.

Sư đoàn 8: Quân dân chung sức xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 12:39, 21/10/2024 (GMT+7)
(ABO) Hưởng ứng phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Quân khu 9 chung sức xây dựng nông thôn mới”, từ năm 2010 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 8 (Quân khu 9) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả.
 
Năm 2021, ông Trần Văn Thanh (ấp 4, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được Trung đoàn 9 - Sư đoàn 8 hỗ trợ 3 triệu đồng. Từ số tiền có được, ông Thanh đầu tư chuồng trại và mua 100 con vịt giống. Xuất chuồng và tái đàn liên tục, sau khi trừ chi phí, ông Thanh thu lợi hơn 20 triệu đồng mỗi năm.
 
Cán bộ Sư đoàn 8, Quân khu 9 thăm gia đình được hỗ trợ con giống trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ Sư đoàn 8 - Quân khu 9 thăm gia đình được hỗ trợ con giống trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Ông Thanh tâm sự: “Vợ tôi làm công nhân, tiền lương mỗi tháng để lo cho đứa con gái lớn đang học đại học; còn tôi ở nhà chăm sóc vườn dừa và đàn vịt. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 mà 3 năm nay gia đình tôi có thu nhập ổn định, chi tiêu cho con học hành đầy đủ hơn”.
 
Còn trường hợp anh Bùi Quốc Hiền (ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) được Sư đoàn 8 hỗ trợ 2 con dê năm 2020. Từ 2 con dê ban đầu, nhờ chăn nuôi "mát tay", đến nay đàn dê của anh Hiền đã tăng lên 12 con.
 
Đồng chí Nguyễn Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng, huyện Châu Thành cho biết: “Trước đây, anh Hiền thuộc diện hộ nghèo của địa phương, vợ chồng đều đi làm thuê cho các chủ vườn, cuộc sống rất khó khăn. Nhờ nuôi dê mà gia đình anh Hiền đã khá hơn, hiện nay ở địa phương ai có nhu cầu nuôi dê anh sẽ bán với giá rẻ để giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình”.
 
Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Chính ủy Sư đoàn 8 cho biết, anh Thanh và anh Hiền là 2 trong số hàng trăm trường hợp được đơn vị hỗ trợ con giống, vật nuôi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Thực hiện phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Quân khu 9 chung sức xây dựng nông thôn mới”, với phương châm “gần dân, sát cơ sở”, thời gian qua, Sư đoàn đã phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu, khả năng, nguyện vọng của từng hộ dân. Sau khi nắm được điều kiện, thế mạnh của từng hộ, đơn vị mua và bàn giao con giống, cây trồng, vật nuôi cho người dân. Đơn vị còn hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng, tìm đầu ra cho sản phẩm thu được, thành lập các tổ để theo dõi, nắm tình hình các gia đình được hỗ trợ làm cơ sở để những đợt sau đạt kết quả cao hơn.
 
“Ngoài hoạt động trên, từ năm 2010 đến nay, Sư đoàn 8 còn tổ chức 22 lần hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận; đặc biệt là trong những đợt giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lũ. Đơn vị còn hỗ trợ 45 hộ nghèo phát triển kinh tế, trong đó có 35 hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đặc biệt khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “chống dịch như chống giặc”, Sư đoàn đã hỗ trợ gạo, cá, rau xanh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; phối hợp với Bệnh viện Quân y 120 xây dựng bệnh viện dã chiến để cách ly, điều trị, hỗ trợ địa phương phòng, chống đại dịch... Qua đó, đã làm tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới” - Đại tá Nguyễn Văn Long chia sẻ thêm.
 
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9 làm đường giao thông nông thôn tại Đồng Tháp.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 - Sư đoàn 8 - Quân khu 9 làm đường giao thông nông thôn tại Đồng Tháp.
Để phong trào xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả thiết thực, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn 8 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương nắm chắc địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tế; làm tốt công tác tuyên truyền; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình.
 
Sư đoàn còn làm tốt công tác giao lưu kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương. Tính đến nay đã kết nghĩa được 49 đầu mối, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau trong mọi hoạt động. Qua đó đã tạo được sự hiểu biết, tin cậy và yêu mến của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đóng quân, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
 
Thượng tá Trương Văn Cường, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 8 cho biết: “Trong từng giai đoạn và hằng năm, Sư đoàn đều phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, sau đó thống nhất lựa chọn một số tiêu chí mang tính đột phá phù hợp với điều kiện khả năng của đơn vị, địa phương để thực hiện. Ngoài những công trình, phần việc, các cơ quan, đơn vị của Sư đoàn còn thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho nhân dân; phối hợp tuần tra giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó tạo được niềm tin và tình cảm gắn bó quân dân”.
 
Phấn khởi trước sự thay đổi của làng quê, đồng chí Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Toàn xã hiện có 7 ấp, với 4.500 hộ dân, đời sống chủ yếu là trồng lúa, hoa màu; nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 8, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống dưới 3%, bộ mặt nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ”.
 
Đại tá Lê Văn Việt, Chính ủy Sư đoàn 8 khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới, giúp nhân dân có cuộc sống ổn định và không ngừng phát triển”.
                                         
HUỲNH PHONG - HÀ NAM

 

.
.
.