Tiền Giang: Tìm giải pháp cho tình trạng quá tải tại các bãi rác
Một số bãi rác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang trong tình trạng quá tải. Trước tình trạng này, bên cạnh những giải pháp xử lý trước mắt, Tiền Giang đang tập trung kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải.
MỘT SỐ BÃI RÁC “PHÌNH TO”
Ghi nhận tại bãi rác Tân Lập 1 (xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước), bãi rác này đang quá tải. Lượng rác tồn đọng nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hằng ngày, bãi rác tiếp nhận khoảng vài trăm tấn rác từ 7/11 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, việc xử lý rác thải tại đây hầu như chỉ dừng lại ở bước phun thuốc khử mùi, chôn lấp. Lượng rác tiếp nhận quá lớn nên lâu ngày rác được ủi vun cao thành những “núi rác to” gây quá tải.
Ông T.V.P., ở ấp 4, xã Tân Lập 1 cho biết: “Mùi hôi nồng nặc từ bãi rác phát ra. Đêm khuya khi trời lặng gió, mùi hôi rác thải không chịu nổi, đến ngủ còn không yên. Người dân ở xung quanh bãi rác Tân Lập 1 đã nhiều lần kiến nghị để xử lý mùi hôi từ bãi rác. Những ngày qua, dù ruồi đã bớt phát sinh, nhưng mùi hôi vẫn còn”.
Bãi rác Tân Lập 1 (huyện Tân Phước) là bãi rác lớn nhất tỉnh Tiền Giang. |
Còn bãi rác Long Chánh (TX. Gò Công) cũng đang ngày càng “phình to”, có dấu hiệu quá tải. Theo Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh, thời gian qua, địa phương đã kêu gọi nhà máy xử lý rác thải tại bãi rác Long Chánh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện dự án có vướng mắc liên quan đến quy định về khoảng cách an toàn môi trường theo QCVN 01:2021/BXD của Bộ Xây dựng (quy định là ≥ 500 m đến các công trình dân dụng). Do đó, nhà đầu tư không triển khai thực hiện được. Hiện địa phương đã hủy kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. UBND TX. Gò Công đang mời nhà đầu tư để xử lý rác hiện hữu và phát sinh mới tại bãi rác Long Chánh.
“Trung bình mỗi ngày, TX. Gò Công phát sinh khoảng gần 100 tấn rác thải. Với tình hình này, trong khoảng 1 đến 2 tháng nữa, bãi rác Long Chánh sẽ quá tải. Hiện địa phương đang tìm phương án để xử lý”, đồng chí Giản Bá Huỳnh thông tin thêm.
Còn tại bãi rác Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) nằm sát biển, cũng đang ngày càng “phình to”. Theo Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Lê Văn Sơn, địa phương đã báo cáo nhiều lần với UBND tỉnh về tình trạng quá tải của bãi rác Kiểng Phước nằm sát đê biển. Địa phương đề xuất UBND tỉnh cho huyện sử dụng phương án xử lý rác tại chỗ, để có chỗ đổ rác. Khi có điểm xử lý rác mới thì sẽ đóng cửa bãi rác Kiểng Phước và sẽ di chuyển rác đến bãi rác mới theo quy hoạch của tỉnh. Hiện địa phương đang xây dựng phương án xử lý rác thải tại bãi rác Kiểng Phước, lấy ý kiến của các sở, ngành.
“Dù hiện trạng bãi rác Kiểng Phước đã đầy, nhưng vẫn còn chỗ để đổ. Mục tiêu của UBND huyện Gò Công Đông là đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý rác mới và rác cũ. Sau đó, huyện sẽ xử lý dứt điểm, trả lại bãi rác này thành đất bình thường”, đồng chí Lê Văn Sơn cho biết.
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 bãi rác tập trung, đang triển khai tiếp nhận rác thải sinh hoạt gồm: Tân Lập 1 (huyện Tân Phước); Long Chánh (TX. Gò Công); thị trấn Vĩnh Bình, Long Bình, Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây); Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông). Tỉnh cũng có 2 bãi rác đã ngưng tiếp nhận là Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) và huyện Tân Phú Đông. Theo thống kê, khối lượng rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh dao động từ 600 - 1.000 tấn/ngày. Lượng rác thải cao nhất là tại địa bàn TP. Mỹ Tho với khoảng 255 - 300 tấn/ngày; thấp nhất là huyện Tân Phú Đông với khoảng 20 tấn/ngày.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Trí Đông, trong những năm qua, thực trạng xử lý rác thải của tỉnh chỉ mới nằm ở giai đoạn thu gom và chôn lấp. Các quy trình đang triển khai thực hiện chỉ ở mức tương đối đảm bảo.
ĐẨY NHANH KÊU GỌI ĐẦU TƯ NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC
Theo đồng chí Nguyễn Trí Đông, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh có giải pháp xử lý rác thải tại địa bàn đang quản lý. Cụ thể, đối với bãi rác Kiểng Phước, Sở TN&MT đã đến khảo sát, kiểm tra. Về phía huyện Gò Công Đông cũng đã phối hợp với ngành Nông nghiệp đề xuất giải pháp xử lý là tôn tạo nâng cao đê bao không để rác bay ra bên ngoài. Mới đây, huyện Gò Công Đông đã lập phương án xử lý rác thải tại bãi rác Kiểng Phước. Trên cơ sở phương án của huyện Gò Công Đông, Sở TN&MT đã lấy ý kiến các sở, ngành liên quan. Trên cơ sở các ý kiến của sở, ngành có liên quan, Sở TN&MT sẽ yêu cầu UBND huyện Gò Công Đông điều chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa phương án trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Một trong số các bãi rác thải trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang quá tải. |
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trí Đông, thời gian qua, Sở TN&MT đã thực hiện một loạt các giải pháp nhằm tham mưu UBND tỉnh trong việc kêu gọi nhà đầu tư xử lý rác. Trên cơ sở thống nhất của các cơ quan, sở, ngành liên quan, Sở TN&MT đã có Tờ trình 3807 ngày 31-8-2023 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý rác tại bãi rác Tân Lập 1. Trong đó, xác định một số thông tin chính như: Diện tích sử dụng đất là 5 ha; công suất thiết kế khoảng 750 tấn rác/ngày, đêm (tiếp nhận rác mới là khoảng 500 - 600 tấn/ ngày, rác cũ hiện hữu tại bãi rác là 150 - 250 tấn ngày). Thời gian đầu tư dự án dự kiến từ năm 2023 đến năm 2026.
“Chúng tôi nghĩ rằng, khi nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt được xây dựng và đưa vào vận hành sẽ giải quyết căn bản việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Sở TN&MT đang rất quyết liệt trong công tác này”, đồng chí Nguyễn Trí Đông cho biết thêm.
Y. P