Thứ Hai, 20/11/2023, 10:57 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Cần chăm sóc tốt sức khỏe người cao tuổi khi già hóa dân số

Nước ta là một trong những quốc gia già hóa dân số với tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Tại Tiền Giang, dân số bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2011, khi người cao tuổi (NCT) từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 10% trong tổng số dân, tỷ lệ này tiếp tục tăng trong những năm gần đây.

NCT RẤT CẦN CHĂM SÓC SỨC KHỎE

Nhìn chung, NCT Việt Nam vẫn chưa thực sự khỏe mạnh như mong muốn. Báo cáo năm 2006 cho thấy, số NCT tự đánh giá về sức khỏe bản thân là khá tốt, chỉ có 5,7% và 22,9% đánh giá sức khỏe kém. Điều tra về NCT năm 2011 cũng chỉ ra rằng hơn 55% số NCT đánh giá sức khỏe bản thân là yếu và rất yếu.

Khi con người già đi, các chức năng của cơ thể sẽ suy giảm, chủ yếu là các chức năng cơ bản như nghe, nhìn, vận động và ghi nhớ. Theo Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có 40% nam và 46% nữ NCT gặp phải những khó khăn với một trong 4 chức năng này; trong đó 31% nữ và 24% nam gặp khó khăn từ 2 chức năng trở lên.

Tập thể dục dưỡng sinh giúp NCT duy trì sức khỏe.
Tập thể dục dưỡng sinh giúp NCT duy trì sức khỏe.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, đa số NCT ở nước ta thường mắc bệnh không lây nhiễm và mắc đồng thời các bệnh phối hợp. Nhiều cuộc điều tra cho thấy, trung bình mỗi NCT mang trong cơ thể 2,69 bệnh, phổ biến là bệnh về giác quan, tim mạch, xương khớp, nội  tiết - chuyển hóa, tiêu hóa, tâm thần kinh, hô hấp, thận tiết niệu. Một nghiên cứu khác vào năm 2015 cũng cho biết, một người từ 80 tuổi trở lên trung bình mắc 6,9 bệnh.

Số liệu từ Tổng cục Dân số Việt Nam, trong 50 năm qua, cơ cấu dân số nước ta đã có những chuyển biến rõ rệt nhờ tuổi thọ trung bình được cải thiện (năm 1960 là 44,4 tuổi, đến năm 2014, con số này là 73,2 tuổi); đồng thời, tỷ lệ sinh đã giảm đáng kể từ 7 con/1 phụ nữ xuống còn 2,09 con.

Trong giai đoạn 1979 - 2015, dân số tăng từ 53,7 triệu người lên 91,5 triệu người; đồng thời, số NCT cũng đã tăng từ dưới 4 triệu người (6,9% dân số) lên 10,35 triệu người (11,3% dân số). Kể từ cuối năm 2011, số người từ 60 tuổi ở nước ta đã chiếm 10,2% dân số và Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già. Dự báo rằng, năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%.

Về yếu tố tinh thần, sự thay đổi về mặt xã hội, yếu tố tâm lý, sự suy giảm sức khỏe, bệnh tật và những lo lắng trong cuộc sống, sự cô đơn và mất đi người bạn đời, dễ làm NCT bị suy sụp. Kết quả nghiên cứu tại một số địa phương cho thấy, có 67% NCT gặp phải tình trạng khó ngủ, 51% NCT lo lắng về cuộc sống, 40% thường xuyên buồn rầu; 42% chán nản và 34% thường xuyên mệt mỏi.

Tình trạng sa sút trí tuệ ở NCT là một vấn đề khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của NCT. Một nghiên cứu cho thấy có 4,9% NCT sa sút trí tuệ; đồng thời, tỷ lệ người trên 75 tuổi mắc tình trạng này là 9,8%, cao hơn hẳn so với nhóm người từ 60 đến 74 tuổi, tỷ lệ chỉ 3,9%. Những chỉ số sức khỏe, những thông tin về tỷ lệ bệnh tật và tình trạng sức khỏe chung nói trên cho thấy NCT của nước ta rất cần phải chăm sóc sức khỏe.

