.

Huyện Tân Phước: Nhiều cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 09:14, 28/06/2024 (GMT+7)

Theo chỉ tiêu giao năm 2024, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,59% vào cuối năm 2023 xuống còn 1,42% hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 1,2% - 1,8% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là một thách thức rất lớn trong công tác giảm nghèo của huyện. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị rất cao của huyện Tân Phước, cụ thể là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, phát huy tối đa nguồn lực từ các chương tình mục tiêu quốc gia trên địa bàn và nguồn nội lực để giảm nghèo bền vững.

NHIỀU CÁCH LÀM HIỆU QUẢ

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Tân Phước đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo. Chính sách giảm nghèo luôn được hoàn thiện theo hướng: Tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện; nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo; cải cách quản lý, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, giảm nghèo theo địa chỉ.

Trong năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước tiếp tục triển khai thực hiện các Dự án giảm nghèo, trong đó  có mô hình trồng khóm.
Trong năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước tiếp tục triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo, trong đó có mô hình trồng khóm.

Hằng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Phước đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp và chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung ngày càng phong phú, nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.

Cùng với đó là thực hiện tốt công tác đỡ đầu hộ nghèo, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo thông qua những phần quà đột xuất, các dịp lễ, tết; xây dựng nhà tình thương, nhà nhân ái… Ngay từ đầu năm, huyện Tân Phước đã ban hành Kế hoạch giảm nghèo năm 2024, tổng hợp tình hình nhà ở cho hộ nghèo, có 40 hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở năm 2024 (trong đó xây mới 28 căn và sửa chữa 12 căn). Đồng thời, tổng hợp tình hình rà soát hộ có mức sống trung bình báo cáo Sở LĐ-TB&XH. Hiện nay, toàn huyện có 929 hộ với 3.405 nhân khẩu.

Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước Nguyễn Tuấn Hải cho biết: Để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Tân Phước đã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các tổ chức đoàn thể nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện công tác giảm nghèo.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước đã phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.143/800 lao động, đạt 142,8% kế hoạch; đưa 6/26 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 23% so kế hoạch; mở các lớp dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp với hàng trăm học viên. Cụ thể, tổ chức dạy nghề đan lát tại xã Phú Mỹ và khai giảng lớp dạy nghề nông nghiệp tại xã Tân Hòa Tây; nhiều học viên sau khi học nghề đã có việc làm ổn định tại các tổ, hợp tác xã đan lát, đan bàng…

Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động. Giám sát Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Phước năm 2023. Tham mưu UBND huyện bổ sung 1 nhân khẩu hộ cận nghèo trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước, 1 hộ nghèo xã Tân Hòa Tây.

Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Tân Phước đã phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển các mô hình sản xuất, trong đó tích cực vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng trong các ô bao khép kín. Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây cho kinh tế cao như: Thanh long, chanh, mít, mãng cầu Xiêm, bưởi da xanh…

Bên cạnh đó, huyện Tân Phước còn chú trọng hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn; từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ đầu ra, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Song song đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước còn thực hiện tốt hoạt động trợ cấp cho hộ nghèo vui xuân đón tết như: Trợ cấp 291 hộ nghèo, phối hợp vận động Tập đoàn Vingroup - Quỹ Thiện Tâm cùng Nhóm Cộng đồng VinFast toàn cầu tổ chức tặng 300 phần quà cho 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo; phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, Ban Giám đốc Công ty TNHH phát triển KCN Long Giang và các doanh nghiệp trong KCN Long Giang hỗ trợ 500 phần quà tặng hộ cận nghèo và hộ khó khăn…

QUYẾT TÂM THỰC HIỆN ĐẠT VÀ VƯỢT KẾ HOẠCH GIẢM NGHẺO

Với mục đích tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo có nguồn vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, huyện Tân Phước cũng đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như cho hộ nghèo vay theo Nghị định 78, Quyết định 15, Quyết định 28. Hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đều phát huy tính chủ động trong lao động, chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả cao, đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành LĐ-TB&XH huyện Tân Phước đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể trong công tác giảm nghèo như: Tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2024 trên địa bàn huyện; tổ chức thực hiện các dự án về giảm nghèo; phối hợp mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp; tổ chức các hoạt động nhân Tết Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…

Từ đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp để thực hiện đạt hiệu quả các nhiệm vụ: Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp về trách nhiệm tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội và giải quyết việc làm trên địa bàn. Chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển và định hướng đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu sản xuất; tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện.

Thực hiện hiệu quả, kịp thời các dự án, chương trình, chính sách, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tập trung chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức giảm nghèo; gắn giảm nghèo với phát triển kinh tế, giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với đối tượng yếu thế, đối tượng xã hội, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nâng cao nhận thức và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiểm họa từ tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội lành mạnh không có tệ nạn.

Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phước Nguyễn Tuấn Hải cho biết: Là cơ quan thường trực của Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Phòng đã tham mưu UBND huyện phân bổ nguồn vốn giảm nghèo ở các dự án của chương trình đã phân bổ cho các cơ quan, đơn vị thực hiện, trong đó có các dự án lớn như hỗ trợ nhà ở và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Để công tác giảm nghèo sát với thực tiễn, Phòng tiếp tục phối hợp các ngành, đoàn thể, khảo sát tại các địa phương về công tác giảm nghèo; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như nắm tình hình thực tế, nhu cầu của từng địa phương cụ thể để có chỉ đạo sát với thực tiễn, tăng hiệu quả đầu tư.

Sau khi khảo sát, xem xét tình hình thực tế, ngoài các chương trình hỗ trợ tổng thể sẽ có sự hỗ trợ cụ thể cho từng địa bàn. Tại mỗi nơi có đặc thù riêng sẽ có các mô hình, cách thức làm khác nhau phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sinh hoạt, các điều kiện khác của địa bàn đó để công tác giảm nghèo nó được bền vững.

Tin rằng, với sự nỗ lực của các ngành, sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân cộng với các nguồn lực từ các chương tình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện và những định hướng, lãnh đạo chỉ đạo đúng đắn, phù hợp của địa phương hiện nay, công tác giảm nghèo ở Tân Phước sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp, góp phần xây dựng huyện Tân Phước đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

LÊ PHƯƠNG

 

.
.
.