Bài cuối: Mang mùa xuân đến với những người yếu thế
Bài 1: Tết tri ân, tết nghĩa tình
Đã trở thành truyền thống, cứ mỗi độ tết đến xuân về, nghĩa cử, tinh thần cao đẹp “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc lại được nhân lên với nhiều hoạt động chăm lo tết cho những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU
Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đã về, để chăm lo tết cho hộ nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực… nhằm đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, không hộ nghèo nào không có tết.
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Tiền Giang trao quà cho bệnh nhân nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. |
Việc chăm lo tết cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; cho trẻ em có tấm áo mới, mỗi gia đình đều có bánh, mứt tết… không chỉ thể hiện tình cảm, sự sẻ chia mà còn là trách nhiệm của cộng đồng đối với những người còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Ðảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Tiển Giang đã triển khai nhiều hoạt động trước và trong dịp tết với ý nghĩa nhân văn, thiết thực. Điển hình như phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, nay là “Tết Nhân ái” được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phát động hằng năm nhận được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ hàng nghìn suất quà cho các hộ khó khăn, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam.
Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Tiền Giang Phan Đức Thanh cho biết: “Để “Tết Nhân ái” đạt được mục tiêu mà Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề ra, Hội CTĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu, hướng dẫn các Hội cơ sở triển khai thực hiện phong trào để kịp thời gian, lựa chọn đúng đối tượng.
Xuân Giáp Thìn đã đến. Trên khắp các nẻo đường, ngõ xóm từ nông thôn đến thành thị, không khí tết đang ngập tràn. Không chỉ trao tặng những món quà tết ấm áp, nghĩa tình, mà đó là sự cảm thông, mang ý nghĩa nhân văn “lá lành đùm lá rách”. Niềm tin và hy vọng được nhân lên, để mọi người, mọi nhà cùng đón một mùa xuân an vui, hạnh phúc. Trong không khí rộn ràng ấy có niềm vui của các hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội. Bởi lẽ, họ cảm nhận rất rõ sự sẻ chia ấm áp nghĩa tình của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp và nhà hảo tâm dành cho họ trong dịp tết đến, xuân về. |
Qua đó, vận động sự chung tay, vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo tết cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam để ai cũng có tết. Qua đó, các cấp Hội trong tỉnh đã trao 23.621 suất quà tết đến cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 8,24 tỷ đồng. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, góp phần sẻ chia những khó khăn, mang lại một mùa xuân vui tươi, ấm áp cho người nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Màu, ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cầm trên tay phần quà vừa được trao tặng, xúc động cho biết: “Được biết có đoàn từ thiện và Hội CTĐ xuống tặng quà tết, từ sáng sớm bà con đã đến đây để chờ nhận quà. Tôi giờ lớn tuổi rồi, không làm gì ra tiền, được tặng quà ăn tết, tôi rất là mừng và cảm ơn các mạnh thường quân rất nhiều”.
Cùng với Hội CTĐ tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai các hoạt động chăm lo tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân với mong muốn mọi nhà đều được đón tết trong đủ đầy, đầm ấm, yên vui. Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Trần Thị Quý Mão cho biết: Trong dịp tết, toàn tỉnh có 8.429 nạn nhân chất độc da cam được nhận quà tết, với tổng giá trị trên 3,34 tỷ đồng.
SAN SẺ YÊU THƯƠNG
Đồng hành chăm lo tết cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, các tổ chức Hội, đoàn thể cũng đã huy động mọi nguồn lực để trao tặng hàng ngàn phần quà ý nghĩa cho các đoàn viên, hội viên nghèo và các gia đình có hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Các đoàn viên, thanh niên ở các cơ sở Đoàn đến thăm và trao quà cho người già neo đơn, người khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang. |
Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Tiền Giang Võ Thị Chín chia sẻ: Để chăm lo cho bệnh nhân nghèo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong dịp tết, các cấp Hội đã tích cực kêu gọi, kết nối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh chung tay vì cộng đồng. Từ đó đã huy động được thêm nguồn lực chăm lo tết cho người nghèo. Hy vọng với những món quà trao tặng, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế cảm thấy ấm lòng, có động lực vươn lên trong thời gian tới”.
