.

Tiền Giang: Trợ lực cho hộ nghèo

Cập nhật: 22:03, 05/08/2023 (GMT+7)

Để hỗ trợ hộ nghèo, nhiều chính sách ưu đãi, dự án tạo sinh kế đã được triển khai. Đây là trợ lực rất lớn cho những gia đình khó khăn có cơ hội vươn lên.

THỰC HIỆN ĐẦY ĐỦ CHÍNH SÁCH

Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững được tỉnh Tiền Giang xem là nhiệm vụ then chốt và nỗ lực thực hiện. Hộ nghèo được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, có phương án sản xuất, kinh doanh, được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. 100% học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập theo quy định; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay vốn và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo.

Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu học nghề được trợ giúp đào tạo để tìm việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định.

Với chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn miễn phí, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho lao động hộ nghèo học những nghề đang khuyến khích đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh; mở rộng dạy nghề định hướng và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các địa phương còn lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, triển khai các dự án khuyến nông - lâm - ngư nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề ở nông thôn.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang đảm bảo chăm sóc tốt cho đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ  khẩn cấp.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang đảm bảo chăm sóc tốt cho đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ khẩn cấp.

Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo được triển khai, người thuộc hộ nghèo được mua và cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh vùng khó khăn được miễn, giảm học phí. Công tác xã hội hóa hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, mồ côi do Covid-19 được đẩy mạnh thông qua việc vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở tiếp tục thực hiện. Bên cạnh nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động Quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ thêm vốn cho hộ nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, các chương trình an sinh xã hội khác.

Tiền Giang còn thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20 của Chính phủ đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân... thuộc hộ gia đình nghèo và đang được nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở xã hội theo Nghị định 103 của Chính phủ.

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, trợ cấp thường xuyên cho các hộ nghèo về thu nhập không còn sức lao động; hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, giúp đỡ về y tế, nhà ở, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống.

Chính sách cứu trợ đột xuất kịp thời cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do tai nạn, thiên tai, bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ tiền mặt và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ có đối tượng bảo trợ xã hội vào dịp lễ, tết luôn được thực hiện đầy đủ.

TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang triển khai 5 dự án của Trung ương hỗ trợ điều kiện cho hộ nghèo. Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các xã đảo của tỉnh.

Tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất… Xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cộng đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan. Thực hiện mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh; tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất…

Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng với nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đã hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, ngư nghiệp… Qua đó, nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp, gián tiếp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng…

Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thực hiện khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin. Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, bao gồm thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững…

Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình thực hiện tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo có đủ năng lực, nhiệt huyết để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình. Các nội dung tập huấn, bồi dưỡng phải thiết thực, thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo ở các cấp; đảm bảo 100% số xã, phường, thị trấn đều tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá về thực hiện kế hoạch giảm nghèo. Dự án cũng giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý dữ liệu giảm nghèo ở các cấp.

THỦY HÀ

.
.
.