BÀI 2: Nhiều "kịch bản" bảo vệ sản xuất
BÀI 1: Miền Tây "khát" nước ngọt
Trước tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tập trung triển khai các giải pháp ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn của các năm trước, bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng, người dân trong vùng cũng chủ động hơn trong việc phòng, chống và đã mang lại hiệu quả tích cực.
NGƯỜI DÂN CHỦ ĐỘNG
Mặn xâm nhập lấn sâu vào đất liền đang đe dọa trực tiếp đến các vùng chuyên canh cây ăn trái khu vực ĐBSCL. Nhiều nhà vườn phải “căng mình” để ứng phó hạn, mặn nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái, đặc biệt là những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao và dễ mẫn cảm với mặn. Mỗi khi mùa hạn, mặn đến, xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) luôn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ hướng sông Hàm Luông. Thực tế cho thấy, sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2020, nông dân trên địa bàn xã Ngũ Hiệp đã nâng cao ý thức chủ động trong phòng, chống hạn, mặn.
Dẫn chúng tôi đi thăm ao chứa nước ngọt của gia đình, anh Hồ Quang Huy (ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp) cho biết, sau mùa hạn, mặn gay gắt năm 2020, nhà anh quyết định đào ao này để trữ nước. Những ngày qua, khi mặn chưa xâm nhập đến khu vực Ngũ Hiệp, anh đã tích cực bơm nước từ sông vào tích trữ nước trong ao, đảm bảo ao lúc nào cũng trữ đầy nước. Ao nước ngọt này sẽ đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho 5 công sầu riêng của gia đình, giúp anh yên tâm hơn trong mùa hạn, mặn.
Tỉnh Bến Tre tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi để ngăn mặn. |
Còn đối với gia đình ông Nguyễn Văn Trung (ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp), để phòng, chống mặn, vườn sầu riêng 8 công được ông trang bị 2 bọng lấy nước, đảm bảo ngăn mặn tuyệt đối. Ngoài ra, ông Trung còn trang bị máy đo độ mặn để kiểm tra độ mặn trong mương vườn và ngoài sông thường xuyên. “Những ngày qua, khi biết thông tin mặn đang xâm nhập sâu, ngày nào tôi cũng ra sông để kiểm tra độ mặn, nhằm chủ động trong việc lấy nước vào mương vườn” - ông Trung chia sẻ thêm.
Còn tại xã Tân Phong (huyện Cai Lậy), đợt hạn, mặn lịch sử năm 2020 đã gây thiệt hại 3/18 công sầu riêng của gia đình ông Trần Hoàng Sang (ấp Tân Bường B, xã Tân Phong). Sau bài học “xương máu” đó, ông Sang đã quyết định đào ao chứa nước ngọt với diện tích 600 m2. Điều này giúp ông đảm bảo nguồn nước tưới khi mùa hạn, mặn đến. Hiện ao chứa nước ngọt của gia đình ông đã được trữ đầy, đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới tiêu trong mùa hạn, mặn tới đây.
Không riêng người dân Tiền Giang, nông dân tỉnh Bến Tre cũng luôn chủ động ứng phó hạn, mặn để bảo vệ sản xuất. Những ngày qua, khi hay thông tin mặn xâm nhập sâu, gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa (xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã chủ động đóng các cống lấy nước từ sông vào mương vườn. Theo ông Nghĩa, ngoài việc chủ động theo dõi thông tin về mặn, trước tết, gia đình ông đã nạo vét mương vườn nhằm tăng lượng tích trữ nước ngọt để tưới cho 3 công bưởi. Ông Nghĩa cho biết thêm: “Đến thời điểm này, mặn ảnh hưởng đến khu vực nhà tôi. Nước trong mương có cạn bớt, nhưng nhìn chung vẫn còn đảm bảo cho việc tưới tiêu nên vườn bưởi chưa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn”.
ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Trên cơ sở những dự báo của cơ quan chuyên môn, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL có nguy cơ chịu ảnh hưởng của hạn, mặn cũng đã xây dựng những kịch bản để ứng phó hạn, mặn. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có gần 84.200 ha cây ăn trái. Trong đó, ước có khoảng 35.000 ha cây ăn trái bao gồm sầu riêng, cây có múi, vú sữa… mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ thuộc các xã cặp sông Tiền từ xã Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho) đến xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), chủ yếu là cây sầu riêng với diện tích 22.000 ha.
Để ứng phó hạn, mặn, tỉnh Tiền Giang đã đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1. Đến nay, 6 cống ngăn mặn thuộc dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cùng với hệ thống cống ngăn mặn này, cống âu Nguyễn Tấn Thành do Bộ NN-PTNT đầu tư tiến độ đã đạt khoảng 80% và hiện cũng đã đóng ngăn mặn. Điều này giúp Tiền Giang đảm bảo ngăn mặn khép kín đến khu vực xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), góp phần bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái tại các huyện phía Tây của tỉnh.
