Tiền Giang: Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn
Những ngày qua, tình hình xâm nhập mặn ở tỉnh Tiền Giang đã lấn sâu vào nội đồng. Theo dự báo, trong những ngày tới, mặn sẽ đạt đỉnh trong năm; sau đó, giảm dần. Tỉnh Tiền Giang đã quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra.
Nguồn nước tại cống tiếp nước Bình Phan, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) gần như cạn khô. |
Mặn diễn ra gay gắt
Mấy ngày gần đây, gió chướng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hoạt động mạnh, khiến độ mặn trên sông Tiền tăng cao, vì thế, cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đã đóng để ngăn mặn.
Với việc cống Xuân Hòa không thể lấy nước ngọt, mực nước tại các kênh, rạch nội đồng trong vùng Ngọt hóa Gò Công đã xuống rất nhanh và dần cạn kiệt.
Khảo sát dọc các tuyến kênh trên địa bàn huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông vào ngày 11-3, chúng tôi ghi nhận đa số các con kênh đều đã cạn nước, riêng một số tuyến kênh chính lấy nước đưa về phía biển còn giữ nước chân nhằm tránh sạt lở gây ra như hạn, mặn 2019-2020.
Người dân vùng Ngọt hóa Gò Công cũng tranh thủ bơm tát những “giọt nước” cuối cùng vào đồng ruộng, vườn cây, ao hồ.
Ông Nguyễn Văn Minh bơm nước cho đàn vịt đẻ xuống nằm |
Ông Nguyễn Văn Minh nuôi 1.000 con vịt đẻ cặp kênh Sáu Đạo thuộc xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây. Trong những ngày qua, ông phải bơm chắt nước một ít cho vịt vào tắm.
Tuy nhiên, nước cũng dần cạn khô. Gia đình ông sẽ di dời đàn vịt đi nơi khác vào những ngày tới. Ông Minh cho biết: “Đàn vịt vừa mới đẻ. Song, khô hạn diễn ra quá nhanh khiến gia đình tôi trở tay không kịp. Giờ phải thuê xe tải đưa đàn vịt đi nơi khác để tránh thiệt hại”.
Đàn vịt đẻ của ông Nguyễn Văn Minh gần như thiếu nước. |
Đi về phía biển của tỉnh Tiền Giang, nước dưới các con kênh, rạch gần như khô cạn. Ông Nguyễn Minh Trung, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông trồng 0,3ha màu. Những ngày qua, gia đình tận dụng được nguồn nước sạch dự trữ từ trước để tưới cho cây.
Tuy nhiên, nguồn nước này giờ đây cũng hết. Ông Trung cho biết, mặc dù, nguồn nước ở các tuyến kênh chính còn một ít nhưng người dân không dám sử dụng để tưới cho cây, hoa màu. Bởi, độ mặn khá cao và các cấp chính quyền muốn giữ lại mực nước này nhằm tránh sạt lở cho các tuyến kênh…
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến sớm và lấn sâu hơn so với trung bình nhiều năm.
Do ảnh hưởng của 2 kỳ triều cường đầu và giữa tháng Giêng 2024 kết hợp gió mùa Đông Bắc mạnh, từ ngày 8-2 đến nay, nước biển đẩy vào đất liền khiến độ mặn trên các tuyến kênh tăng nhanh, xâm nhập sâu vào nội đồng.
Đồng ruộng tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đã khô. |
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh trong vài ngày tới.
Cụ thể, trong ngày 11-3, trên sông Tiền, độ mặn đo được tại cống Xuân Hòa (Chợ Gạo) là 8,7g/1, công viên Lạc Hồng (thành phố Mỹ Tho) 6,8g/l, cầu Trường Chính Trị (thành phố Mỹ tho) 5,22g/l, cầu Kênh Xáng (huyện Châu Thành) 2,36g/l, phà Thới Lộc (huyện Cai Lậy) 0,25g/l… Độ mặn tại các vị trí đều tăng khá cao so với ngày hôm trước.
Trước diễn biến gay gắt trên, tất cả các cống ngăn mặn tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, Dự án Bảo Định, Dự án Phú Thạnh-Phú Đông của tỉnh Tiền Giang đóng ngăn mặn.
Ngoài ra, các cống trên đường tỉnh 864 gồm: Nguyễn Tấn Thành, Cầu Cống, Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn, Chùa 1 cũng đều đóng ngăn mặn.
Còn trên sông Hàm Luông, trong ngày 11-3, độ mặn đo được tại bến phà Tân Phú (cách sông Tiền 2km) là 1,5g/l; trạm Chợ Lách (trên sông Tiền) cách cửa sông Hàm Luông-sông Tiền 0,7g/l và đều tăng so với ngày hôm trước.
Nguồn nước gần Trạm cấp nước Bình Phan, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cạn khô. |
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, từ ngày 8 đến 18-3, trên sông Tiền, độ mặn cao nhất có xu hướng tăng từ ngày 8 đến 11,12-3, sau đó đạt đỉnh ở vùng hạ lưu thành phố Mỹ Tho vào ngày 12,13-3.
