Để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thực sự đi vào cuộc sống
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21-11-2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Sau gần 15 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 đã có những bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới.
Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 có 6 Chương, 56 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023. Luật hướng tới hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống BLGĐ theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Theo đó, Luật Phòng, chống BLGĐ đã có nhiều điểm mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Một số điểm mới tập trung vào các nội dung sau: Tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ là trung tâm; sửa đổi, bổ sung các hành vi BLGĐ; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc phòng, chống BLGĐ. Ảnh THU HOÀI |
Sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống BLGĐ; sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi BLGĐ; bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống BLGĐ”, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi BLGĐ.
Sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống BLGĐ; bổ sung biện pháp yêu cầu người có hành vi BLGĐ đến trụ sở công an xã; giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp xã và tòa án ban hành quyết định cấm tiếp xúc, đơn giản hóa thủ tục; quy định về giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; biện pháp giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi BLGĐ; biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”; bảo vệ người tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác về BLGĐ.
Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ; đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống BLGĐ để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống BLGĐ hoạt động chuyên nghiệp. Quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống BLGĐ, cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống BLGĐ; bổ sung các quy định về điều kiện bảo đảm thực hiện phòng, chống BLGĐ như: Quy định về kinh phí phòng, chống BLGĐ, cơ sở dữ liệu về phòng, chống BLGĐ, phối hợp liên ngành về phòng, chống BLGĐ...
Để kịp thời triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022, ngày 20-4-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 136 và tổ chức hội nghị triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh nhằm quán triệt cho các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cấp huyện các nội dung cơ bản của dự án luật này để thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. |
Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống BLGĐ; bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm/lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống BLGĐ; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ...
Để đưa Luật phòng, chống BLGĐ năm 2022 đi vào cuộc sống, một cách đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Công tác gia đình và dân số tỉnh (gọi tắt Ban chỉ đạo tỉnh) sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt các nội dung của Luật Phòng, chống BLGĐ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cấp huyện. Đồng thời, UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức triển khai nội dung của Luật đến cán bộ, công chức và tập trung tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân địa phương để mọi người nắm vững, thông suốt và thực hiện.
Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống BLGĐ theo thẩm quyền; bố trí kinh phí, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ trên địa bàn quản lý và hằng năm, UBND các cấp báo cáo HĐND cùng cấp về công tác phòng, chống BLGĐ tại địa phương.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên các cấp tập trung tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống BLGĐ và quy định khác của pháp luật có liên quan, cam kết không có hành vi BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc.. Thực hiện tuyên truyền, giáo dục kỹ năng kiểm soát hành vi BLGĐ trong cơ quan, tổ chức mình và nhân dân…
Thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Kịp thời biểu dương, đề xuất khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống BLGĐ để tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội…
PHÚC LỘC