.
HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH TIỀN GIANG:

Chăm lo đời sống cho hội viên

Cập nhật: 09:46, 10/08/2023 (GMT+7)

Những năm qua, Hội Người mù tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo đời sống hội viên. Sự quan tâm của Hội đã phần nào chia sẻ khó khăn với hội viên, tiếp thêm động lực để người mù vươn lên, hòa nhập với cộng đồng.

HỖ TRỢ THIẾT THỰC

Hội Người mù tỉnh Tiền Giang thành lập năm 1991, hiện có 982 hội viên (511 nam, 471 nữ) trên tổng số 1.132 người mù. Xác định người mù là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dễ bị tổn thương nên ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội Người mù tỉnh luôn chú trọng đến công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, tạo điều kiện để hội viên vươn lên, hòa nhập cuộc sống.

Hội Người mù tỉnh Tiền Giang phối hợp Hội cơ sở vận động các nhà hảo tâm trao quà cho hội viên, người mù có  hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cai Lậy.						       Ảnh: Tấn Trung
Hội Người mù tỉnh Tiền Giang phối hợp Hội cơ sở vận động các nhà hảo tâm trao quà cho hội viên, người mù có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cai Lậy. Ảnh: Tấn Trung

Những năm qua, không chỉ nỗ lực trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các cấp Hội Người mù tỉnh còn huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện thu nhập.

Qua đó, Hội đã cử 26/33 cán bộ (người mù) thường trực và 3/13 cán bộ (người sáng mắt) các cấp tham gia các lớp đào tạo quản lý, chuyên môn nghiệp vụ công tác Hội nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý, 33 cán bộ là người mù sử dụng thành thạo chữ Braille trong công việc.

Hội đã cử 17 cán bộ là người mù học tin học dành cho người mù tại Trung tâm Phục hồi khả năng lao động và dạy nghề cho người mù TP. Hồ Chí Minh, đưa 4 cán bộ tham gia lớp tập huấn báo chí, tuyên truyền do Trung ương Hội tổ chức tại TP. Cần Thơ và tỉnh Bình Dương.

Nhờ vận dụng kiến thức đã học và kinh nghiệm qua thực tế hoạt động, đa số cán bộ Hội Người mù tỉnh Tiền Giang đã đáp ứng được yêu cầu đề ra trong tình hình mới, giúp cho hội viên có thêm kiến thức vận dụng vào công việc và giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Nhiều hội viên sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại thông minh… hỗ trợ trong công việc và cuộc sống. Máy vi tính, điện thoại thông minh được cài phần mềm hỗ trợ tiếng nói, có thể đọc chính xác hầu hết thông tin trên màn hình bằng Tiếng Anh và Tiếng Việt; hỗ trợ câu lệnh dùng phím tắt, giúp người mù có thể cài đặt và sử dụng hầu hết các chức năng của máy vi tính và điện thoại.

NỖ LỰC VƯƠN LÊN

Nhằm tạo điều kiện cho hội viên vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập với cộng đồng, các cấp Hội Người mù của tỉnh đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, hội viên khiếm thị trong tuổi lao động đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền… Hiện nay, trong Hội có 3 cơ sở xoa bóp (massage) do Hội quản lý, tạo việc làm thường xuyên cho 18 hội viên, thu nhập bình quân từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, từ đó tạo công ăn việc làm cho hội viên.  

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) cho biết: “Khi phát hiện bị teo dây thần kinh thị lực dẫn đến giảm thị lực, lúc ấy, tôi chán nản và mặc cảm, mỗi ngày trôi qua với tôi vô cùng khó khăn. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi tôi tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù tỉnh, được học nghề, tạo điều kiện làm việc tại cơ sở xoa bóp của Hội, được giao tiếp với nhiều người, học chữ nổi… nên tôi dần lạc quan, sống vui hơn”.

"Thời gian qua, các cấp Hội Người mủ tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều hoạt động và đạt được một số kết quả nhất định. Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục vận động, kêu gọi sự đóng góp để có nguồn vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ đời sống cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục hỗ trợ vốn vay để người mù phát triển sản xuất; quan tâm công tác dạy chữ, dạy nghề và tạo việc làm cho hội viên, người mù nhằm nâng cao đời sống hội viên, người mù ngày càng được tốt hơn”.

CHỦ TỊCH HỘI NGƯỜI MÙ TỈNH TIỀN GIANG LÊ VĂN KHÔI CHO BIẾT

Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của các cấp Hội Người mù của tỉnh, nhiều gia đình hội viên, người mù đã sửa chữa nhà ở, xây được nhà mới, mua sắm nhiều tiện nghi phục vụ trong sinh hoạt gia đình… Đặc biệt, Hội vận động xây dựng 4 căn nhà đại đoàn kết (145 triệu đồng) và sửa chữa 8 căn nhà ở (80 triệu đồng) cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Cùng với đó, công tác thăm hỏi, tặng quà động viên hội viên nghèo cũng được các cấp Hội chú trọng quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tỉnh hội cùng các Hội cơ sở đã trao tặng 42.951 phần quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết…

Các cấp Hội Người mủ tỉnh Tiền Giang hiện đang quản lý 13 cụm dự án chăn nuôi, buôn bán nhỏ với 124 hội viên, người mù vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng số tiền 1,537 tỷ đồng. Tất cả hội viên, người mù được vay vốn đều phấn khởi, chăn nuôi, buôn bán có hiệu quả; đến hạn trả vốn và lãi đúng hạn, không có nợ tồn đọng. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phát động phong trào “Góp vốn xoay vòng” trong cán bộ, hội viên; duy trì phong trào nuôi heo đất gây quỹ tại các cơ sở Hội.

Hội Người mù tỉnh Tiền Giang đã và đang hoạt động nền nếp và đạt hiệu quả, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của hội viên, người mù, khơi dậy tính tự lực tự cường, tích cực chủ động khắc phục khó khăn hòa nhập cộng đồng của người mù. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hội viên Hội Người mù tỉnh luôn nỗ lực vươn lên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

SONG AN

.
.
.