnh cho 12.963 phụ nữ và phát hiện 334 phụ nữ có kết quả bất thường từ siêu âm vú, chụp nhũ ảnh. Tất cả các trường hợp bất thường đều được tư vấn và chuyển tuyến trên điều trị.

Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030, Tiền Giang là địa phương thực hiện đạt kết quả tốt. Trong 6 tháng đầu năm, tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh có 2.141/9.162 thai phụ thực hiện sàng lọc trước sinh; qua đó phát hiện 35 thai phụ có nguy cơ cao nên được chuyển tuyến để chẩn đoán xác định. Có 7.073/7.479 bé sơ sinh được lấy máu gửi Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh (tỷ lệ 94,57%) và đã phát hiện 54 trẻ có nguy cơ thiếu men G6PD.

Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi nhận thức, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tiếp tục đưa các nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình giáo dục cho học sinh các trường phổ thông (THCS, THPT) và Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong trường chính trị, hành chính, vào quy ước của tổ dân phố. Kết quả, tuyên truyền trực tiếp 760 cuộc cho gần 19.000 người và phát thanh gần 6.000 phút trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Tỉnh cũng đang thực hiện hiệu quả Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện mô hình tư vấn dân số sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, khám sức khỏe tiền hôn nhân qua đăng ký kết hôn tại 88 xã, phường, thị trấn…

MAI HÀ

.
.
.