Huyện Chợ Gạo: Công tác giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực
Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023 cho thấy các giải pháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình) năm 2023 trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đạt kết quả tốt. Đây là sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp của huyện và nỗ lực của cộng đồng vì mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
QUÁN TRIỆT CHỦ TRƯƠNG
Đây là một chương trình lớn và đã được huyện Chợ Gạo triển khai thực hiện bài bản, thu hút được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Đây là kết quả của sự quán triệt và thống nhất chủ trương sâu rộng trên địa bàn huyện. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình tỉnh, công tác chỉ đạo, điều hành Chương trình của huyện Chợ Gạo được thực hiện tốt.
Với thành quả của công tác giảm nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn được xây dựng khang trang và đời sống nông dân huyện Chợ Gạo không ngừng được nâng lên. |
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, UBND huyện đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công thành viên phụ trách các xã, thị trấn để đảm bảo thực hiện các Chương trình có hiệu quả hơn; đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập Ban quản lý Chương trình và phân công cho từng thành viên phụ trách theo dõi, hướng dẫn đến từng ấp, khu phố để thực hiện Chương trình.
Tại huyện Chợ Gạo, công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp thực hiện nhịp nhàng trên cơ sở thống nhất chỉ đạo từ huyện ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình.
Cùng với việc ban hành kế hoạch giai đoạn, huyện có kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo cho từng năm. Bên cạnh đó, huyện còn phát động phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình của huyện đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chợ Gạo và các hội, đoàn thể, phòng, ban cùng thực hiện mục tiêu xóa khó giảm nghèo…
Chính việc triển khai kịp thời các văn bản về chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh về thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã, thị trấn khi triển khai dự án trên địa bàn.
Trong tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động của chương trình giảm nghèo luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trong việc tổ chức triển khai thực hiện nội dung các dự án, tiểu dự án và hoạt động của Chương trình, bảo đảm các dự án, tiểu dự án được triển khai, thực hiện.
Đồng thời tích cực phối hợp trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng các hình thức như: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tổ hợp tác, tổ chức thành lập và duy trì hoạt động của hợp tác xã; vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nguồn lực bằng tiền, công lao động, hiện vật, hiến đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi… qua đó góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và mức thụ hưởng trực tiếp cho người dân.
Song song đó, huyện Chợ Gạo cũng duy trì công tác kiểm tra thường xuyên tại các đơn vị. Công tác kiểm tra đã phát huy những ưu điểm và khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại trong công tác giảm nghèo. Các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình kiểm tra nên công tác kiểm tra được hoàn thành theo kế hoạch. Việc kiểm tra, đánh giá hằng năm luôn khách quan, phản ánh đúng thực tế, các cuộc kiểm tra đã rút ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp để thực hiện công tác giảm nghèo được hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.
CHỈ CÒN 0,96% HỘ NGHÈO
Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023, huyện Chợ Gạo có 147 hộ được công nhận thoát nghèo, đạt 147% so với chỉ tiêu được tỉnh giao. Như vậy đến cuối năm 2023, Chợ Gạo còn 520 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,96% tổng hộ dân trên địa bàn và 700 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,3%. Kết quả này là sự hợp lực của nhiều yếu tố.
Trưởng LĐ-TB&XH, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Chợ Gạo Lê Văn Chất cho biết, đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp thực hiện Chương trình trong năm 2023. Trong đó, đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với các đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
Đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo về mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo, đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ.
Đồng chí Lê Văn Chất đánh giá, công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt được những kết quả tích cực. Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được kiện toàn và có tính thống nhất từ cấp huyện đến cấp xã. Công tác lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được lập kế hoạch hằng năm. Công tác truyền thông, thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia được chú trọng đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nhìn chung, các hoạt động của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 luôn được các cấp chú trọng và quan tâm. Do đó, kinh phí được phân bổ và đáp ứng một cách đầy đủ, kịp thời so với nhu cầu để thực hiện từng hoạt động của dự án, tiểu dự án. |
Trong năm 2023, trên địa bàn huyện Chợ Gạo triển khai nhiều dự án tạo sinh kế cho người nghèo rất hiệu quả. Trong đó, thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với tổng nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng đã giúp vốn và giải pháp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân tại các xã: Hòa Định, Long Bình Điền, Mỹ Tịnh An, Lương Hòa Lạc, Song Bình, Long Bình Điền, Đăng Hưng Phước, Tân Thuận Bình, Bình Phục Nhứt, An Thạnh Thủy, Bình Ninh, Xuân Đông.
Với tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Chợ Gạo triển khai nhiều dự án tại các xã: Bình Phục Nhứt, Hòa Tịnh, Phú Kiết, Trung Hòa và Tân Bình Thạnh. Tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 10 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 360 lao động. Tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững đã thực hiện tuyên truyền, tư vấn người lao động có nhu cầu làm việc ở nước ngoài…
Đồng chí Lê Văn Chất chia sẻ, có 2 bài học kinh nghiệm cho công tác thực hiện Chương trình trên địa bàn được huyện Chợ Gạo rút ra. Thứ nhất, đối với công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Chương trình, phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững. Chủ động ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình kịp thời, hợp pháp và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện trong công tác giảm nghèo. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể huyện trong việc thực hiện Chương trình. Thực hiện các dự án, tiểu dự án kịp thời, đúng theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.
Thứ hai, đối với quá trình tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình, phải xác định rõ nguyên nhân, tình trạng hộ gia đình đăng ký tham gia dự án, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người dân, phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của chính bản thân người tham gia dự án, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư trong việc giúp nhau sản xuất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của chính họ.
Xây dựng dự án, mô hình phải sát với thực tế điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Tập trung hỗ trợ mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người nghèo. Những bài học kinh nghiệm này được huyện áp dụng cho việc thực hiện Chương trình năm 2024 và những năm tiếp theo.
MAI HÀ