.

Chung tay chăm lo cho gia đình chính sách và người có công

Cập nhật: 10:19, 26/07/2024 (GMT+7)

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình thì Đảng, Nhà nước phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn. Đối với người thân của thương binh và liệt sĩ, phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, không để họ đói rét…”. Thực hiện Di chúc của Người, trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực cùng cộng đồng chăm lo cho gia đình chính sách (GĐCS), từ đó cuộc sống của các GĐCS được nâng lên.

ẤM LÒNG NGƯỜI Ở LẠI

Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng là một chính sách lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC những năm qua thường xuyên được đổi mới và hoàn thiện, từng bước nâng cao mức sống của đối tượng chính sách.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thăm và tặng quà GĐCS tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2024.                                         Ảnh: PHƯƠNG MAI
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thăm và tặng quà GĐCS tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7-2024. Ảnh: PHƯƠNG MAI

Vừa được Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh đến thăm nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, bà Nguyễn Thị Na, ở ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xúc động: “Chồng hy sinh là nỗi mất mát to lớn với người làm vợ. Vượt lên nỗi đau đó, tôi thay chồng nuôi dạy các con nên người. Từ ngày giải phóng tới nay, chính sách chăm lo cho GĐCS được Đảng, Nhà nước thực hiện rất tốt. Hiện nay, tôi được nhận trợ cấp hằng tháng, bị bệnh thì có bảo hiểm y tế chi trả 100%, lễ tết thì được thăm hỏi, chia sẻ. Tôi rất ấm lòng với sự chu đáo này”.

Trong căn nhà kiên cố, khang trang, bệnh binh 61% Nguyễn Hoàng Lâm, ngụ xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trải qua những năm tháng cuối đời an nhàn. Được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đến tận gia đình thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần, ông Lâm phấn khởi cho biết: “Khi xưa ra chiến trường đánh giặc là việc làm của người con Việt Nam. Tôi may mắn còn được trở về đoàn tụ với gia đình, trong khi bạn bè nằm lại chiến trường. Những năm qua, tôi và gia đình luôn được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Đảng và Nhà nước. Những tình cảm và sự quan tâm chu đáo của chính quyền cùng với bà con láng giềng dành cho tôi là vô cùng đáng quý và trân trọng”.

“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta. Tri ân những người con Tiền Giang không tiếc máu xương vì quê hương, đất nước, Đảng, Nhà nước và cộng đồng đã cùng chung tay chăm lo ngày càng tốt hơn các GĐCS.

Hằng năm, cứ mỗi dịp lễ, tết, lãnh đạo tỉnh đã đến tận nhà thăm hỏi, động viên hàng trăm hộ GĐCS tiêu biểu trong tỉnh. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với NCC, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng quy trình và thời gian quy định. Phong trào chăm sóc NCC được duy trì và nâng cao.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tỉnh Tiền Giang tổ chức tốt việc tặng quà cho đối tượng chính sách, trong đó quà của Chủ tịch nước từ nguồn kinh phí Trung ương đã chuyển đến cho 35.866 người, số tiền gần 11 tỷ đồng; đồng thời, từ nguồn kinh phí địa phương đã chi trên 26,7 tỷ đồng tặng quà cho gần 67.700 người.

Tính đến nay, Tiền Giang đã xác nhận đối tượng, giải quyết chế độ và quản lý khoảng 132.000 đối tượng, gồm hơn 35.500 liệt sĩ, gần 6.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 14.000 thương binh và bệnh binh, 969 cán bộ lão thành cách mạng; 515 cán bộ tiền khởi nghĩa; gần 2.400 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; hơn 2.000 người HĐKC bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ; 51 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; gần 13.900 người HĐKC; có hơn 4.700 NCC giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hằng tháng và gần 23.600 NCC giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần.

Trong đó, đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng tính đến thời điểm này còn hơn 15.800 đối tượng, với kinh phí chi trả hơn 400 tỷ đồng/năm từ nguồn ngân sách Trung ương.

Ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho NCC, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt. Ngân sách đầu tư mua bảo hiểm y tế cho 100% NCC và 100% con liệt sĩ theo quy định; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục, vốn, việc làm đối với con em các GĐCS…

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi như: Lập quyết định giải quyết chế độ cho 12 trường hợp người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học và 6 trường hợp người HĐKC bị địch bắt tù, đày; lập quyết định trợ cấp 1 lần đối với 4 trường hợp người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen; lập quyết định trợ cấp 1 lần cho 200 trường hợp thân nhân thờ cúng liệt sĩ; lập quyết định giải quyết chế độ 17 trường hợp con liệt sĩ tàn tật sau khi đủ 18 tuổi; giám định tăng tỷ lệ thương binh 3 trường hợp; phê duyệt cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình đến niên hạn cho 260 đối tượng.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức đưa 60 cựu chiến binh đi tham quan nhà tù Phú Quốc và nhà tù Côn Đảo; tặng quà cho 125 cựu chiến binh tham gia cách mạng thời kỳ chống Pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thăm, tặng quà cho 4 đối tượng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tỉnh Tiền Giang chưa có cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng. Công tác điều dưỡng cho NCC hằng năm được Sở LĐ-TB&XH thực hiện kịp thời, đầy đủ và đúng quy định. Trong đó, điều dưỡng tại gia đình cho hơn 4.000 NCC, với số tiền 7,5 tỷ đồng và tổ chức 14 đợt điều dưỡng tập trung cho 888 NCC với số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, chăm lo cho đối tượng chính sách, NCC được sự đồng tâm, hiệp lực của cộng đồng. Hằng năm, tỉnh Tiền Giang vận động trên 10 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và cha mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn; thương binh nặng, đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ vượt khó học tập.

Các hoạt động chăm sóc khác đối với đối tượng chính sách cũng được tỉnh quan tâm thực hiện như: Xây dựng mô hình VAC cho hộ chính sách, hỗ trợ nước sạch và điện thắp sáng; tạo điều kiện để GĐCS tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất… Hiện tại, có 100% GĐCS có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kiều Loan, cùng với chính sách chung của Đảng và Nhà nước, riêng Tiền Giang cũng tổ chức thực hiện những giải pháp để chăm lo tốt hơn đời sống NCC. Trong đó, nổi bật là chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC có khó khăn về nhà ở, thực hiện Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh. Hằng năm, hàng trăm ngôi nhà được xây mới và sửa chữa từ chủ trương này.

Riêng năm 2024, toàn tỉnh Tiền Giang sẽ thực hiện xây dựng, sửa chữa 240 căn nhà ở cho NCC, thân nhân NCC với cách mạng. Hằng năm, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng trích ngân sách một phần cùng với ngân sách huyện để tiến hành cải tạo và nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, đến nay đã tương đối hoàn chỉnh và khang trang.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Tiền Giang đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được với số tiền hơn 7,6 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã vận động được, toàn tỉnh đã xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở.

Đến nay, cơ bản đã xóa nhà ở dạng tre lá, thô sơ. Cùng với các mô hình chăm sóc GĐCS, NCC, các đơn vị tài trợ, các mạnh thường quân cũng đã tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho đối tượng chính sách; hiện tại có một số gia đình đã rút vốn để phục vụ sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; còn lại chủ yếu dùng vào việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh hoặc chi dùng trong lúc có khó khăn đột xuất.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua đã giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống, góp phần bù đắp những cống hiến to lớn của những cá nhân và gia đình có công với quê hương, đất nước, thực hiện đúng những điều căn dặn của Bác trước lúc đi xa.

THỦY HÀ

.
.
.