.

Tiền Giang: Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ

Cập nhật: 10:29, 12/03/2024 (GMT+7)

Với chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của tỉnh Tiền Giang, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, những năm gần đây, nhiều DN mới được thành lập. Từ năm 2019 đến ngày 30-9-2023, tỉnh có 3.598 DN thành lập mới, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 5.968 DN. Riêng năm 2023, tỉnh có 875 DN thành lập mới, đạt 105,4% kế hoạch, đưa toàn tỉnh có 6.012 DN đang hoạt động. 

Sự gia tăng số lượng các DN tạo được nhiều việc làm cho người lao động của tỉnh, thu nhập và đời sống vật chất, tỉnh thần của người lao động từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, ngoài việc tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, số lượng DN và số lượng lao động ngày càng tăng cũng làm gia tăng các mối quan hệ lao động, tranh chấp lao động phát sinh tại DN.

Từ năm 2019 đến nay, tình hình quan hệ lao động tại các DN trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Việc tổ chức đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc chưa đạt hiệu quả cao, một số DN thực hiện chỉ mang tính hình thức; vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động ở một số Công đoàn cơ sở còn hạn chế; người sử dụng lao động chưa giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của người lao động và chưa thực hiện đúng nội dung thỏa thuận được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể. Đó là một số nguyên nhân dẫn đến 25 vụ ngừng việc tập thể không đúng trình tự pháp luật và 101 vụ tranh chấp lao động cá nhân.

Tiền Giang hướng đến phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. (Ảnh chụp công nhân Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy).
Tiền Giang hướng đến phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. (Ảnh chụp công nhân Công ty cổ phần May Việt Tân, TX. Cai Lậy).

Nguyên nhân xảy ra các vụ ngừng việc tập thể và tranh chấp lao động cá nhân chủ yếu liên quan đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng như: DN trả lương không kịp thời theo thỏa thuận, chưa thực hiện nâng lương định kỳ, thay đổi cách tính lương sản phẩm nhưng không thỏa thuận với người lao động, đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm trễ, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chất lượng bữa cơm trưa không đảm bảo, tính thưởng Tết Nguyên đán không công bằng...

Mặc dù số vụ ngừng việc tập thể có giảm so với những năm trước nhưng số lao động tham gia ngừng việc tăng lên, làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, ảnh hướng đến môi trường đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại DN (không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đòi hỏi cần phải đổi mới vai trò của cơ quan nhà nước, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Do đó, việc xây dựng Đề án “Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2023 - 2025” theo đúng tinh thần Chỉ thị 37 ngày 3-9-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới là cần thiết. Đề án này đã được UBND tỉnh Tiền Giang có quyết định phê duyệt (Quyết định 2617 ngày 7-11-2023).

Theo Quyết định 2617, tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, với quan điểm chỉ đạo: Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được củng cố và là nhân tố quan trọng giúp ổn định các mối quan hệ lao động.

Tăng cường quản lý có hiệu quả đối với sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại DN nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các loại hình DN, góp phần thúc đây việc thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Mục tiêu tổng quát, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy các DN tổ chức Hội nghị đối thoại, thương lượng tập thể và thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, Công đoàn. 

Phát huy những kết quả đạt được từ năm 2019 đến nay, phấn đấu đến năm 2025, thiết lập được quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động; giảm đến mức thấp nhất việc xảy ra tranh chấp lao động, đình công, nhất là các cuộc tranh chấp lao động, đình công không đúng trình tự, thủ tục; đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định cho DN phát triển; giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.