Tiền Giang: Tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
(ABO) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Tiền Giang vừa có Công văn 2532 ngày 2-11-2023 gửi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh, các đoàn thể và UBND các huyện, thành, thị đề nghị tăng cường công tác phối hợp trong quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Sở LĐTB&XH, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những năm qua đã có nhiều tín hiệu tích cực, số lượng và chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh có trên 1.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài, với các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Từ hoạt động này đã giúp cho người lao động có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước, tăng tích lũy, đời sống của người lao động và gia đình được cải thiện. Người lao động tham gia học tập, lao động tại nước ngoài còn là môi trường thực tiễn để rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ, sẵn sàng tham gia thị trường lao động trong nước sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài.
Nhằm tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, UBND tỉnh Tiền Giang đã có Quyết định 3893/QĐ-UBND ngày 12-11-2019 ban hành Quy chế phối hợp quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tư vấn du học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, doanh nghiệp khi triển khai tư vấn, tuyên truyền, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh phải được Sở LĐTB&XH thẩm định và có văn bản chấp thuận.
Đến thời điểm này, Sở LĐTB&XH đã thẩm định, có văn bản chấp thuận cho 32 doanh nghiệp thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh để xúc tiến việc đưa đi làm việc ở nước ngoài. Trên cơ sở đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang, các đoàn thể tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tuyên truyền, ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, chương trình khởi nghiệp, hướng nghiệp cho người lao động, thanh niên, hội viên, học sinh, sinh viên; phối hợp đào tạo nghề, kỹ năng, ngoại ngữ cho người lao động… Từ đó, đã có nhiều người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp được liên kết; riêng trong năm 2023, dự kiến có trên 400 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Sở LĐTB&XH, từ đầu năm 2023 đến nay, thông tin từ các địa phương cho biết, ngoài 32 doanh nghiệp đã được Sở LĐTB&XH chấp thuận, xuất hiện nhiều doanh nghiệp trực tiếp liên hệ với địa phương, đơn vị đề nghị được triển khai tư vấn, tổ chức đưa đi làm việc ở nước ngoài mà chưa được cơ quan chức năng thẩm định về điều kiện. Đồng thời, qua nắm tình hình, có một số doanh nghiệp không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn triển khai các hoạt động trên lĩnh vực này; Sở LĐTB&XH đã có kiểm tra và xử lý theo quy định.
Từ thực trạng trên, để đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động, không để xảy ra tình trạng cò mồi, môi giới, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Sở LĐTB&XH đề nghị các đoàn thể tỉnh, các cơ sở giáo dục, trường nghề và UBND các địa phương chỉ hợp tác tổ chức tư vấn, tuyên truyền với các doanh nghiệp đã được Sở LĐTB&XH thẩm định, chấp thuận bằng văn bản; trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa được ngành LĐTB&XH chấp thuận thì hướng dẫn liên hệ cơ quan chức năng để đăng ký.
UBND các địa phương tỉnh cần chỉ đạo Phòng LĐTB&XH và UBND cấp xã nắm bắt tình hình các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động tư vấn, tuyên truyền, tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các trường hợp có thành lập văn phòng tư vấn, tiếp nhận lao động, cần thông tin cho Sở LĐTB&XH để theo dõi, xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
QUỐC VIỆT