51,33% phạm nhân trước khi phạm tội có sử dụng rượu bia
Trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp lái xe mà trong cơ thể có nồng độ cồn, tính trung bình mỗi ngày CSGT phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Ngày 29/1, Bộ Công an và Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ”. PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, các y, bác sĩ, lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, các phòng CSGT Công an các địa phương.
Các đại biểu tại hội thảo. |
Năm 2023 xử lý 770.679 trường hợp lái xe có nồng độ cồn
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh cho biết, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực. Qua 4 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia và hơn 3 năm thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ, đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ”; qua đó, bước đầu đã hình thành được thói quen của người tham gia giao thông “đã uống rượu, bia không lái xe”. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn, cá biệt vẫn xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ…, xuất phát từ nguyên nhân người lái xe có nồng độ cồn trong cơ thể.
“Chúng ta luôn luôn mong muốn mọi người ra đường phải được bình an, “đi đến nơi, về đến chốn”, giao thông phải được trật tự, an toàn, thông suốt; chính vì vậy, loại bỏ những nếp nghĩ cũ, thói quen xấu, trong đó có hành vi điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia là điều rất cần thiết. Đây là tiền đề để hình thành thói quen tốt của người tham gia giao thông và tiến tới xây dựng văn hóa giao thông” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh và cho biết thêm, hội thảo nhằm có cơ sở khoa học, thực tiễn đánh giá tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là tác hại rượu, bia đến an toàn giao thông đường bộ, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời. nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm kỹ lưỡng, chất lượng để trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh phát biểu tại hội thảo. |
Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia). Đối tượng thường sử dụng rượu, bia rất đa dạng, có đủ các thành phần trong xã hội từ nông dân, công nhân, công chức, trí thức… Đáng chú ý, tỷ lệ người đã từng sử dụng rượu, bia ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên và nữ giới ở nước ta đang tăng nhanh và ở mức rất cao. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức hết về tác hại của rượu, bia đến sức khỏe cũng như những ảnh hưởng liên quan của nó đến môi trường sống, kinh tế - xã hội, ý thức chấp hành pháp luật về rượu, bia trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai, thực hiện.
“Trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp lái xe mà trong cơ thể có nồng độ cồn, tính trung bình mỗi ngày CSGT phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 40.806 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm” – Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết.
Ban Tổ chức cũng đã đánh giá tác hại của rượu bia đối với sức khoẻ con người đối với kinh tế - xã hội; tác hại đối với hành vi vi phạm pháp luật… cho thấy, việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông đã ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho gia đình, xã hội ở rất nhiều lĩnh vực.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết thêm, theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 45.661 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 23.438 phạm nhân trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia (chiếm 51,33%) theo 7 nhóm tội danh như giết người, chiếm 55,22% số người được lấy ý kiến; cố ý gây thương tích chiếm 51,5% số người được lấy ý kiến…Qua theo dõi, thống kê của Cục CSGT từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, toàn quốc xảy ra 5.883 vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia (chiếm 17,43 % về tổng số vụ), làm chết 3.427 người (chiếm 19,14 % về tổng số người chết), bị thương 4.327 người (chiếm 19,43 % về tổng số người bị thương), làm hư hỏng 9.113 phương tiện các loại (2.206 ô tô, 6.454 mô tô - xe gắn máy, 453 xe thô sơ và phương tiện khác) thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 149.537,21 triệu đồng (chiếm 44,26 % về tổng số tài sản bị thiệt hại).
Đề xuất xử lý hình sự với tài xế có nồng độ cồn rất cao
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng, tác hại của sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông hiện nay; nêu các quy định về xử lý hành vi này của các nước trên thế giới. Đặc biệt là các bác sĩ - những người trực tiếp cấp cứu bệnh nhân, giám định thương tật... đã chia sẻ tình trạng cấp cứu bệnh nhân bị TNGT, đánh giá mức độ tác hại của rượu bia đối với người tham gia giao thông và các ứng xử trong xã hội; nói về tác hại của rượu bia đối với sức khoẻ con người...
Phát biểu tại hội thảo, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, hiện nay, các quy định xử lý nồng độ cồn đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, qua phân tích các quy định hiện nay, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thấy rằng, vẫn có thể sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê điều hành hội thảo. |
Theo ông Trần Hữu Minh, hiện nay, mức xử phạt hành chính nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt. Nhưng trên thực tế, người uống 5 cốc hay 30 cốc, đều có thể bị xử phạt hành chính như nhau, ở mức 3 (cao nhất trên 80mg/100 ml máu; phạt 30-40 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 22 -24 tháng đối với ô tô).
Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh phát biểu tại hội thảo. |
"Điều này, chưa phù hợp với quy định xử phạt hành chính, tương xứng với mức độ vi phạm. Theo chúng tôi nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc hình sự đối với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng, kể cả chưa gây hậu quả", ông Minh nhấn mạnh.
Để thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng, theo ông Trần Hữu Minh, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định của pháp luật. Việc này cơ quan chuyên môn ngành y tế cần có văn bản khuyến cáo nồng độ cồn ở mức nào là ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng và người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn.
Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân