Đề án 939: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ
“Sau 5 năm triển khai, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 939 ngày 30-6-2017 (gọi tắt là Đề án 939) tại Tiền Giang đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà; đồng thời, xây dựng người phụ nữ hiện đại, năng động, tích cực trong gia đình và ngoài xã hội. ngày càng khẳng định vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế…”, đó là ý kiến đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 939 được tổ chức vào sáng ngày 15-9.
ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỖ TRỢ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong 5 năm thực hiện Đề án 939. |
Với vai trò là cơ quan thường trực triển khai thực hiện Đề án 939, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã ban hành các kế hoạch hằng năm, kế hoạch chuyên đề triển khai Đề án 939. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách, sự kiện khởi nghiệp; tuyên dương các điển hình khởi nghiệp tiêu biểu… tạo hiệu ứng tích cực trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN trong tỉnh cũng tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tổ chức các sự kiện, tọa đàm, các hoạt động xúc tiến thương mại, chợ phiên khởi nghiệp; tổ chức cuộc thi và hỗ trợ ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Trong đó, nổi bật là hoạt động Ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” nhằm tìm kiếm các dự án, ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức hằng năm ở tất cả 11 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định 939 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025, ngày 22-6-2018, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 175 thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2018 - 2025. Trong giai đoạn 2017 - 2022, tỉnh có 1.820 cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án 939 được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, đạt 100% kế hoạch; 565.513 hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp đạt 90% kế hoạch; 400 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp được hỗ trợ, đạt 200% kế hoạch. |
Từ năm 2018 đến nay, Ngày hội “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” được Hội LHPN tỉnh tổ chức đã thu hút 863 bài dự thi cấp tỉnh và đã chọn 52 dự án tham gia dự thi cấp trung ương. Kết quả có 14 dự án vượt qua vòng sơ khảo, 9 dự án vào Vòng chung kết cấp vùng và có 1 dự án đoạt giải Khát vọng ở vòng Chung kết toàn quốc.
Góp phần thực hiện Đề án 939, Chi hội Nữ doanh nhân tỉnh tổ chức các hoạt động liên kết và tạo cơ hội để các nữ doanh nhân phát triển, tạo sự tiến bộ trong kinh doanh của bản thân và gia đình. Đặc biệt, mở rộng các quan hệ, nâng tầm ảnh hưởng tư duy và phong cách lãnh đạo cho các nữ doanh nhân Tiền Giang. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các nữ doanh nhân tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập.
Các cấp Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với các ngành liên quan tư vấn, giới thiệu việc làm cho 24.910 lao động nữ có nhu cầu tìm việc làm; phối hợp mở 224 lớp đào tạo nghề cho 5.935 lao động nữ có nhu cầu (gồm các nghề may, đan, nấu ăn; trồng lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, rau an toàn, cây cảnh…; nuôi thủy sản, chăn nuôi heo…).
Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN tổ chức tuyên truyền, tập huấn 41 lớp cho 1.223 hội viên, phụ nữ vay vốn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục tài chính, môi trường... Hội còn duy trì và phát triển các mô hình tạo việc làm tại chỗ như đan dây nhựa, giỏ xách, lục bình; may túi xách... giải quyết việc làm cho lao động nữ.
Phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng khóm, khoai mỡ, lúa; chăn nuôi heo, gà, vịt; chăm sóc sầu riêng, mít, lúa… với tổng số 1.409 cuộc có 28.542 lượt chị em phụ nữ tham gia. Qua tham gia tập huấn, các chị em mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tế để chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các cấp Hội LHPN tỉnh đã kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang hỗ trợ vốn vay cho 2.039 hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, với số tiền gần 30 tỷ đồng. Tính đến tháng 6-2023, các cấp Hội đã hỗ trợ 196 doanh nghiệp nữ mới thành lập, trong đó có 10 doanh nghiệp nữ do Hội vận động thành lập.
Ngoài nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang, Hội LHPN tỉnh còn huy động sự tham gia của Tổ chức Liên minh Nauy tại Việt Nam thực hiện Dự án Phòng ngừa ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã hỗ trợ thực hiện hợp phần khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể: Tổ chức Liên minh Nauy, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Viện Hợp tác phát triển châu Âu tại TP. Hồ Chính Minh đào tạo 23 giảng viên nguồn về khởi sự kinh doanh và quản lý kinh doanh cơ bản. Từ năm 2018 đến nay với đội ngũ giảng viên nguồn này, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN các huyện, thành, thị của tỉnh mở 39 lớp kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản, 16 lớp khởi sự kinh doanh với 826 học viên tham gia. Tổ chức Liên minh Nauy hỗ trợ Hội LHPN tỉnh thực hiện hợp phần khởi nghiệp với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng.
NÂNG CAO VỊ THẾ PHỤ NỮ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Rất nhiều chị em phụ nữ tại các địa phương của tỉnh đã tự vươn lên làm giàu chính đáng bằng các mô hình kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ... Từ đó, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế ngày càng được khẳng định. Điển hình như chị Trần Thị Luôn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) đã xuất sắc giành giải Nhất - Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” năm 2021 với các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo.
Các sản phẩm của chị Luôn cũng đã vào vòng Chung kết Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” cấp vùng. Hiện công ty của chị Luôn có 18 sản phẩm bán trên thị trường, trong đó có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm xuất khẩu sang Ấn Độ. Ngoài ra, hiện tại chị Luôn còn quản lý điều hành cơ sở nhang Thiên Ân với trên 300 lao động, trong đó trên 90% lao động nữ.
Trong 5 năm qua, huyện Gò Công Tây đã có 4 ý tưởng đoạt giải Nhất - Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” gồm: Ý tưởng trồng nấm bào ngư của chị Đồng Thị Thu Hoài, Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Trường Phát; Ý tưởng nuôi nấm đông trùng hạ thảo của chị Trần Thị Luôn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân; Ý tưởng sản xuất bánh quy dừa Xuân Phúc của chị Huỳnh Thị Thy Thy; Ý tưởng trà gạo lức túi lọc và bột dinh dưỡng Sachi của chị Thái Hồng Trúc và nhiều ý tưởng đoạt giải Nhì, Ba, Khuyến khích của các hội thi cấp huyện, cấp tỉnh.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Công Tây Lê Thị Kiều Chinh cho biết: Hội LHPN huyện đã hướng dẫn hội viên, phụ nữ hiện thực hóa 72 ý tưởng kinh doanh về kinh doanh cửa hàng tạp hóa; sản xuất và kinh doanh nước uống đóng chai; mua bán hủ tiếu, bánh canh, mỹ phẩm... Trao phương tiện sinh kế cho 25 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, số tiền 65 triệu đồng.
Qua 5 năm phát triển kinh tế gia đình, các chị em đã có doanh thu ổn định. Các cấp Hội LHPN huyện tiếp tục kết nối với các ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho hơn 220 hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp với số tiền trên 840 triệu đồng. Phối hợp mở lớp đào tạo nghề cho 520 lao động nữ có nhu cầu; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 832 chị em phụ nữ, con em của hội viên có việc làm tại các công ty trong và ngoài huyện.
Với tinh thần dám nghĩ dám làm, các sản phẩm do chính phụ nữ tỉnh nhà làm ra đã có chỗ đứng trong và ngoài nước. Qua đó, các chị đang từng bước khẳng định bản thân trên mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
LÊ PHƯƠNG