Khẩn trương triển khai các dự án phòng, chống
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng cần được đầu tư xử lý khẩn cấp để bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân.
Vài năm trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông Tiền xảy ra thường xuyên và phức tạp đe dọa đến đời sống và sản xuất của người dân. Trong đó, khu vực bến phà Tân Long (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) rất đáng báo động. Hiện sạt lở đã ăn sâu vào bên trong đất liền, có chiều dài khoảng 1 km. Nhiều đầm nuôi tôm của người dân cặp theo bờ sông này đã bị sạt lở tấn công. Một số hộ dân vì muốn giữ tài sản của mình nên đã tự bỏ kinh phí để gia cố bờ bao, nhưng cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Báo động nhất là sạt lở tại khu vực này đang đe dọa trực tiếp đến khu vực nhà chờ, cầu phao của bến phà Tân Long.
Người dân tự gia cố điểm sạt lở tại khu vực bến phà Tân Long. |
Để bảo vệ đời sống và tài sản của người dân huyện Tân Phú Đông và an toàn cho hành khách khi lưu thông qua phà Tân Long, việc xử lý sạt lở tại khu vực này là rất cần thiết và cấp bách. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư chống sạt lở bờ Nam bến phà Tân Long, huyện Tân Phú Đông từ nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh năm 2023 chi cho các nhiệm vụ cấp bách.
UBND huyện Tân Phú Đông đã triển khai thực hiện công trình có chiều dài 50 m, với kinh phí khoảng 8,2 tỷ đồng. Đối với những đoạn sạt lở còn lại có chiều dài khoảng 1 km cũng đang rất đáng báo động, cần được đầu tư xử lý khẩn cấp. Dự kiến kinh phí đầu tư chống sạt lở khoảng 100 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư kè chống sạt lở đoạn này.
Cũng tại địa bàn huyện Tân Phú Đông, thời gian qua, tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng tại khu vực đầu cù lao xã Tân Thới. Theo UBND Tân Thới, từ năm 2018 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông Cửa Trung, Cửa Tiểu diễn biến phức tạp với nhiều điểm sạt lở cục bộ trên địa bàn các ấp của xã. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là tại khu vực đầu mõm thuộc ấp Tân Phú.
Trong đó, nguy hiểm nhất là đoạn bờ sông Cửa Tiểu (từ nhà ông Triệu Văn Thanh đến rạch Đồn), sạt lở đến taluy đoạn đê, có chiều dài khoảng 200 m. Mặc dù, UBND huyện, xã đã gia cố 2 lần vào năm 2019, 2021, nhưng tình hình sạt lở vẫn tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Ghi nhận thực tế tại khu vực này, hiện hàm ếch đã ăn sâu vào tuyến đê bao. Nếu không kịp thời đầu tư kiên cố, đoạn đê bao trên có nguy cơ bị sạt lở xuống lòng sông, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân trong vùng; ảnh hưởng đến khoảng 100 ha vườn cây, vật nuôi của khoảng trên 100 hộ dân khu vực này.
Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực bến phà Tân Long. |
Ông Nguyễn Văn Huyện, sinh sống trước đoạn đê bao bị sạt lở cho biết, thời gian gần đây, tình trạng sạt lở tại đây ngày càng phức tạp. Chỉ tay về phía tuyến đê bao trước nhà, ông Huyện cho biết: “Hồi đó, đất của tôi trồng dừa ra tận ngoài kia, khoảng 20 m. Qua từng năm, sạt lở đã lấn sát vào tuyến đê. Hiện nay, đoạn sạt lở trên không còn cây cối giữ đất nên khả năng tiếp tục sạt lở là rất lớn”.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, trước tình trạng sạt lở tại đầu mõm xã Tân Thới, UBND huyện đã có văn bản đề xuất tỉnh đầu tư kè chống sạt lở với chiều dài khoảng 200 m, kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Nếu được đầu tư kè chống sạt lở đoạn này, địa phương sẽ tiếp tục đề xuất tỉnh đầu tư xử lý đoạn còn lại để bảo vệ hoàn toàn đầu mỏm Tân Thới. Địa phương đề xuất tỉnh đầu tư kè cứng đối với khu vực này, chỉ có làm như vậy mới bảo vệ được đê bao và đời sống, sản xuất của người dân.
Cũng như bờ biển Gò Công, tình hình xói lở tại bờ biển Tân Phú Đông thời gian qua cũng rất nghiêm trọng, đặc biệt là tại khu vực Cồn Ngang. Trước tình hình trên, tỉnh đã đầu tư kè chống sạt lở Cồn Ngang tại những vị trí sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã triển khai Dự án Kè chống sạt lở Cồn Ngang với tổng chiều dài 6 km, có tổng vốn đầu tư trên 238 tỷ đồng.
Dự án sẽ triển khai thi công đê giảm sóng gồm các khối cấu kiện bê tông cốt thép kết cấu rỗng được lắp đặt kết nối lại thành tuyến đê phía ngoài xa bờ biển nhằm giảm sóng cùng các công trình phụ trợ. Công trình không chỉ có tác dụng phòng, chống sạt lở, mà còn góp phần gây bồi, tạo bãi để địa phương tiếp tục trồng, tái tạo rừng phòng hộ phía trong đê. Đến nay, dự án đã hoàn thành 2/3 gói thầu và sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2023.
Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Nguyễn Trung Hòa cho biết, thời gian qua, khu vực Cồn Ngang bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng sản xuất và đời sống nhân dân. Ước tính, trung bình mỗi năm, sạt lở lấn sâu vào đất liền khoảng từ 10 - 15 m. Việc tỉnh tư triển khai đầu tư Dự án Kè chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi đã giúp địa phương đảm bảo cơ bản trước tình trạng sạt lở. Công trình phòng, chống sạt lở Cồn Ngang đang từng bước phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, ngoài các điểm xung yếu tỉnh đang thực hiện công trình kè chống sạt lở, một vị trí còn lại tại Cồn Ngang vẫn đang diễn ra sạt lở rất nhiều. Cụ thể, tại khu vực này còn khoảng 3 km (nối từ Cồn Ngang đến Cồn Cống) xảy ra sạt lở nghiêm trọng, cần được đầu tư xử lý khẩn trương trong thời gian tới. Có như vậy mới khép kín được khu vực Cồn Ngang, phát huy tối đa hiệu quả của các công trình phòng, chống sạt lở đã đầu tư, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
T. ĐẠT