Gia đình anh Hồ Quang Huy (ấp Tân Đông, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đào ao trữ nước để tưới cho 5 công sầu riêng. |
Bên cạnh đó, các giải pháp phi công trình cũng được các ngành và địa phương tập trung triển khai. Theo đó, tại vùng trọng điểm sầu riêng được tăng cường tập huấn rộng rãi các giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái trước hạn, mặn. Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp bảo vệ cây trồng trong mùa khô như: Chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đảm bảo đủ tưới cho cây trồng trong mùa nắng nóng; cung cấp dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu cây trồng; tăng cường sử dụng vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô giữ ẩm cho cây…
Riêng cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) - ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn từ hướng sông Hàm Luông, do đó huyện Cai Lậy đã khẩn trương triển khai đắp 5 đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn xã Ngũ Hiệp với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Đây được xem là giải pháp căn cơ để bảo vệ sản xuất, đặc biệt là vùng chuyên canh cây sầu riêng với diện tích hơn 1.400 ha của xã.
Ông Trung trang bị máy đo độ mặn để chủ động ứng phó hạn, mặn. |
Tương tự như Tiền Giang, tỉnh Bến Tre cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp để ứng phó hạn, mặn. Theo đó, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã tập trung triển khai các dự án, công trình thủy lợi. Các công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt.
Cụ thể, đối với Tiểu vùng Bắc Bến Tre, tại khu vực huyện Châu Thành, các công trình thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 kết hợp với công trình cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) đã đưa vào sử dụng giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai. Khu vực các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, công trình cống đập Ba Lai kết hợp với các công trình cống thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 giúp giữ ngọt trên sông Ba Lai phục vụ sản xuất và các nhà máy nước sạch nông thôn trong khu vực.
Đối với Tiểu vùng Nam tỉnh Bến Tre, Dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các công trình cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, dù đến thời điểm này, xâm nhập mặn đã diễn ra gay gắt trên địa bàn, nhưng tỉnh chưa ghi nhận thông tin phản ánh của các địa phương, đơn vị về tình hình ảnh hưởng do xâm nhập mặn.
Cùng chung bức tranh ứng phó với hạn, mặn gay gắt năm nay, để ứng phó hạn, mặn, bảo vệ sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã xây dựng nhiều giải pháp như dự trữ, sử dụng nguồn nước mưa, khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi các tiểu vùng được đầu tư khép kín, cùng với kế hoạch vận hành hợp lý đã mang lại nhiều hiệu quả, giúp người dân an tâm sản xuất, tăng thu nhập. Theo quy hoạch hệ thống thủy lợi, tỉnh Cà Mau được chia làm 2 vùng, bao gồm vùng Bắc Cà Mau (được chia làm 5 tiểu vùng), thuộc hệ sinh thái ngọt với tổng diện tích 204.000 ha và vùng Nam Cà Mau (được chia làm 18 tiểu vùng), thuộc hệ sinh thái mặn - lợ với tổng diện tích 314.000 ha. Đến thời điểm này, vùng Bắc Cà Mau đã đầu tư hoàn chỉnh được tiểu vùng 2 và 3; vùng Nam Cà Mau đầu tư được các tiểu vùng 2, 3, 5, 10, 17, 18, còn lại các tiểu vùng khác của 2 vùng chỉ đầu tư bờ bao tiểu vùng là chính (chưa khép kín). Cách làm này đã và đang phát huy hiệu quả.
Tại địa bàn xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, 2 năm trở lại đây nông dân phấn khởi khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm trúng mùa, được giá. Chủ tịch UBND xã Lợi An Nguyễn Việt Khái cho biết, những năm trước, khi hệ thống thủy lợi chưa khép kín, vụ lúa trên đất nuôi tôm thường bấp bênh, đa phần thiếu nước ngọt vào thời điểm cuối vụ. Điều này dẫn đến trồng lúa không đạt hiệu quả, có năm còn mất trắng. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt nhiều hiệu quả do hệ thống thủy lợi được đầu tư khép kín. Diện tích sản xuất lúa - tôm cũng ngày càng được mở rộng. Riêng vụ lúa - tôm năm 2023, người dân trên địa bàn xã xuống giống hơn 1.380 ha, trong khi vụ trước xuống giống được 1.120 ha. Hệ thống thủy lợi không chỉ giúp cho việc sản xuất lúa - tôm hiệu quả, mà còn hạn chế thiệt hại khi triều cường dâng cao.
NHÓM PVKT
(Còn tiếp)