Tiền Giang: Khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở
Tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều điểm sạt lở mới với quy mô, mức độ sạt lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước và đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại. Địa phương đã có nhiều giải pháp nhưng điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn đang rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ các cấp, bộ, ngành của trung ương.
NHỮNG ĐIỂM SẠT LỞ MỚI
Những ngày qua, trên địa bàn huyện Châu Thành vừa xảy ra 2 điểm sạt lở nghiêm trọng ven sông Phú Phong, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại và nhà ở của người dân. Điểm sạt lở thứ nhất xảy ra tại ấp Phú Hòa, dài hơn 45 m, ăn sâu vào 4 m, đe dọa nhà ở của người dân địa phương. Điểm sạt lở thứ hai xảy ra tại ấp Phú Thạnh, dài gần 55 m, ăn sâu vào từ 5 - 7 m, cắt đứt đường giao thông đe dọa nghiêm trọng vườn cây ăn trái của người dân.
Sạt lở xảy ra trên địa bàn xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy. |
Còn tại huyện Cai Lây, cách đây vài ngày, tại đoạn gần 20 m khu vực bờ Nam sông Ba Rài thuộc tổ 4, ấp Hội Trí, xã Hội Xuân tiếp tục xảy ra sạt lở nặng, chia cắt đường giao thông. Theo ghi nhận của phóng viên, một đoạn huyện lộ 54B ven sông, dài hơn 20 m bị sụp xuống dòng nước, thủy triều xâm thực vào bên trong từ 4 đến 5 m. Điểm sạt lở này chia cắt hoàn toàn đường giao thông, gây ách tắc việc đi lại và vận chuyển hàng nông sản của người dân ở khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Dung, người dân ở ấp Hội Trí, xã Hội Xuân cho biết: “Sông Ba Rài là điểm nóng về tình hình sạt lở. Tình trạng sạt lở thường xảy ra, Nhà nước vừa khắc phục điểm sạt lở này xong thì xảy ra điểm sạt lở mới, với mức độ nghiêm trọng hơn, làm cho người dân không thể yên tâm, cứ phập phồng lo lắng. Do đó, người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm đến khảo sát và làm bờ kè để ổn định cuộc sống người dân”.
Để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đồng thời để đạt mục tiêu dự án và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành trung ương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để Tiền Giang triển khai thực hiện 9 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp với tổng kinh phí 2.903 tỷ đồng. |
Được biết, trước đó, cũng trên đường huyện 54B xuất hiện đoạn sạt lở khoảng 50 m (21 m đổ sụp hoàn toàn xuống sông, 29 m còn lại đang có dấu nứt kéo dài). Điểm sạt lở rộng khoảng 3 m và chiều sâu khoảng 4 m, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đặc biệt là việc vận chuyển trái cây khi khu vực này đang vào mùa thu hoạch. Vị trí sạt lở chỉ cách nhà dân vài mét, nếu triều cường dâng cao hoặc mưa lớn sẽ gây nguy hiểm trực tiếp đến nhà dân.
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, liên tục trong 1 tháng trở lại đây, địa bàn xã Hội Xuân đã xảy ra 2 điểm sạt lở rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, giao thương hàng hóa nông sản của người dân. Huyện Cai Lậy đang chờ tỉnh thông qua nguồn kinh phí khoảng 26 tỷ đồng để xử lý 5 điểm sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện; các điểm sạt lở còn lại sử dụng nguồn ngân sách của huyện với kinh phí khoảng 6,1 tỷ đồng.
Sạt lở xảy ra trên địa bàn xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy. |
Còn theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, qua thống kê, theo dõi, từ đầu năm đến nay (đầu tháng 7-2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 66 điểm sạt lở với tổng chiều dài 11.755 m, kinh phí khắc phục 133,533 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ xử lý 111,688 tỷ đồng, ngân sách huyện xử lý 21,845 tỷ đồng).
“Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương khắc phục 34 điểm sạt lở với tổng chiều dài ước tính 8.843 m, tổng kinh phí tạm tính là 47,555 tỷ đồng (trong đó tỉnh hỗ trợ 38,26 tỷ đồng, ngân sách huyện 9,295 tỷ đồng). Cụ thể, huyện Cái Bè 12 điểm, kinh phí 26,54 tỷ đồng; TX. Cai Lậy 1 điểm, kinh phí 9,76 tỷ đồng; huyện Châu Thành 21 điểm, kinh phí 11,255 tỷ đồng. Đối với 32 điểm sạt lở còn lại (huyện Cái Bè 20 điểm; huyện Cai lậy 10 điểm; TX. Cai Lậy 1 điểm; huyện Chợ Gạo 1 điểm) với tổng kinh phí khắc phục 85,978 tỷ đồng”, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cho biết.
NHIỀU GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã ảnh hưởng trực tiếp về cơ sở vật chất, nhà cửa của các hộ dân sống ven sông; gây sụp lún, sạt lở mất lưu không và lấn sâu vào thân đê bao không đảm bảo ngăn mặn, triều cường, bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, sa pô, xoài, bưởi da xanh...
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết: “Hiện tại, chính quyền địa phương mong muốn các ngành, các cấp liên quan của tỉnh kịp thời xử lý, quan tâm phân bổ kinh phí chống sạt lở cho địa phương. Nếu tình trạng sạt lở kéo dài, không được khắc phục, thì các điểm sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn và xuất hiện nhiều điểm mới”.
Nói về giải pháp xử lý sạt lở trên địa bàn huyện Cái Bè, Bí thư Huyện ủy Cái Bè Trần Văn Út cho biết, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp để xử lý, khắc phục sạt lở bờ sông, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong đó, huyện thường xuyên kiểm tra, khảo sát các khu vực xung yếu, có nguy cơ cao về thiên tai, sạt lở để thống kê, đề xuất giải pháp xử lý, khắc phục. Đồng thời, yêu cầu các hộ dân cùng tham gia nâng cấp, gia cố, duy tu, sửa chữa các tuyến đê bao nằm trong khu đất do mình quản lý, sử dụng theo phương châm phòng là chính; đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công khẩn cấp đối với các điểm sạt lở đã phê duyệt chủ trương...
Mới đây, sạt lở nghiêm trọng lại xảy ra trên địa bàn xã Phú Phong, huyện Châu Thành. |
Theo đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, trước tình hình sạt lở xảy ra, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo khắc phục, lập tức thực hiện các giải pháp phi công trình như thường xuyên hỗ trợ huyện kinh phí để thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở; trồng lục bình, cây chắn sóng, trồng cỏ mái sông, kinh, rạch để hạn chế sạt lở. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động tiến hành xử lý ngay các điểm sạt lở (không phân biệt điểm sạt lở lớn, nhỏ). Khi xảy ra sạt lở, địa phương chủ động kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở để tiến hành xử lý. Việc chống sạt lở trong thời gian qua là tùy theo quy mô sạt lở. Việc khắc phục sạt lở bảo vệ tính mạng tài sản của nhà nước và nhân dân trong các năm qua trên địa bàn các huyện phía Tây của tỉnh đã áp dụng các giải pháp công trình để xử lý sạt lở.
Đối với giải pháp công trình, xử lý tạm thời bằng các vật liệu địa phương sẵn có như cừ tràm, bạch đàn, lưới B40 và bao đất để xử lý được các địa phương áp dụng nhiều. Tuy nhiên đây là giải pháp tạm thời, tuổi thọ công trình không cao. Đối với giải pháp xử lý bằng cọc bê tông cốt thép kết hợp với tấm dal chắn đất; giải pháp kè rọ đá áp dụng những vị trí sạt lở nhỏ, nền đất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng phải tiếp tục duy tu bão dưỡng và có biện pháp bảo vệ cấm ghe tàu neo đậu. Giải pháp xử lý bằng kết cấu bê tông cốt thép tường đứng, kinh phí đầu tư xây dựng lớn, tuổi thọ công trình cao. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn kinh phí nên việc đầu tư xử lý bằng giải pháp này rất hạn chế, chỉ ưu tiên áp dụng cho những vị trí sạt lở nghiêm trọng, quy mô sạt lở lớn, nơi có dòng chảy mạnh và sông sâu.
TUẤN LÂM