.

Huyện Cai Lậy: Niềm vui từ những công trình xã hội hóa

Cập nhật: 21:45, 16/03/2024 (GMT+7)

Thời gian qua, ngoài nguồn vốn của tỉnh cùng với sự chung tay, hỗ trợ của những cá nhân, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhiều con đường, căn nhà, cây cầu… được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa (XHH) đưa vào sử dụng, giúp huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang từng bước "thay da đổi thịt", đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.  

ĐỔI THAY TỪ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NTM

Huyện Cai Lậy sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, cảnh quan môi trường được làm mới theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, đảm bảo ô tô đi đến trung tâm tất cả các xã và thị trấn; thủy lợi được đầu tư ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất đem lại lợi nhuận cao cho nông dân, thu nhập người dân từng bước được nâng lên.

Những ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng từ nguồn vốn XHH.
Những ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng từ nguồn vốn XHH.

Phó Chủ tịch MTTQ huyện Cai Lậy Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết: Người dân trong huyện Cai Lậy đã nỗ lực cùng nhau thực hiện XHH nhiều công trình cầu giao thông, nhiều tuyến đường trọng điểm của xã, ấp, đem lại lợi ích thiết thực, phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Sự đoàn kết, cùng chung chí hướng cải thiện cuộc sống được thể hiện rõ qua việc làm cụ thể, trong cách triển khai nhanh, hiệu quả. Thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ vận động các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân trên địa bàn cùng chung tay xây dựng, nâng cấp đường giao thông để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Trong năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam từ huyện đến cơ sở đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được 2,96 tỷ đồng, từ nguồn quỹ này, huyện đã xây mới 49 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí là 2,37 tỷ đồng; sửa chữa 1 căn nhà đại đoàn kết trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, MTTQ các cấp vận động chương trình an sinh xã hội được trên 25,7 tỷ đồng, từ nguồn này đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 27 căn nhà trị giá trên 1,2 tỷ đồng; xây dựng 21 công trình dân sinh trị giá trên 14 tỷ đồng…Bên cạnh đó, MTTQ các cấp vận động các nguồn vốn XHH xây dựng nhiều cây cầu giao thông nông thôn.

NIỀM VUI TỪ NHỮNG CÔNG TRÌNH DÂN SINH

Cuộc sống của nhiều người dân tại khu phố Bình Trị, thị trấn Bình Phú thay đổi từ khi cây cầu mới được hoàn thành. Sau hơn 3 tháng khởi công xây dựng, cầu Thanh Đàm đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Cầu được xây dựng có tổng chiều dài 24 m, chiều ngang 3,3 m, tải trọng 2,5 tấn, với kết cấu bê tông, cốt thép kiên cố; tổng kinh phí xây dựng 290 triệu đồng; trong đó gia đình chị Thanh Vy (TP. Hồ Chí Minh) tài trợ 200 triệu đồng, vốn đối ứng từ địa phương vận động 90 triệu đồng.

Cầu Lộc Phát (ấp 3, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy) được xây mới tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi.
Cầu Lộc Phát (ấp 3, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy) được xây mới tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Bình Phú Huỳnh Vũ Phương cho biết: “Thị trấn Bình Phú còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống thủy lợi tương đối nhiều. Nhờ sự quan tâm của các đơn vị, cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng, hiện nay thị trấn Bình Phú đã xây dựng hoàn thành cầu Ban Sang, khu phố Bình Ninh với kinh phí 280 triệu đồng); cầu khu phố Bình Thới, kinh phí 190 triệu đồng; cầu Bảy Liêm, khu phố Bình Thới kinh phí 125 triệu đồng, cầu lộ Hòa Thượng, kinh phí 700 triệu đồng. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tham gia giao thông, nhất là lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”.

Ông Trần Văn Ni, một người dân tại thị trấn Bình Phú chia sẻ: “Bà con trong thị trấn rất phấn khởi vì trên quê hương mình có nhiều công trình được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, nâng cao đời sống tinh thần”.

Các công trình hoàn thiện, đồng bộ không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi mà còn tạo điều kiện kết nối người dân với các tiểu thương trong việc mua bán nông sản; đồng thời giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt hơn việc quản lý các hệ thống cống, đê điều, điều hành ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo hoạt động sản xuất của nhân dân được tốt hơn.

Những công trình XHH từ nguồn vận động của người dân huyện Cai Lậy đã đem lại sự thuận tiện trong đi lại, giao thương hàng hóa, phục vụ công việc thường ngày trong sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống người dân nơi đây đã đổi thay nhờ có sự đồng lòng về thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, giúp Cai Lậy trở thành 1 trong những điểm sáng về XHH trên địa bàn tỉnh.

SONG AN
 

.
.
.