Xã Tân Phú: Kỳ vọng giảm nghèo với mô hình nuôi dê
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vào tháng 6-2022, Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo bền vững với mô hình “Nuôi dê sinh sản và dê thịt quy mô hộ gia đình” ở xã Tân Phú, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Mô hình này đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Hộ ông Phan Văn Nhất được hỗ trợ vốn để nuôi dê. |
Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển kinh tế tăng thu nhập cho người dân là điều kiện cần và tiên quyết trong quá trình giảm nghèo bền vững. Mỗi hộ gia đình có điều kiện, hoàn cảnh cũng như năng lực khác nhau nên việc hỗ trợ cần phải phù hợp. Thông qua các mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng gia đình được để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.
Để tổ chức thực hiện tốt mô hình này, xã Tân Phú lựa chọn những hộ cần giúp đỡ là những hộ nghèo, hộ cận nghèo chí thú làm ăn, tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất. Xã đã thực hiện mô hình một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận từ phía người dân.
Theo đó, mô hình thực hiện tại 10 hộ ở 4 ấp trên địa bàn xã, mỗi hộ dân tham gia được hỗ trợ 10 triệu đồng, tiền mua con giống gồm: 2 con dê sinh sản giống và 1 con dê đực giống 4 - 5 tháng tuổi. Phần đối ứng của hộ dân tham gia đóng góp chuồng trại, thuốc thú y và thức ăn. Sau 3 năm, UBND xã sẽ thu hồi 30% vốn.
Hộ ông Trần Văn Trắng thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê. |
Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc để mô hình đạt hiệu quả cao. Phòng Kinh tế thị xã, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã thường xuyên quan tâm theo dõi và hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi và đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ dân tham gia mô hình.
Các hộ dân tham gia cho rằng, mô hình này rất phù hợp vì có thể sử dụng nguồn lao động các độ tuổi, tận dụng thời gian nhàn rỗi, công việc chăm sóc dê đơn giản, tận dụng phụ phẩm sản xuất nông nghiệp và không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp.
Hơn nửa đời người phải làm thuê, gia đình ông Phan Văn Nhất (ấp Tân Hiệp, xã Tân Phú) là một trong 10 hộ dân tham gia mô hình lần này. Ông Nhất chia sẻ, bản thân rất phấn khởi khi được địa phương cho tham gia mô hình nuôi dê. Địa phương đã hỗ trợ tiền mua dê, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên bản thân ông Nhất cảm thấy yên tâm khi chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho bầy dê và tranh thủ kiếm nguồn thức ăn ngoài tự nhiên để giảm bớt chi phí.
Ngoài ra, ông Nhất còn tự chế máy xay được mít, chuối cây… để làm thức ăn cho dê. Đến nay, bầy dê của ông Nhất đã bắt đầu sinh sản. Ông tiếp tục nhân giống, tăng đàn dê, vừa nuôi dê bán thịt và dê giống để có nguồn thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Hiện đàn dê trong chuồng của ông Nhất đã phát triển được 11 con.
Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Văn Phương cho biết, căn cứ vào nguồn vốn, xã có 10 hộ được thực hiện mô hình “Nuôi dê sinh sản và dê thịt quy mô hộ gia đình”. Việc hỗ trợ sinh kế để tạo điều kiện cho người dân cải thiện đời sống luôn được địa phương quan tâm tiếp sức hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy mới triển khai, nhưng bước đầu các hộ nghèo tham gia mô hình có khả quan, tăng thu nhập gia đình. Địa phương kỳ vọng mô hình này khi được nhân rộng sẽ góp phần hiệu quả vào nhiệm vụ giảm nghèo trong thời gian tới.
PHƯƠNG TUYỀN