TS. Cù Văn Trung: Quyền được phát triển con người ở nước ta ngày càng được khẳng định sâu sắc
TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn và đào tạo giáo dục cho rằng, quyền phát triển của con người ở nước ta hiện nay ngày càng được khẳng định sâu sắc và đã có bước tiến dài.
TS. Cù Văn Trung nhận định, quyền được phát triển của con người ở nước ta đã đạt được những bước tiến dài. (Ảnh: NVCC) |
Bước tiến dài trong quyền được phát triển con người
Ông đánh giá thế nào về quyền được phát triển của con người ở nước ta hiện nay?
Có thể khẳng định rằng, quyền được phát triển của con người ở nước ta đã tiến một bước rất dài trong nhiều thập niên qua. Đó không chỉ là việc ghi nhận các quyền cơ bản của công dân, thực hiện các chính sách về phát triển dân tộc, tôn giáo hay cụ thể hóa các quyền chính trị về ứng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Sâu xa hơn chính là nhận thức, quyết tâm và nỗ lực của Đảng ta trong việc hiện thực hóa các giá trị phổ quát của nhân loại.
Ngày càng có nhiều nhà chính trị trong nước phát biểu một cách tự tin về những thành tựu trong lĩnh vực này trên diễn đàn trong nước và quốc tế. Chỉ nguyên việc không ngần ngại đề cập các khái niệm về quyền chính trị, quyền công dân, quyền phát triển của con người trong nhiều năm qua bởi các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng đủ để cho thấy một hình ảnh Việt Nam rất khác từ nhận thức lý luận đến thực tiễn hành động.
Đồng thời, nhân dân ta ngày càng tích cực tham gia hơn vào các hoạt của Nhà nước, người dân được thừa hưởng thành quả của công cuộc đổi mới và đặc biệt là các cơ hội phát triển của mỗi cá nhân đều rộng mở. Đảng và Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền tự do, tôn giáo và tín ngưỡng của dân. Những kết quả đó cho thấy, nền kinh tế của Việt Nam đang trên đà phát triển với thực hiện tiến bộ và bảo đảm công bằng xã hội, một đặc trưng thể hiện tính ưu việt về bản chất chế độ chính trị của nước ta.
Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Những kết quả đó đã đạt được thế nào dưới góc nhìn của ông?
Phương châm trên là hoàn toàn nhất quán, xuyên suốt toàn bộ quá trình lãnh đạo trong thời kỳ mới, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được Đảng ta kiên trì thực hiện. Nhân dân là nguồn cảm hứng cho Đảng, cũng là động lực của Đảng và Nhà nước ta. Đích đến cuối cùng quan trọng nhằm đảm bảo vai trò, sứ mệnh tiên phong của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn xem người dân là động lực, chủ thể và mục tiêu của sự nghiệp xây dựng đất nước.
Có thể nói, thành quả mà người dân Việt Nam được thụ hưởng trong gần 40 năm đổi mới về trên tất cả các bình diện kinh tế - xã hội - văn hóa là vô cùng lớn lao. Đời sống của nhân dân không ngừng được chăm lo, lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe ngày càng tiến bộ, chất lượng sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Về giáo dục, văn hóa được cải thiện, trình độ học vấn và năng lực lao động của người dân Việt Nam đã khác trước.
Đời sống văn hóa, tín ngưỡng có nhiều đổi khác, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực vùng miền, chính sách dân tộc, tôn giáo ở nước ta được người dân tin tưởng, thực hiện, nền quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tất cả những kết quả trên phản ánh tính đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc coi nhân dân dân là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển.
Theo ông cần tạo điều kiện thế nào để mọi người và cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và phát huy được mọi tiềm năng, tham gia, đóng góp và thụ hưởng bình đẳng thành quả của sự phát triển đất nước?
Tốc độ tiếp cận thông tin, nguồn lực cũng như thực hiện quyền phát triển con người là khác nhau đối với mỗi đối tượng. Vì vậy, không có tính đồng đều và "cào bằng" trong vấn đề này. Ví dụ, với những cá nhân tiên tiến, có trình độ nên có năng lực thực hiện một cách khéo léo, hiệu quả các quyền chính trị, quyền phát triển con người của mình. Họ biết cách phản biện, tự do ngôn luận và tiếp cận với truyền thông báo chí để nói lên tiếng nói của mình. Nhưng cũng có người khó khăn hơn bởi năng lực và trình độ hiểu biết của họ còn hạn chế.
Nói như vậy để thấy, chúng ta đang ở giữa hai cố gắng, một bên là độ duỗi ngày càng rộng, không gian chính trị ngày càng mở để người dân thoái mái thực hiện các quyền phát triển của mình, còn một bên là năng lực sử dụng các thành quả, trái ngọt về các giá trị phổ quát của nhân loại. Tức là, chúng ta đang tập, đang rèn luyện để tiến tới trạng thái chuyên nghiệp thực sự. Thế mới có mệnh đề “mở rộng dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương” là vì vậy.
Những việc làm thiết thực của Việt Nam trong thực hiện nhân quyền cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường vị thế, uy tín đất nước. (Nguồn: vtv.vn) |
Mục tiêu phát triển bền vững
Ông có khuyến nghị gì trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam để không ai bỏ lại phía sau, ai cũng được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển toàn diện?
Mục tiêu phát triển bền vững là ước mơ, là khát vọng của tất cả các Chính phủ và mọi người dân của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, sự phát triển theo chiều rộng dần được thay thế bằng phát triển theo chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao vào tiến trình đó. Mục tiêu là làm sao để các thế hệ trẻ tiếp nối ngày càng no đủ, phát triển toàn diện, ai cũng có cơ hội tiếp cận đầy đủ các nguồn lực.
