Thứ Tư, 11/10/2023, 07:41 (GMT+7)
.

Phụ nữ Tiền Giang tự hào truyền thống, khát vọng vươn lên

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, người phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, mà còn trực tiếp tham gia đánh đuổi giặc ngoại xâm, lập nhiều chiến công hiển hách, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, noi gương đồng chí Nguyễn Thị Thập, phụ nữ Tiền Giang ra sức học tập, rèn luyện theo 4 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ non sông, đất nước; cần cù, chịu thương, chịu khó lao động góp sức xây dựng quê hương Tiền Giang giàu đẹp.

TÔ THẮM TRUYỀN THỐNG “ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG”

Phụ nữ Tiền Giang luôn tự hào về truyền thống và noi gương đồng chí Nguyễn Thị Thập, khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Phụ nữ Tiền Giang luôn tự hào về truyền thống và noi gương đồng chí Nguyễn Thị Thập, khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

Ðối mặt với cảnh nước mất nhà tan có không ít “má hồng” đã vượt lên định kiến khắc nghiệt của chế độ phong kiến, cưỡi ngựa, cầm gươm xông pha trận mạc đánh đuổi giặc ngoại xâm, trở thành các nữ anh hùng của dân tộc được lưu danh sử sách.

Ðầu Công nguyên có Hai Bà Trưng, sau có Triệu Thị Trinh: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ngoài biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang san, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng tỳ thiếp cho người”; 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc có nhiều nữ anh hùng như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Ðịnh, Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Nguyễn Thị Chiên...

Quê hương Tiền Giang cũng tự hào về những người phụ nữ vĩ đại trong lịch sử, bao thế hệ phụ nữ Tiền Giang trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu: Hàng trăm các bà, các chị đã nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng. Hàng ngàn các mẹ, các chị gia nhập Hội Phụ nữ cứu quốc, phục vụ hậu cần tại chỗ giúp quân ta ăn no, đánh thắng, vùng du kích được mở rộng đều có công lao của phụ nữ. Ở đâu, trên mặt trận nào cũng thấy bóng dáng những người phụ nữ gan dạ, dũng cảm, quật cường, chịu đựng gian khổ và tràn đầy lạc quan cách mạng.

Chính những phẩm chất đó đã làm nên những cái tên lẫy lừng, từng là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược và là niềm tự hào của phụ nữ Tiền Giang: “Trung đội Nữ pháo binh Châu Thành”, “Đội quân tóc dài”; đồng chí Nguyễn Thị Thập; đồng chí Trương Mỹ Hoa; các Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân: Đoàn Thị Nghiệp, Lê Thị Hồng Gấm, Võ Thị Lớ, Đặng Thị Mành, Nguyễn Thị Hiếu Tâm, Trần Thị Điểu, Phạm Thị Tuyết Nhung, Dương Thị Lệ… và khoảng hơn 5.800 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước.

Tiền Giang còn là vùng đất sinh ra Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ Phạm Thị Hằng, quê ở Sơn Quy (nay thuộc TX. Gò Công); bà Đoàn Thị Giàu (Kim Oanh) - Phu nhân của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, quê ở xã Vĩnh Kim (nay thuộc huyện Châu Thành)...

Trong thời gian qua, phụ nữ Tiền Giang đã tô thắm truyền thống bằng những kết quả hết sức cụ thể. Trong lĩnh vực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hàng ngàn phụ nữ đã nỗ lực vươn lên không cam chịu đói nghèo, mạnh dạn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa tăng thu nhập cho gia đình, làm giàu trên chính quê hương mình.

Lực lượng doanh nhân nữ và phụ nữ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nữ chủ hộ kinh doanh, có mặt trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, chế biến thủy hải sản...

Trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, hàng ngàn nữ cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; chị em đã gương mẫu, sáng tạo, tận tụy, yêu nghề, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”. Trong lĩnh vực gia đình, các tầng lớp phụ nữ nói riêng và các thành viên trong cộng đồng nói chung đã nhận thức rõ hơn về vai trò trách nhiệm của bản thân trong nuôi, dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình.

Phụ nữ Tiền Giang tiếp tục làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, người con, có trách nhiệm cao trong việc giữ gìn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Phụ nữ đã thể hiện tình thương, trách nhiệm, lòng nhân hậu, đức hy sinh, sự hiểu biết, ứng xử tế nhị khéo léo các mối quan hệ gia đình, dòng họ, trọn đạo hiếu thảo dâu con, là điểm tựa vững chắc cho chồng con thành công trong sự nghiệp, nuôi dạy con trưởng thành, xứng đáng là những người phụ nữ trung hậu, đảm đang.

QUYẾT TÂM CỐNG HIẾN, VƯƠN LÊN MẠNH MẼ

Phát huy truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, bước vào công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Tiền Giang đã tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, động viên chị em phụ nữ vượt qua khó khăn, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, của Hội khởi xướng. Dù ở bất cứ lĩnh vực nào, chị em đều phát huy tiềm năng, trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp ngày càng nhiều vào công cuộc đổi mới đất nước.

Tự hào về đồng chí Nguyễn Thị Thập, người con ưu tú của quê hương Tiền Giang, phụ nữ Tiền Giang phát huy truyền thống trong thời kỳ đổi mới, xuất phát từ thực tế địa phương, qua từng thời kỳ, các cấp Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đều xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo theo hướng “lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu; lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo chất lượng, hiệu quả”. Qua đó, thực hiện tốt phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”. Trong thực hiện phong trào thi đua luôn gắn liền với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”…; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, chủ đề thi đua gắn với nhiệm vụ trọng tâm hằng năm.

Các hoạt động của Hội LHPN tỉnh tập trung hướng về cơ sở, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, quan tâm giải quyết những vấn đề thiết thực liên quan đến phụ nữ, đa dạng hóa các hình thức thi đua phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của phụ nữ. Đặc biệt, Hội đã chủ động, trong công tác tham mưu, bám sát vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai thực hiện hoạt động Hội và phong trào phụ nữ đạt nhiều kết quả nổi bật.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng tự hào rằng, các cấp Hội và các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu cống hiến tài năng và trí tuệ góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa con người Việt Nam, tích cực tham gia Hội, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng văn minh và giàu đẹp bằng những hành động thiết thực.

Cụ thể, tuyên truyền, giáo dục, giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Chủ động tự học tập, nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực hướng tới xây dựng bản thân có tri thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo lĩnh vực công tác để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tích cực chăm sóc sức khỏe thể chất, nâng cao đời sống tinh thần, có lối sống lành mạnh; tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hướng tới xây dựng bản thân có sức khỏe tốt.

Chủ động, tích cực hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế theo hướng phát huy thế mạnh của các nhóm phụ nữ và tổ chức Hội. Đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tham mưu đề xuất các cấp và phương thức hoạt động từ tỉnh đến cơ sở, tập trung không dàn trải, sâu sát cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.

Với tình cảm kính trọng và tưởng nhớ đến đồng chí Nguyễn Thị Thập, cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ Tiền Giang nguyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Qua đó, nhằm nối tiếp xứng đáng truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” để trở thành người phụ nữ Việt Nam “yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu…”, góp phần xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.