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CHĂM LO SỨC KHỎE NCT

Về chăm sóc sức khỏe ban đầu, NCT được tuyến y tế cơ sở thực hiện truyền thông, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn về các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; được lập hồ sơ quản lý và theo dõi sức khỏe, khám, chữa bệnh phù hợp với phân tuyến kỹ thuật; đồng thời, phối hợp với cơ sở y tế tuyến trên để khám sức khỏe định kỳ cho NCT.

Việc khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế áp dụng ưu tiên cho NCT từ 80 tuổi trở lên; NCT được bố trí giường nội trú phù hợp; dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT tại các bệnh viện. Sau các đợt điều trị cấp tính, NCT được phục hồi sức khỏe và hướng dẫn tiếp tục theo dõi điều trị, chăm sóc sức khỏe tại gia đình.

Các chính sách chăm sóc sức khỏe NCT cũng được Nhà nước triển khai như Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020, Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025. Các chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm phổ biến giai đoạn 2012 - 2015; Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 - 2025; Chiến lược quốc gia phòng, chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030…

Tại Tiền Giang, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2018 - 2025. Với đề án này, việc quản lý, chăm sóc sức khỏe NCT thời gian qua được thực hiện tốt hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT.

Khám sức khỏe định kỳ cho NCT được các địa phương triển khai thực hiện tốt trong những năm qua.
Khám sức khỏe định kỳ cho NCT được các địa phương triển khai thực hiện tốt trong những năm qua.

Với kinh phí giai đoạn 2018 - 2020 gần 28 tỷ đồng và kinh phí cho giai đoạn 2020 - 2025 hàng chục tỷ đồng mỗi năm, Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để chăm sóc sức khỏe NCT trong tỉnh.

Trong đó, tập trung truyền thông giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe NCT; truyền thông vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc, tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng... về thách thức của quá trình già hóa dân số đối với việc chăm sóc sức khỏe và phát huy NCT, nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho các nội dung thích ứng với xã hội già hóa dân số, xây dựng môi trường y tế thân thiện với NCT.

Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT, xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT trong các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão); cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị, không xem NCT là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình có NCT; trách nhiệm thực hiện tốt và tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với NCT; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động tự lo cho tuổi già khi còn trẻ, bao gồm việc mua bảo hiểm y tế cho NCT. Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT.

Trong 10 tháng năm 2023, gần 60.000 người đã được truyền thông về chăm sóc sức khỏe NCT và gần 70.000 người được chia sẻ thông tin liên quan đến các bệnh tật ở NCT và cách chăm sóc, điều trị. Duy trì  mô hình “Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng” thông qua hoạt động của 872 người tại 172 Tổ tình nguyện viên.

Thông tin của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, toàn tỉnh có gần 4.300 NCT neo đơn, khó khăn cần hỗ trợ. Các tình nguyện viên đã đến nhà thăm hỏi, trò chuyện động viên, kiểm tra thuốc và cho uống thuốc, xoa bóp và tập vật lý trị liệu, tập luyện phục hồi chức năng, giúp vệ sinh nhà cửa và nấu ăn, đưa NCT neo đơn đi khám bệnh, gần 600 trường hợp được hỗ trợ tiền, quà để chia sẻ khó khăn.

Trong những tháng đầu năm 2023, theo kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT năm 2023 của Sở Y tế, các cơ sở y tế đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho gần 20.300 NCT toàn tỉnh có sử dụng các kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm, điện tim, xét nghiệm đường huyết...

Theo định hướng công tác dân số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh phấn đấu NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT đạt 70% năm 2025 và đạt 85% năm 2030.

NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025 và đạt 100% năm 2030. NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...) đạt 70% năm 2025; đạt 90% năm 2030.

THỦY HÀ

.
.
.