Phía thượng lưu của thành phố Mỹ Tho, xâm nhập mặn đạt đỉnh vào ngày 13,14,15-3 và lấn sâu vào nội đồng.
Từ ngày 14 đến 18-3, mặn ở vùng cửa kênh giảm dần, vùng nội đồng (thành phố Mỹ Tho- Châu Thành) ít biển đổi và giảm nhẹ từ ngày 16 đến 18-3. Từ ngày 19-3 trở đi, độ mặn sẽ tiếp tục giảm và sẽ lên lại theo kỳ triều rằm tháng hai âm lịch (ngày 22, 23-3).
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, địa phương có khoảng 35.000ha cây ăn trái, bao gồm sầu riêng, cây có múi, vú sữa… mẫn cảm với mặn cần được bảo vệ.
Trong đó, 22.000ha sầu riêng đặc biệt mẫn cảm với mặn. Để ứng phó hạn, mặn, bên cạnh các giải pháp công trình được đầu tư thời gian qua, các giải pháp phi công trình đã được các ngành và địa phương tập trung triển khai.
Theo đó, tại vùng trọng điểm sầu riêng được tăng cường tập huấn rộng rãi các giải pháp bảo vệ vườn cây ăn trái trước hạn, mặn; tình hình sản xuất, thu hoạch các loại cây trồng tại vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của hạn, mặn được theo dõi chặt chẽ, để nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp bảo vệ cây ăn trồng trong mùa khô như: Chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, đảm bảo đủ tưới cho cây trồng trong mùa nắng nóng; cung cấp dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu cây trồng và tăng cường sử dụng vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô giữ ẩm cho cây…
Triều cường nước mặn dâng cao
Trong những ngày qua, triều cường nước mặn đã dâng cao, gây ngập một số tuyến đường, nhà dân dọc theo kênh Bảo Định. Ghi nhận vào chiều 11-3 và rạng sáng 12-3, tại khu vực vòng xoay Trung Lương và đường Hùng Vương (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang), triều cường gây ngập tại đây khiến các phương tiện giao thông qua lại gặp khó khăn.
Triều cường gây ngập tại Vòng xoay Trung Lương, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) vào chiều 11-3. |
Tại một số khu vực trên địa bàn phường 10, thành phố Mỹ Tho, triều cường tiếp tục dâng cao gây ngập các con hẻm, nhà dân. Người dân phải kê vật dụng, đồ dùng gia đình để tránh bị ngập, gây hư hỏng.
Người dân cơi nới đồ đạc khi triều cường lên cao. |
Bà Nguyễn Thị Huyền, phường 10, thành phố Mỹ Tho có nhà gần cống Bảo Định cho biết: “Mặc dù, gia đình đã cơi nới đồ đạc trong nhà lên khá cao. Tuy nhiên, giữa khuya, triều cường bất ngờ dâng lên cao hơn, không kịp trở tay nên nhiều vật dụng trong gia đình đều bị ướt”.
Nhà hàng Trung Lương bị ngập lênh láng. |
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, từ nay đến tháng 8-2024, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường.
Trong đó, 2 đợt triều cường cao từ ngày 10 đến 13-3 và ngày 9 đến 12-4. Mực nước tại các trạm đều cao hơn báo động 3 rất nhiều.
Nước ngập khá sâu tại Vòng xoay Trung Lương, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) vào chiều 11-3. |
Kiểm tra tình hình mặn và triều cường vào chiều tối 11-3, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, nước dâng cao ngập nhiều điểm trên địa bàn thành phố Mỹ Tho là do triều cường theo thông lệ hằng năm, không phải do đóng cống Bảo Định ngăn dòng chảy. Đây là đợt triều cường thứ 2 từ đầu năm đến nay và sẽ đạt đỉnh điểm trong vài ngày tới.
Người dân và phương tiện di chuyển khó khăn qua khu vực Vòng xoay Trung Lương, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) vào chiều 11-3. |
Đợt triều cường này đã và đang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh cống Bảo Định.
Triều cường dâng cao gây ngập nhiều nơi, đây là việc xảy ra thường xuyên và về lâu dài đòi hỏi từng người dân, từng doanh nghiệp và kể cả các cơ quan nhà nước phải quan tâm đến vấn đề này, trách nhiệm không của riêng ai.
Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp, phương án khắc phục hậu quả do triều cường gây ra.
Tuy nhiên, khí hậu biến đổi khó lường nên không thể đưa ra đầy đủ kịch bản và giải pháp xử lý triệt để. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng liên quan tích cực phòng ngừa, khắc phục tác hại của triều cường nước mặn và biến đổi khí hậu nói chung.
Đồng chí Phạm Văn Trọng cho rằng, trong điều kiện hiện tại rất mong người dân, doanh nghiệp cùng chia sẻ và thấu hiểu. Đây là vấn đề thuộc về thiên tai, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Theo nhandan.vn