.

Đề xuất xác định nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người lái xe

Cập nhật: 16:40, 06/02/2024 (GMT+7)

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa nghiên cứu cho ý kiến đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: Nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu cho ý kiến và gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 20-2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

a
Ảnh minh họa: vtv.vn

Đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.

Trước đó, đại diện Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.

* Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin quý I năm 2024 của Bộ Y tế mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn "vượt ngưỡng", TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ có việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê và sắp tới sẽ có con số cụ thể giảm số vụ tai nạn giao thông".

Liên quan đến quy định hiện hành về nồng độ cồn với các lái xe, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Theo qdnd.vn

.
.
.