.
CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG HUYỆN CAI LẬY

Xã Phú An xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 18:31, 21/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, xã Phú An, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tập trung huy động nguồn lực, triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Hằng năm, qua khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã Phú An tập trung trợ vốn, phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Các đoàn thể, Ban lãnh đạo 6 ấp tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, định hướng các loại cây trồng phù hợp, khuyến khích hộ gia đình chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất…

Năm 2024, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đoàn viên, hội viên và người dân có nhu cầu vay vốn. Toàn xã có 16 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ hơn 29 tỷ đồng với 784 hộ vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thực hiện các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Lớp dạy nghề nuôi lươn không bùn
Lớp dạy nghề nuôi lươn không bùn.

Trong năm, xã Phú An phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức lớp dạy nghề nấu ăn và nuôi lươn cho 65 học viên. Lớp học giúp lao động trang bị kiến thức, kỹ thuật cơ bản, đa dạng các ngành nghề để tăng thu nhập gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hai (ấp 1, xã Phú An) cho biết: "Gần 3 tháng tham gia lớp dạy nghề nuôi lươn, tôi được hướng dẫn lý thuyết kết hợp thực hành phương pháp nuôi lươn trong bể có bùn và bể không bùn, phòng trị một số bệnh thường gặp, kỹ thuật sinh sản nhân tạo... Tôi quyết định cải tạo chuồng heo cũ, trải bạt để thả nuôi 8 cặp lươn sinh sản, 500 lươn con. Mô hình rất phù hợp với những hộ ít đất sản xuất, quan trọng là nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trị dịch bệnh trong quá trình thả nuôi".

Những năm qua, xã Phú An triển khai hiệu quả các Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững xã tiến hành thẩm định, theo dõi hiệu quả các dự án, đảm bảo hiệu quả. Qua đó, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Là 1 trong 10 hộ gia đình tham gia Dự án "Nuôi dê sinh sản", chị Võ Thị Thùy Dương, ấp 2, xã Phú An cho biết: "Được hỗ trợ con giống từ dự án, tôi làm chuồng trại để chăn nuôi, tận dụng nguồn cây, cỏ trong tự nhiên làm thức ăn cho đàn dê. Gia đình không có đất canh tác, làm thuê kiếm sống nên mô hình cũng gợi hướng đi mới để tôi có thêm thu nhập, nuôi hai con ăn học”.

Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, xã Phú An duy trì, nâng chất tiêu chí Nghèo đa chiều của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các ngành, đoàn thể, Ban lãnh đạo 6 ấp chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Đồng thời, huy động tốt nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững, hoàn thiện hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất. Địa phương cũng huy động tốt nguồn lực cho an sinh xã hội, vận động sự chung tay góp sức của cộng đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2024, xã Phú An có 8 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm 0,68%, hộ cận nghèo 1,25%.

Chị Võ Thị Thùy Dương (ấp 2, xã Phú An) với mô hình nuôi dê sinh sản được hỗ trợ từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
Chị Võ Thị Thùy Dương (ấp 2, xã Phú An) với mô hình nuôi dê sinh sản được hỗ trợ từ Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Đánh giá về vai trò của chính quyền địa phương trong công tác giảm nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú An Lý Thái Trường nói: "Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Khi kinh tế ổn định, người dân sẽ có điều kiện đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vì vậy, xã Phú An chú trọng đến các mô hình phát triển kinh tế, huy động nguồn lực cho an sinh xã hội. Trong đó, xã phối hợp thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất…

Địa phương cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhờ chủ động các giải pháp, người dân trên địa bàn xã có điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống".

Khơi dậy tinh thần nhạy bén trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, xã Phú An đã từng bước nâng cao đời sống người dân, tạo nền tảng vững chắc để đạt những danh hiệu cao hơn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

TRƯỜNG GIANG - T.H

.
.
.