.

Phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 10:02, 04/11/2024 (GMT+7)

Sau gần 7 năm thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (gọi tắt là Đề án 939), Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện Đề án 939 với nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp chị em hiện thực hóa các dự án, ý tưởng kinh doanh. Tuy nhiên, để phụ nữ tích cực phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp vẫn cần thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp.

ĐỒNG HÀNH CÙNG PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP

Từ ý tưởng khởi nghiệp hoặc những mô hình nhen nhóm ở quy mô nhỏ, nhận thấy tiềm năng phát triển, các cấp Hội LHPN đã đồng hành và tiếp sức hội viên, phụ nữ khởi sự kinh doanh. Nhiều hội viên, phụ nữ với sự năng động, sáng tạo đã duy trì và phát huy hiệu quả mô hình khởi nghiệp của mình.

Theo đó, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, như: Tuyên truyền, vận động phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhận ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh, hỗ trợ cây, con giống, giúp đỡ ngày công lao động, hướng dẫn thành lập các mô hình kinh tế tập thể…

Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, các cấp Hội giúp đỡ hàng trăm hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và phối hợp đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn.

Trao giải Nhất - Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2024 cho bà Nguyễn Thị Bảy với sản phẩm  “Nước ép mãng cầu Xiêm lên men”.
Trao giải Nhất - Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2024 cho bà Nguyễn Thị Bảy với sản phẩm “Nước ép mãng cầu Xiêm lên men”.

Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN tỉnh cũng chủ động đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp chị em hiện thực hóa các dự án, ý tưởng kinh doanh. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều tổ chức Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp, có khoảng 160 ý tưởng khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ tham gia.

Các cấp Hội thường xuyên biểu dương, nêu gương phụ nữ vượt khó vươn lên phát triển kinh tế hay tổ chức các hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp. Hằng năm, các cấp Hội tổ chức Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp; tiếp sức cho phụ nữ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội, UBND tỉnh tổ chức.

Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tổ chức những hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ; hỗ trợ, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, tổ liên kết và hướng các mô hình sản xuất, chế biến sản phẩm đảm bảo an toàn, thân thiện môi trường.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết: Để phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, rất cần sự chung tay, quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp. Các cấp Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả Đề án 939, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Cùng với đó là tăng cường kết nối giữa nữ doanh nhân, doanh nghiệp với phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Tăng cường phối hợp, tìm kiếm nguồn lực để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ nhằm giúp hội viên, phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định vị thế phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Những sản phẩm được trưng bày tại các gian hàng trong Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp năm 2024 là kết quả của quá trình lao động miệt mài, đam mê sáng tạo của chị em phụ nữ gắn với phát huy tài nguyên bản địa và những giá trị mang tính thời đại của nền kinh tế số, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.

Trước đây, Hội LHPN tỉnh chủ yếu tập trung hỗ trợ theo chỉ đạo của Trung ương Hội và nhu cầu của hội viên, phụ nữ nên chưa có các dự án, ý tưởng khởi nghiệp hay. Hiện nay, Hội đã có sự quan tâm tìm kiếm các dự án, ý tưởng khởi nghiệp có tính sáng tạo của hội viên, phụ nữ để tiếp tục bồi dưỡng, đồng hành hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện.

Thời gian qua, Hội đẩy mạnh tìm kiếm thực tế từ cơ sở những mô hình kinh doanh của chị em, kể cả những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ. Khi phát hiện được những mô hình hay, có tiềm năng, Hội sẽ gợi ý, phối hợp với các ngành tư vấn cho các chị xây dựng dự án để phát triển; hoặc từ thực tế địa phương sẽ gợi mở những mô hình phù hợp cho chị em chưa có nghề nghiệp ổn định và hỗ trợ vốn khởi nghiệp để chị em phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Song song đó, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tận dụng triệt để các nguồn vốn vay cho phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, như: Nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh; hỗ trợ các mô hình sinh kế, cây, con giống, phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ”…

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế tập thể tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, toàn tỉnh có 13 hợp tác xã do phụ nữ quản lý với 475 thành viên. Nhờ đó mỗi năm, các cấp Hội đã giúp đỡ hàng trăm phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, trong đó có nhiều phụ nữ đã có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp.

