Khi mùa xuân về trên biển
Đã là người lính thì việc trực tết diễn ra thường xuyên trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Nếu như các đơn vị trong đất liền luôn duy trì quân số là 3/4 đơn vị thì tàu khi làm nhiệm vụ trên biển những ngày này là 100% còn chưa tính quân số tăng cường. Vì vậy rất nhiều đồng chí đã nhiều năm chưa được ăn tết ở nhà.
Tàu 637, Hải đội 511, Lữ đoàn 127 thực hiện nhiệm vụ xuyên Tết trên vùng biển Tây Nam. |
Khi mùa xuân đang tràn về trên khắp phố phường đến thôn quê, từ miền ngược đến miền xuôi, từ Bắc vào Nam, trên những gương mặt từ già đến trẻ với ánh mắt rạng ngời của những người con mang dòng máu Lạc Hồng; hơi thở mùa xuân làm thức tỉnh những chồi non đang ngủ say sau những ngày đông giá lạnh; và tất cả đất trời đang chuyển mình một cách diệu kì như muốn khoác lên mình màu áo mới, màu áo của mùa xuân. Thế nhưng ở miền biên viễn xa xôi, cách xa đất liền cả nghìn hải lý, nơi đầy nắng, gió, sóng và những cánh chim hải âu, có những người con kiên cường của đất mẹ chắc tay súng, giữ vũng chủ quyền của Tổ quốc. Đó là những người lính Cảnh sát biển.
Xuất thân là người lính pháo binh tốt nghiệp trường sĩ quan Chính trị ra trường nhận công tác tại Lực lượng Cảnh sát biển, hơn 9 năm quân ngũ của tôi là 9 cái tết xa nhà đón tết tại đơn vị như bao người lính khác. Đón tết ở đơn vị cùng đồng đội rất vui, đầm ấm, đầy đủ những hương vị quê hương. Nhưng cũng không thể xua tan đi cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân. Với cánh lính trẻ như chúng tôi thì còn nỗi nhớ người yêu nữa. Đến khi tôi nhận công tác tại tàu CSB 2009, quân nhân trên tàu phần lớn tuổi và đã có gia đình, qua những lúc tâm sự và gọi điện về cho gia đình, tôi đã phần nào hiểu được cảm xúc của đồng đội của mình trên tàu. Đó là nỗi nhớ da diết về đất liền. Càng gần giao thừa họ lại càng da diết trong nỗi nhớ, nhiều khi cả là những giọt nước mắt. Để những người lính biển quân hàm xanh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phía sau họ luôn có một hậu phương vững chắc, đó là những người mẹ, người vợ chấp nhận hi sinh thầm lặng tần tảo gánh vác việc gia đình, gác lại những nỗi lòng riêng để trở thành điểm tựa tinh thần, nguồn động viên to lớn cho những người lính cảnh sát biển nơi đầu sóng ngọn gió, dù bất kể thời bình hay thời chiến thì hậu phương của những người lính ấy đã chấp nhận hy sinh rất nhiều. Tôi chợt nhớ bài thơ của thầy Phạm Quốc Trung, nguyên là Hiệu trưởng trường Sĩ quan Chính trị sau dịp đến thăm gia đình có liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra năm 1979 tại Bắc Ninh.
Rồi cả với những câu thơ:
Hỏi gió xuân, nơi xa đó - Quê hương
“Mẹ các anh - ai còn, ai khuất
Qua bao giỗ đã cạn khô nước mắt
Còn nhìn rõ ảnh con, còn bám vững ban thờ’’.
( Trích bài thơ Thành Cổ Nhớ Anh)
Tất cả đã nói lên sự hy sinh âm thầm và vô cùng vĩ đại của những người mẹ đã hiến dâng những người thân yêu nhất của mình cho Tổ quốc Việt Nam hòa bình thống nhất như ngày hôm nay.
