.

Nhà tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình

Cập nhật: 16:19, 18/11/2024 (GMT+7)

Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng là địa điểm giúp nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, người có nguy cơ bị bạo lực… có nơi tạm lánh khẩn cấp.

Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng còn là điểm cách ly với người gây bạo lực, hoặc người có nguy cơ gây bạo lực, giúp họ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý và pháp luật cơ bản, hỗ trợ chuyển tuyến và phòng tránh bạo lực tái diễn.

NƠI AN TOÀN CHO NẠN NHÂN BỊ BẠO LỰC

Ngày 18-12-2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành Quyết định 1814 quy định tiêu chuẩn tạm thời về điều kiện tối thiểu của Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn quốc.

 Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng ở thị trấn Chợ Gạo được trang bị  đầy đủ những vật dụng cần thiết đảm bảo nhu cầu cho nạn nhân bạo lực  gia đình đến tạm lánh.
Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng ở thị trấn Chợ Gạo được trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết đảm bảo nhu cầu cho nạn nhân bạo lực gia đình đến tạm lánh.

Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH quy định, để triển khai Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng được những tiêu chuẩn quan trọng. Cụ thể về địa điểm, phải là nơi dễ tiếp cận và đảm bảo an toàn cho nạn nhân trong thời gian tạm lánh; thuận tiện về giao thông, kết nối được với các cơ sở y tế, công an trên địa bàn.

Về cơ sở vật chất, Bộ LĐ-TB&XH quy định phòng ở đảm bảo diện tích tối thiểu 6 m² cho 1 nạn nhân; bố trí giường kích thước tối thiểu 1m x 1,8m. Trường hợp nạn nhân là phụ nữ có thai, người mang theo con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì diện tích tối thiểu đảm bảo 8 m² cho 1 nạn nhân, bố trí giường có kích thước tối thiểu 1,2m x 1,8m.

Trường hợp tiếp nhận đồng thời nạn nhân nam và nạn nhân nữ thì cần đảm bảo có khu vực riêng cho mỗi nạn nhân theo giới tính. Phòng ở được đảm bảo an toàn, có cửa ra vào, cửa sổ cung cấp đủ ánh sáng và thông thoáng; có đèn chiếu sáng; phù hợp với quy định về phòng cháy, chữa cháy. Khu vực tạm lánh cần được đảm bảo an toàn bởi hàng rào, cổng, khóa và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, môi trường.

Trong nhà phải có tủ thuốc y tế có trang bị bông, băng, thuốc sát trùng, dụng cụ y tế có thể sơ cứu nạn nhân trong trường hợp bị thương nhẹ. Vật dụng sinh hoạt tối thiểu đảm bảo các yêu cầu sinh hoạt cơ bản thường ngày khi nạn nhân tạm lánh; khu vực vệ sinh và tắm giặt đảm bảo an toàn.

Trường hợp nạn nhân là người khuyết tật, phải đảm bảo các yêu cầu về đường vào, lối vào, cửa, khu vệ sinh, phòng ngủ được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Về nhân sự làm việc tại Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng phải đảm bảo các điều kiện như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, những người này đã được tập huấn kiến thức, kỹ năng trong việc trợ giúp nạn nhân, tình nguyện tham gia làm việc tại Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng; có sức khỏe để thực hiện hỗ trợ nạn nhân.

Đối với trường hợp Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng cung cấp dịch vụ cho các nạn nhân là phụ nữ có thai, người có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đi kèm, người khuyết tật, người cao tuổi thì ngoài việc đảm bảo các quy định nêu trên, cần phải có kiến thức liên quan đến chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ có thai.

THĂM NHÀ TẠM LÁNH Ở THỊ TRẤN CHỢ GẠO

Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng ở thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo được thành lập vào ngày 6-4-2018. Đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh Tiền Giang được triển khai nhằm phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới trong tỉnh và là địa chỉ tin cậy điểm của huyện Chợ Gạo.

Thông tin từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Toàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động của 563 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 764 Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, 658 Đội phòng, chống bạo lực gia đình tại cấp cơ sở, 436 đường dây nóng hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình...

Nhờ vậy, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã giảm nhiều; tiếng nói của nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại được ghi nhận và hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh này đặt tại khu 3, thị trấn Chợ Gạo có diện tích 40 m2 gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, bếp và nhà vệ sinh, được trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, hệ thống điện, nước, ti vi, giường tủ… đảm bảo điều kiện sinh hoạt theo quy định.

Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh này có thể tiếp nhận, hỗ trợ cùng lúc cho 2 nạn nhân là các đối tượng bị bạo lực gia đình trên địa bàn đến ở tạm lánh trong thời gian xảy ra xung đột gia đình, để cách ly với đối tượng gây bạo lực.

Đồng chí Lê Văn Chất, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Chợ Gạo cho biết: “Ban Quản lý Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng ở thị trấn Chợ Gạo có 5 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị trấn làm Trưởng ban; Công chức Văn hóa xã hội phụ trách LĐ-TB&XH thị trấn làm Phó ban và thành viên là đồng chí Trưởng Công an khu phố, nhân viên y tế và Bí thư Khu phố.

Trước đây được trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện thí điểm, đến năm 2020 thì không còn hỗ trợ cho huyện duy trì nữa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì địa chỉ này cho đến nay. Hiện tại, ngoài Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng ở khu 3, thị trấn Chợ Gạo hoạt động hiệu quả và được trang cấp các trang thiết bị, dụng cụ đầy đủ nhất, thì huyện Chợ Gạo còn có 18 Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh khác”.

Theo đồng chí Cao Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Gạo, Trưởng Ban quản lý Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng của thị trấn thì địa chỉ này không chỉ phục vụ người dân trên địa bàn thị trấn Chợ Gạo mà còn bao gồm các xã lân cận như Hòa Định, Bình Phan, An Thạnh Thủy, Long Bình Điền… nhưng thời gian qua cũng chưa tiếp nhận trường hợp nào của các xã đến tạm lánh.

Đồng chí Cao Thị Thanh Thảo cho biết, trong thời gian tới, Ban Quản lý Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng của thị trấn Chợ Gạo rất cần sự phối hợp của các xã trong công tác tuyên truyền để người dân biết đến Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng để đến tạm lánh khi có nhu cầu.

Về phía thị trấn, lâu nay chúng tôi thường xuyên tuyên truyền để người dân biết và tìm đến địa chỉ khi có nhu cầu. Tuy nhiên, mục tiêu của Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng là truyền thông để người dân hiểu về bình đẳng giới và các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tác hại của định kiến giới, phân biệt đối xử về giới; công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; trong đó có nội dung về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Đồng thời, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho người dân trên địa bàn với các hình thức phù hợp, trong đó chú trọng cả nhóm đối tượng gây bạo lực hoặc nhóm có nguy cơ cao gây bạo lực; khuyến khích sự lên án của cộng đồng đối với các hành vi bạo lực trên cơ sở giới.

Do đó, trên địa bàn thị trấn Chợ Gạo thời gian qua chưa ghi nhận trường hợp bạo lực gia đình nghiêm trọng, chủ yếu là những xích mích và mâu thuẫn nhỏ nên đã được hòa giải ổn thỏa.

THỦY HÀ

 

.
.
.