Từ sự đồng hành của các cấp Hội LHPN tỉnh đã góp phần đưa các dự án khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh Tiền Giang “đi xa” hơn. Đặc biệt trong những năm qua, các sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Mắm tôm chà, bánh quy dừa, trà mãng cầu… được nhiều người biết đến thông qua các cuộc thi cấp khu vực. Có thể thấy, từ những hoạt động trên, hội viên, phụ nữ trên địa bàn được tiếp cận với các chuyên gia giàu kinh nghiệm để trang bị những kiến thức mới, góp phần thay đổi tư duy, kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh.

NHIỀU MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP HIỆU QUẢ

Nhờ có sự vận động, hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp của các cấp Hội LHPN tỉnh và sự chủ động, nỗ lực của các hội viên, phụ nữ, đến nay, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ tham gia khởi nghiệp đạt được hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương; nhiều tập thể, cá nhân được các cấp có thẩm quyền nêu gương, khen thưởng.

Đội ngũ doanh nhân nữ, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, hợp tác xã, câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu gặp gỡ, trao đổi với các đại biểu và nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi xanh năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu gặp gỡ, trao đổi với các đại biểu và nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Ngày hội Phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi xanh năm 2024.

Điển hình có chị Huỳnh Thị Thy Thy với Dự án Bánh quy dừa Xuân Phúc, đến nay đã lần lượt được xướng tên trong các cuộc thi, như: Giải Nhất - Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh tổ chức năm 2022; giải Nhì (không có giải Nhất) - Cuộc thi Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.

Bước ra từ các cuộc thi khởi nghiệp, chị Thy có cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng thông qua những hội nghị kết nối, hội chợ thương mại... Sản phẩm bánh quy dừa mang thương hiệu Xuân Phúc của chị Thy đã tìm được lối đi riêng, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Theo chị Thy, một dự án, ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự phát triển kinh doanh muốn mang lại hiệu quả cao cần có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh kiến thức nền sẵn có, phụ nữ khi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cần quan tâm học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng từ các chuyên gia và kinh nghiệm của những người đi trước; đồng thời, phải biết phân tích, nhận định, đánh giá về khả năng của mình. Đó là những điều kiện cần thiết để phụ nữ tự tin phát triển bản thân, khởi sự làm kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ phụ nữ trẻ mà nhiều hội viên đã ở tuổi 60, 70 vẫn tham gia khởi nghiệp. Dù các cô, các chị không biết nhiều về công nghệ thông tin, ngại thuyết trình trước đám đông, nhưng lại chủ động, kiên quyết biến ý tưởng kinh doanh của mình thành hiện thực.

Điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Bảy, xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, năm 2024, bà Bảy tham gia Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do Hội LHPN tỉnh tổ chức với sản phẩm “Nước ép mãng cầu Xiêm lên men” và đã đoạt giải Nhất.

Từ đó, với sự động viên của các chị em và hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay khởi nghiệp, bà Bảy phát triển ý tưởng thành hiện thực, sản xuất nước ép mãng cầu Xiêm lên men. Không dừng lại ở đó, bà Bảy tiếp tục được các ngành hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, thiết bị, bao bì, nguyên liệu và phát triển thêm lĩnh vực sản xuất rượu mãng cầu Xiêm.

Bà Bảy cho biết: “Tận dụng mãng cầu Xiêm là cây trồng tại địa phương và nhằm cải thiện thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ, tạo ra sản phẩm mới đạt OCOP của địa phương… tôi mới có ý tưởng làm nước ép từ trái mãng cầu Xiêm, thay vì trước đây chỉ sản xuất trà mãng cầu. Mãng cầu Xiêm vốn là loại trái cây thơm ngon với nhiều thành phần vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.

“Nước ép mãng cầu Xiêm lên men” với quy trình lên men truyền thống, thực hiện lên men yếm khí trong hủ thủy tinh trong thời gian dài (9 tháng), tạo nên dòng sản phẩm là một thức uống có giá trị cao, thơm ngon với nồng độ cồn nhẹ, vị thơm ngon rất thích hợp cho phái nữ…”.

Dân gian có câu “Không có gì là không thể nếu chúng ta quyết tâm”, với những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, phụ nữ Tiền Giang đang thể hiện sự năng động, sáng tạo, cũng như khát vọng vươn lên thông qua sự đa dạng về ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên các lĩnh vực từ nông nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp, chế biến và thương mại dịch vụ.

PHƯƠNG MAI

.
.
.