Đã là người lính thì việc trực tết diễn ra thường xuyên trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Nếu như các đơn vị trong đất liền luôn duy trì quân số là 3/4 đơn vị thì tàu khi làm nhiệm vụ trên biển những ngày này là 100% còn chưa tính quân số tăng cường. Vì vậy, rất nhiều đồng chí đã nhiều năm chưa được ăn tết ở nhà.
Cứ mỗi lần chuẩn bị đi biển làm nhiệm vụ dài ngày (có khi lên đến vài tháng), lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước ngọt đều được chuẩn bị rất chu đáo từ trong bờ. Khi có lệnh tàu xuất phát, lúc đó những con tàu rời cảng bắt đầu hải trình của mình, hú những hồi còi chào cảng rẽ những con sóng ra khơi. Dải đất mẹ hình chữ S xa dần trong tầm mắt.
Hành trang được mang theo cho những chuyến đi biển dài ngày trực xuyên tết với những lá rong, cành mai, cành đào được trút bỏ lá và thực phẩm, bánh kẹo, đồ trang trí tết. Những ngày lênh đênh trên biển bầu bạn với những con sóng bạc đầu và những chú chim hải âu, chúng tôi vẫn mong ngóng đếm những giọt thời gian, mắt không rời các mục tiêu, tay nắm chắc cây súng chẳng rời. Tất cả tinh thần cảnh giác cao độ khi làm nhiệm vụ. Với người lính, chưa có một giấc ngủ ngon trên biển bởi vì trong đêm chỉ cần một dấu hiệu lạ, cả tàu báo động cán bộ chiến sĩ lại bật dậy, vì sự an toàn của tàu, vì bảo vệ sự bình yên vùng biển của Tổ quốc.
Cứ mỗi ngày trôi qua, mặt trời mọc rồi lặn, sóng vỗ mạn tàu, gió hát cùng tiếng sóng và tiếng kêu của đàn hải âu, xa xa là những con tàu đánh cá của ngư dân vươn khơi bám biển, chính là nguồn vui, nguồn động lực để những người lính vững vàng tay súng. Nhưng những con sóng ngoài biển đâu phải lúc nào hiền hòa, yên bình như trong bài thơ “Sóng” của “nàng thơ” Xuân Quỳnh? Nhiều lúc biển động, mỗi khi gió mùa hay ảnh hưởng bởi các cơn bão, sóng trùm lên cả cabin thân tàu chao đảo rung lắc dữ dội tưởng chừng như mất hút vào lòng biển sâu, những ai đi biển chắc đều tả được cảm giác say sóng mỗi khi biển động buồn nôn và nôn, cảm giác mệt mỏi rã rời, chóng mặt, buồn ngủ, đau đầu, tái mặt, toát mồ hôi lạnh, mạch nhanh, huyết áp hạ. Nếu bị nặng có thể bị nôn, ăn không thấy ngon, thậm chí trông thấy thức ăn là sợ, nhất là khi ngửi mùi mỡ, dầu máy nhưng với ý chí kiên cường của mỗi người lính biển họ đều vượt qua với sự quyết tâm cao hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho. Và với sự quyết tâm đó nhiều khi tàu giặc lởn vởn như những bóng ma rình rập, cũng chẳng làm họ sờn lòng.
Trên tàu, cái khó khăn và phải dùng hạn chế nhất là nguồn rau xanh và nước ngọt. Họ thường ví von nó giống như những giọt máu của chính mình, chẳng ai bảo ai mà tiết kiệm từng tí. Chẳng thế mà các anh chỉ được đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Hai ba ngày mới được tắm nước biển xong tráng nước ngọt. Chỉ có lính tàu mới nghĩ ra hình thức tắm nước biển, đó là làm sao để cơ thể toát ra mồ hôi cho bở các lớp da chết, sau đó chờ 15 phút cho thân nhiệt ổn định rồi bơm nước biển lên tắm và kì cọ cho sạch công đoạn cuối là dùng nước ngọt tráng qua. Còn quần áo thì rất hạn chế được giặt. Chính vì vậy, nước da ai cũng chai sạn vì nắng, vì gió và mang vị mặn mòi của biển. Những mái tóc xơ cứng đơ vì thiếu dưỡng chất và ngấm hơi muối biển được cắt tỉa gọn gàng. Nước sau khi tắm được chắt lại để rửa chuồng trại và tắm cho vật nuôi và dùng cho vài chậu rau xanh được trồng trong thùng xốp. Bởi đằng sau boong tàu, còn chú lợn, cùng đàn gà nho nhỏ được nuôi từ chiếc chuồng tận dụng khoảng trống sót lại của boong. Đó cũng là nguồn thực phẩm tươi để họ đón Tết.
