.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với 5 tỉnh ĐBSCL về tình hình sạt lở

Cập nhật: 12:09, 17/08/2023 (GMT+7)

(ABO) Sáng 17-8, tại tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cùng Đoàn công tác của các bộ, ngành Trung ương có buổi làm việc với các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang đánh giá mức độ các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo Bộ NN&PTNT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã thành lập Đoàn công tác phối hợp với 5 tỉnh kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ 11 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển.

Cụ thể, tại tỉnh Hậu Giang có 2 khu vực gồm: Sạt lở bờ sông Lái Hiếu (TP. Ngã Bảy); Dự án Kè chống sạt lở kinh Xáng Xà No giai đoạn 3, đợt 2; sạt lở bờ sông Nàng Mau (huyện Phụng Hiệp).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi làm việc.

Tại tỉnh Trà Vinh, Đoàn công tác kiểm tra 3 khu vực gồm: Phòng, chống xói lở bờ biển xã Hiệp Thạnh, TX. Duyên Hải; kè chống sạt lở bờ biển khu vực Trường Long Hòa, TX. Duyên Hải; sạt lở bờ sông Cổ Chiên khu vực cù lao Long Trị, xã Long Đức, TP. Trà Vinh.

Tại tỉnh Bến Tre, Đoàn công tác kiểm tra 2 khu vực gồm: Dự án Phòng, chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri; chống sạt lở bờ sông Giao Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại buổi làm việc.

Tại tỉnh Long An, địa phương đề nghị đầu tư Dự án Kè chống sạt lở TX. Kiến Tường; xử lý khu vực sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây từ cầu mới Tân An đến rạch Chanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề nghị đầu tư Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc, khu vực xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc.

Riêng tại tỉnh Tiền Giang, Đoàn công tác đã đến kiểm tra khu vực Dự án Chống xói lở bờ biển Gò Công (đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ). Đồng thời, đề nghị đầu tư Dự án Xử lý các đoạn sạt lở cấp bách bờ sông Cái Bè (kinh 28).

Lãnh đạo UBND tỉnh Long An phát biểu tại buổi làm việc.
Lãnh đạo UBND tỉnh Long An phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã rất cố gắng sử dụng các nguồn lực để phòng, chống sạt lở.

Tỉnh rất cố gắng thực hiện các công trình xử lý sạt lở từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, nhưng tình hình sạt lở ngày càng nhiều. Trong năm 2023, địa phương đã xử lý 78 điểm sạt lở với kinh phí 192,5 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ biển Gò Công.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khảo sát thực tế tình hình sạt lở bờ biển Gò Công.

Tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để Dự án Chống xói lở bờ biển Gò Công đoạn từ cầu Rạch Bùn đến Đèn Đỏ nhằm chắn sóng, bảo vệ đê biển dài khoảng 7 km….

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, 10 năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn; gây mất đất sản xuất, đường giao thông... ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, dân sinh của người dân sinh sống trên địa bàn các huyện, thị phía Tây của tỉnh.

Theo đó, toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra trên 1.100 điểm sạt lở, với chiều dài khoảng 87,6 km, kinh phí khắc phục trên 775 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh về tình hình sạt lở bờ biển Gò Công.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh về tình hình sạt lở bờ biển Gò Công.

Riêng bờ biển, khoảng 10 năm qua, địa phương xảy ra 23 điểm sạt lở, tổng chiều dài trên 11,2 km. Sạt lở đã mất khoảng 700 ha rừng phòng hộ.

Từ năm 2009 đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang kè bảo vệ mái đê biển Gò Công dài 11,28 km; tổng kinh phí thực hiện 520,26 tỷ đồng.

Từ năm 2016 - 2021, địa phương đầu tư xây dựng 18 dự án kè sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 11,3 km; tổng kinh phí 509,668 tỷ đồng.

Riêng 7 tháng năm 2023, Tiền Giang xảy ra 84 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 28,2 km, kinh phí khắc phục khoảng 949,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương là 637 tỷ đồng, vốn địa phương 312,509 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, để xử lý sạt lở của Đồng bằng sông Cửu Long phải có đề án tổng thể, để từ đó có đầu tư dài hạn.

Kết quả rà soát đánh giá mức độ sạt lở bờ sông, bờ biển của 5 tỉnh sẽ được Đoàn công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Đoàn công tác sẽ tiếp tục bổ sung các điểm sạt lở khác chứ không riêng gì những khu vực đã khảo sát. Đoàn công tác sẽ báo cáo theo hướng các công trình cấp bách cần phải làm ngay; trong đó sẽ báo cáo những công trình nào đã lập và chưa lập dự án.

Các tỉnh phải cam kết, chủ động dùng nguồn ngân sách địa phương để hợp vốn, lập dự án khẩn cấp. Sau khi rà soát, ngoài nguồn vốn Bộ KH&ĐT đã đề xuất, Đoàn công tác sẽ đề nghị Thủ tướng sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau…

M. THÀNH

.
.
.