Tôi cho rằng, để làm được điều này thì mọi chính sách của Nhà nước phải tuân thủ tối đa về lợi ích của người dân, hạn chế thấp nhất những phương hại cho bất kỳ nhóm yếu thế, nhóm nhỏ nào trong cộng đồng xã hội. Tức là, phải giải bài toàn về lợi ích giữa các nhóm xã hội trong chiến lược phát triển. Một nhà nước của dân, do dân và vì dân phải vì mục tiêu cao nhất của số đông trong bất kỳ các hoạch định chính sách nào trước khi ban hành.
Tôi khuyến nghị thực hiện hài hòa các chính sách là giải pháp quan trọng để người dân thấy được chỗ đứng của mình trong tiến trình phát triển đất nước. Mọi sự thụt lùi, ở lại phía sau hoặc có hố sâu ngăn cách đều tạo ra những bất lợi và là lực cản không đáng có trong mục tiêu phát triển vì con người.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Con người có quyền được phát triển, được tự do ứng cử, được thể hiện quan điểm trong xã hội... Đó là thành quả nỗ lực vì quyền con người của Việt Nam?
Đây chính là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta. Chỉ có vì nhân dân, vì con người cũng như trăn trở, đau đáu trước những khó khăn của người dân đã giúp các nhà chính trị nước ta nhìn đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật và Đảng đã tiến hành công cuộc đổi mới thành công.
Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay cũng là mục tiêu của sự phát triển con người mà Đảng ta theo đuổi. Ở nước ta, mối quan hệ giữa Dân với Đảng được ví như mối quan hệ giữa “cá với nước”. “Đất nước này là đất nước nhân dân, đất nước của ca dao, thần thoại”; (Nguyễn Khoa Điềm) “Nhà dân chật, dân lên đây phơi thóc, thóc của dân phủ kín mộ anh hùng” (Nguyễn Đình Thi)...
Nói như vậy để thấy, Đảng ta rất nỗ lực trong việc lãnh đạo để phát triển kinh tế nhưng cũng như không ngừng tìm kiếm các giải pháp để thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội. Nhìn ra thực tế một số nước bên ngoài, những góc khuất ngay ở những nước phát triển về sự chênh lệch giàu nghèo, quyền con người bị hạ thấp bởi sự thực dụng và đề cao vật chất mới thấy được tính nhân văn cùng với những ưu việt của chế độ nước ta.
Như tôi đã đề cập, chúng ta đã và đang có nhiều quyền phát triển con người, quyền công dân, quyền chính trị như việc quyền ứng cử, tự do tín ngưỡng tôn giáo, ngôn luận, báo chí... Tất cả những cái đó góp phần làm phong phú không gian phát triển của mỗi con người trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, để lĩnh hội và thực hiện một cách đúng đắn đòi hỏi năng lực cũng như sự hiểu biết đi kèm (hiểu biết về luật pháp, về văn hóa dân tộc, lịch sử chính trị đất nước, văn học nước nhà). Muốn thực hiện quyền phát triển con người một cách đầy đủ, trọn vẹn mỗi cá nhân cần thể hiện một cách thân thiện, tạo được sự tin tưởng và luôn mang tính xây dựng.
Nhìn từ chỉ số hạnh phúc
Báo cáo đánh dấu tròn một thập kỷ Liên hợp quốc thực hiện sáng kiến thúc đẩy hạnh phúc quốc gia. Trong báo cáo lần này, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng từ 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 năm 2023. Ông có lạc quan về những chỉ số này?
Chỉ số này có mối liên hệ gì với quyền được phát triển của con người tại Việt Nam. Chỉ số này tuy là một sáng kiến của Liên hợp quốc nhằm để các Chính phủ và người dân chú ý hơn tới vấn đề nâng cao đời sống tinh thần, hạnh phúc trong quá trình phát triển của quốc gia mình. Kết quả nêu trên mặc dù mang tính chất tham khảo nhưng xét về mặt lâu dài của xu hướng phát triển bền vững thì đấy lại sự tiến bộ mà loài người hướng tới. Việt Nam hạ từ thang 77 xuống 65 với 12 bậc là rất đáng mừng.
Sau một chu trình phát triển nhanh, nóng ở một số quốc gia trên thế giới, nhân loại ngày càng có kinh nghiệm và hiểu ra rằng, sự đánh đổi phát triển theo chiều rộng cũng như cách tính GPD để đo đạt nền kinh tế quốc gia đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tiêu chí về chỉ số hạnh phúc ngày càng được coi trọng, sự phát triển theo chiều sâu, bền vững cũng như tính ổn định và hạnh phúc của người dân đang là thước đo cho sự tin cậy mà người dân dành cho các Chính phủ.
Rõ ràng, giữa chỉ số hạnh phúc và quyền phát triển của con người là có mối quan hệ qua lại. Một quốc gia mà người dân cảm thấy an toàn, vui vẻ và hạnh phúc thì ở đó các giá trị phổ quát của con người hiện diện. Khi đời sống của người dân nâng cao, chất lượng các dịch vụ được đảm bảo, các quyền chính trị được thực thi, quyền công dân được tiến hành, chắc chắn người dân sẽ tỏ thái độ đồng tình và tin tưởng cao đối với thể chế chính trị và đảng cầm quyền. Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cần và đủ như vậy. Do đó, có thể thấy rằng quyền phát triển của con người ở nước ta hiện nay ngày càng được khẳng định sâu sắc.
Xin cảm ơn ông!
Theo Baoquocte.vn