Những ngày cuối tháng Chạp, tàu bắt đầu công tác chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Những chiếc lá dong được cấp đông trong tủ lạnh lại được lấy rã đông sau được trải ra, rửa sạch, để ráo nước rồi cắt cẩn thận. Đậu xanh nấu chín đã được đãi vỏ, gạo nếp cái hoa vàng đãi sạch trắng bong như những hạt ngọc. Gia vị hành, tiêu, mắm muối, lạt giang đủ cả. Thịt lợn từ những chú lợn được nuôi sau boong, cùng gà vịt sẽ được chế biến thành các món ăn của người Việt trong mỗi dịp Tết. Mọi công việc đều được tiến hành khẩn trương nhưng rất cẩn thận, chu đáo từ mấy chiến sỹ. Không phải khi nào họ muốn gói bánh là gói được. Chỉ khi lòng biển lặng mới có thể tiến hành, vì khi ấy tàu mới bớt chòng chành, rung lắc.
Với người lính, họ có thể làm nhiều việc ở mọi lĩnh vực. Họ vừa là chiến sỹ, vừa là nghệ nhân, vừa là nghệ sĩ nên không gì có thể làm khó họ được. Mấy chiến sĩ nữa được phân công nhiệm vụ trang trí hoa lá cho những cành mai, đào đã khô bằng những bông hoa giả chẳng mấy chốc cả cây đào và mai đều khoác lên mình màu rực rỡ nếu không nhìn kỹ thật khó có thể biết đây là hoa giả. Hai cây mang hồn của Tết Việt món quà của Đất mẹ, được cẩn thận cắm vào hai cái chậu sứ, rồi phủ những viên đá cuội lên để chống đổ. Sau đó sẽ được trang trọng đặt hai đầu bàn trong phòng sinh hoạt chung. Đó là một phòng rộng nhất trong khoang tàu, vừa là nơi sinh hoạt chung, vừa là nơi thực hiện những nghi lễ nhà binh, vừa là nơi giao ban. Mâm ngũ quả thật đơn sơ với trái bưởi da xanh, nải chuối tiêu được ướp lạnh, vài thứ quả trang trí cũng đông lạnh nốt nhưng được đặt ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất của con tàu.
Thời gian cứ thế lặng trôi theo nhịp sóng vỗ. Công việc chuẩn bị cho Tết hoàn tất cũng là lúc hoàng hôn của ngày cuối năm từ từ lặn xuống mép biển. Màn đêm mênh mông, trên cao là những vì sao nhấp nháy, thỉnh thoảng vài ngôi sao băng vụt qua. Biển vắng lặng. Bởi trước đó cả tuần, những tàu hàng, tàu cá nội địa đã nhổ neo quay vào bờ đón Tết. Đại dương xanh thẳm chỉ còn lại chúng tôi với mục tiêu phải gìn giữ. Thỉnh thoảng bắt gặp những con tàu lớn mang số hiệu và quốc kỳ quốc tế đi qua.
Đêm trừ tịch dần trôi về thời khắc giao thừa, giây phút thiêng liêng của trời đất. Mấy mâm cơm cúng tất niên cuối năm cũng đã hoàn tất. Cũng có nghi thức cúng tất niên. Chỉ có điều, không hương nến bởi trên tàu, không được phép.