Ngoài sự hỗ trợ của các Hội, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp, các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đã hỗ trợ, chung tay chăm lo tết cho người yếu thế ở các trung tâm công tác xã hội.
Song song đó, nhằm quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thực hiện Chương trình “Tết yêu thương - Xuân Giáp Thìn 2024”. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã trao 4 suất học bổng cho trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục nhận đỡ đầu 5 trẻ mồ côi theo cách thức hỗ trợ hằng tháng giai đoạn 5 năm và hỗ trợ đến năm 18 tuổi; Hội LHPN tỉnh và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trao 250 phần quà tượng trưng trên tổng 3.200 phần quà cho cán bộ, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
TẾT ẤM ÁP TẠI CÁC TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI
Mặc dù không được quây quần bên gia đình trong những ngày tết, nhưng những em nhỏ mồi côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa vẫn được đón một cái tết đầm ấm, tràn đầy yêu thương trong sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang cùng với những tấm lòng nhân ái.
Năm nào cũng vậy, cùng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, các tổ chức, những tấm lòng hảo tâm, Trung tâm công tác xã hội tỉnh đã chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm để các cụ già, các em nhỏ đón tết đầy đủ, đầm ấm. Hiện nay, Trung tâm công tác xã hội tỉnh đang nuôi dưỡng, chăm sóc 353 đối tượng là những người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi…
Để các cụ, trẻ em và người khuyết tật ở trung tâm có được tết đầy đủ, sum vầy, công tác chuẩn bị phục vụ sinh hoạt, ăn uống, vui chơi được trung tâm chuẩn bị rất chu đáo. Ngoài tiền ăn theo định mức thường xuyên, tiền ăn thêm tiêu chuẩn ngày tết, trung tâm cũng đã huy động sự hỗ trợ, giúp đỡ của một số tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh nhằm bổ sung kinh phí đảm bảo các bữa ăn ngon, thay đổi khẩu vị, đầy đủ về dinh dưỡng và các món ăn cổ truyền ngày tết.
Bà Nguyễn Thị Bé (82 tuổi), người già neo đơn, không nơi nương tựa tâm sự: “Năm nào cũng được đón tết ở đây, đối với tôi mỗi dịp xuân về được quây quần bên mọi người giúp tôi vơi bớt nỗi buồn, sự cô đơn và cảm thấy vui hơn khi nhận được sự quan tâm chăm sóc đầy đủ cả về vật chất và tinh thần của cán bộ trung tâm. Vì vậy, tôi không thấy buồn tủi, cô đơn trong cảnh ngộ riêng của mình”.
Tương tự, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang với hơn 200 trẻ nhỏ trong trung tâm cũng luôn đầy ắp niềm vui với các hoạt động văn nghệ tập thể, trò chơi dân gian, các trò chơi vận động.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang Cao Thị Tiếng chia sẻ: “Các trẻ ở trung tâm với nhiều lứa tuổi bị các dạng khuyết tật như: Tự kỷ, khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ… Ở đây, các em được các cô yêu thương, uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói.
Đặc biệt, hằng năm nhân dịp Tết Nguyên đán, nhằm đảm bảo cho các em vui xuân, đón tết đầm ấm, Trung tâm đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động giúp các em có thêm niềm vui, tràn đầy tình cảm yêu thương. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, mạnh thường quân đã đến thăm, tặng quà cho các em bị khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần động viên, khích lệ các cháu nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống”.
Để chuẩn bị Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 chu đáo, ấm áp như ở gia đình, tại các trung tâm đã và đang phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm chuẩn bị quà và các điều kiện chăm lo tết cho các em.
Đối với những em về quê ăn tết cùng gia đình, trung tâm đã chuẩn bị quà tết và tổ chức ăn tất niên trước khi các em về với gia đình. Những em ở lại đón tết, trung tâm đã bố trí cán bộ trực và chuẩn bị đầy đủ thực phẩm theo đúng phong tục, tập quán ngày tết cổ truyền để các em được đón tết vui tươi, đầm ấm.
SONG AN