Đường to mà ý thức không cao, tai nạn càng thảm khốc
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt việc nâng cấp các tuyến cao tốc 2 làn xe, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng |
Phản hồi một số ý kiến thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 26-10 về việc xây dựng đường bộ cao tốc cũng như chất lượng đường bộ cao tốc, tai nạn xảy ra trên các tuyến cao tốc... Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nói, cá nhân ông cho rằng, việc Quốc hội, Chính phủ cho triển khai cao tốc 2 làn trước đây là hợp lý, bởi thực tế nhiều tuyến trước đây có lưu lượng xe rất thấp, nhưng sau một thời gian phát triển, nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.
"Bộ GTVT cũng đang nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn lên 4 làn xe và một số tuyến 4 làn hạn chế lên thành 4 làn đầy đủ và lớn hơn", Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc xảy ra tai nạn trên một vài đoạn tuyến cao tốc không hoàn toàn do đầu tư chưa hoàn thiện. Dẫn chứng bài học từ quốc tế, Bộ trưởng Bộ GTVT chia sẻ ông đi châu Âu và thấy nhiều tuyến cao tốc 4 làn xe vẫn không có làn dừng khẩn cấp, nhưng ý thức của người tham gia giao thông rất tốt nên vẫn ổn.
“Đến đoạn đó, người ta chấp nhận đi chậm lại, đi từ tốn. Vì thế, đường không nhất thiết phải to, phải rộng, đường càng to nhưng nếu ý thức không cao, tai nạn càng thảm khốc”, ông Thắng nói..
Nêu thống kê nguyên nhân tai nạn có hơn 90% đến từ ý thức người tham gia giao thông, người đứng đầu ngành GTVT nhấn mạnh, đồng thời với việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, còn phải có rất nhiều giải pháp để "nâng cấp" thói quen và văn hóa của người tham gia giao thông.
Liên quan đến tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, nơi đang triển khai tới 600km đường cao tốc trục dọc và 600km trục ngang, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, tại ĐBSCL, hiện nay trữ lượng cát không thiếu, nhưng do nhiệm kỳ này triển khai cùng lúc nhiều tuyến đường cao tốc nên nhu cầu tăng lên đột biến, trong khi quy trình, thủ tục khai thác rất mất thời gian.
Ông Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, hiện nay cát sông đã bố trí cấp phép khoảng 40 triệu m3, còn khoảng 32 triệu m3 các địa phương đang làm thủ tục cấp phép. Với cát biển thay thế tại các tuyến cao tốc Bắc - Nam, hiện Sóc Trăng đã khai thác 5,5 triệu m3 sử dụng cho cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ, giảm áp lực đáng kể cho cát sông.
"Riêng với trữ lượng cát biển, tỉnh Sóc Trăng có khoảng 14 tỷ m3. Bộ GTVT sẽ cho mở rộng thí điểm sử dụng tại các tuyến đường cao tốc phía Bắc và miền Trung. Dự kiến cuối năm nay sẽ công bố rộng rãi quy chuẩn, quy trình sử dụng cát biển làm vật liệu xây lắp cho toàn quốc", Bộ trưởng thông tin.
Dù vậy, Bộ trưởng GTVT cũng nhắc lại ý kiến chuyên gia cho rằng khai thác cát biển cũng dẫn đến sạt lở, vì thế, nên khai thác mức độ vừa phải để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng không tác động tiêu cực đến môi trường.
Về đề xuất của một số tỉnh miền Tây muốn xây dựng cầu cạn với một số tuyến cao tốc, ông Thắng nói Bộ GTVT đang nghiên cứu và cũng rất muốn làm. Nhưng khó khăn, vướng mắc lớn nhất là giá thành. Nếu làm theo phương án này giá cao gấp 3,1 lần thông thường, cố gắng kéo xuống cũng gấp 2,5 lần...
Hơn nữa, theo ông, ở miền Tây, cầu cạn chỉ cao hơn mặt đường một chút nên về không gian phát triển cần phải nghiên cứu. Thực tế có những quốc gia làm đường trên cao rất nhiều, nhưng đến giờ thấy có vấn đề về mặt không gian, do đó phải nghiên cứu thêm.
Thông tin thêm về việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt lớn, Bộ trưởng GTVT cho biết có 3 dự án đường sắt đang được xúc tiến triển khai, gồm: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Với trách nhiệm được giao triển khai 3 tuyến đường sắt này, ông Thắng cho hay Bộ GTVT dự kiến đề xuất khai thác khổ tiêu chuẩn chở cả người và hàng, tốc độ khoảng 200 km/giờ. “Trước đây đường sắt khổ tiêu chuẩn 200 km/h là tốc độ cao, nhưng bây giờ là bình thường", ông Thắng nói.
Với tuyến TPHCM - Cần Thơ, Bộ GTVT chuẩn bị hoàn thành báo cáo tiền khả thi để trình Chính phủ và Quốc hội dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn với tốc độ khoảng 190km/giờ (chở người) và chở hàng (khoảng 120km/h).
Theo ông Thắng, dự án này dài 174km với tổng nguồn vốn hơn 9 tỷ USD (khoảng 220.000 tỷ đồng), chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 cần khoảng 155.000 tỷ đồng, khai thác cả hàng hóa do nhu cầu hàng rất lớn.
Theo sggp.org.vn