Chắp tay cúng khấn trời đất và đại dương, thành tâm nguyện đem ý chí, sự kiên trung cùng tuổi xuân vì sự bình yên của biển trời, của đất liền. Chỉ mong chân cứng đá mềm và hậu phương luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mọi cán bộ chiến sĩ. Chúng tôi cầu bình an, sức khỏe, hơn hết là những chuyến công tác dài ngày, mẹ đại dương hiền hòa vỗ về.
Khi chiếc radio phát đi bản tin đặc biệt đón chào năm mới cùng lời chúc Tết của Chủ tịch nước, cũng là lúc hầu như tất cả anh em trên tàu đã quân phục nghiêm trang, tề tựu trong phòng Hồ Chí Minh làm lễ chào cờ. Quốc ca hào hùng vang lên giữa lòng biển khơi từ chính nhiệt huyết đang chảy trong họ. Mặt ai nấy nghiêm trang, hai bàn tay nắm hờ xuôi theo chỉ quần, mắt hướng theo ảnh Bác, treo cùng lá cờ Tổ quốc, bên cạnh là cờ Đảng. Dường như trong mắt cán bộ chiến sĩ của tàu, niềm tin và ý chí đang rực sáng. Quốc ca đã dứt mà căn phòng vẫn lặng đi trong khoảnh khắc, cảm tưởng chỉ còn nghe nhịp con tim của mọi người. Cùng khi ấy, các chiến sỹ được phân công gác vẫn giữ chắc tay súng hướng ra biển khơi, mắt không rời khỏi phía trước. Sau phút giây thiêng liêng ấy, tất cả đều vỡ òa trong những vòng tay xiết chặt, những cái ôm thắm tình đồng chí, đồng đội, anh em. Những câu chúc sức khỏe, gia đạo. Mắt ai cũng rưng rưng, nhưng vẫn ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc. Tôi và tất cả cán bộ chiến sĩ tận sâu trong đáy lòng, đang rất nhớ nhà. Nhưng vì tất cả cho tiền tuyến, chúng tôi đành phải dằn lòng lại. Buổi giao ban đầu năm được diễn ra ngay sau đó bằng ấm trà thơm, nước xanh, chát ngọt đầu lưỡi. Bằng những ly cà phê, bánh và kẹo. Lại một lần nữa, quân lệnh như sơn, chiến sỹ trên tàu không được phép hút thuốc, uống rượu bia. Mệnh lệnh ấy tuyệt đối phải chấp hành, không có ngoại lệ.
Sau đó là buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Những lời ca, tiếng hát, những bài thơ, bài báo, mẩu chuyện được viết ra và kể lại bởi chính họ. Cũng có thể là được đọc từ những tờ báo, cuốn sách cũ được xếp gọn gàng trên giá hoặc tin tức mà họ nghe được từ radio, từ ti vi. Hòa vào đó là tiếng đàn ghi ta bập bùng loang trên mặt biển, tan vào những con sóng đang mải miết xô nhau, làm cho đêm không còn tĩnh lặng nơi vị trí tàu buông neo chỉ còn cách hải phận quốc tế vài hải lý.
Cuộc vui không vì thế mà được kéo dài, còn phải nhiệm vụ trực chiến. Đồng hồ chỉ khoảng giữa đêm về sáng. Tất cả lại trở lại bình thường. Không có những tiếng pháo đùng đoàng, không có tiếng loa đài ầm ĩ, không có tiếng chạm ly cốc... Những người lính cảnh sát biển là thế, vẫn ngày đêm hi sinh thầm lặng tuổi xanh, niềm vui, niềm hạnh phúc cá nhân thậm chí cả xương máu và thân mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biên cương, biển trời đất Việt Nam giữ trọn lời thề tận trung báo quốc trọn lời thề giữ nước với thế hệ cha ông.
Tết đến, Xuân đã về rồi. Xin chúc mọi người sức khỏe, hạnh phúc, ý chí vững vàng, kiên trung./.
Chính trị viên - Trung úy Đặng Văn Đạt
Theo dangcongsan.vn