.

Trao phương tiện sinh kế, giúp người dân thoát nghèo

Cập nhật: 21:19, 25/11/2024 (GMT+7)

Hoạt động trao tặng phương tiện sinh kế cho các đối tượng như hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững cho người dân.

Tại xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), việc trao phương tiện sinh kế theo nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương, đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng xã Thới Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

TRAO CƠ HỘI THOÁT NGHÈO

Thới Sơn là xã cù lao thuộc TP. Mỹ Tho, cách trung tâm thành phố bởi cầu Rạch Miễu, có diện tích khoảng 1.200 ha với 1.703 hộ dân. Năm 2019, bằng tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức, Thới Sơn đã xây dựng thành công xã NTM và đạt NTM nâng cao (năm 2023), với tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5%.

Xã Thới Sơn hiện có 245 người chèo xuồng phục vụ khách du lịch ở 6 bến, điểm du lịch trên địa bàn xã.
Xã Thới Sơn hiện có 245 người chèo xuồng phục vụ khách du lịch ở 6 bến, điểm du lịch trên địa bàn xã.

Chủ tịch UBND xã Thới Sơn Nguyễn Thị Phương Thủy cho biết, trước đây dân cư tại cù lao Thới Sơn chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi thủy sản và trồng nhiều loại cây ăn trái như: Nhãn, sa pô, cam sành, bưởi... Sau này các hộ dân phát triển thêm ngành nghề mới như nuôi ong lấy mật, làm bánh tráng, kẹo dừa, mứt, thủ công mỹ nghệ và đón khách du lịch...

“Tận dụng thế mạnh của địa phương, dưới sự lãnh đạo TP. Mỹ Tho, xã Thới Sơn đã triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển nông thôn toàn diện gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, ngành, nghề để nâng cao đời sống nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi thông qua các chương trình tham quan, hội thảo khuyến nông, khuyến ngư… nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập”, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy cho biết thêm.

Thực hiện chương trình giảm nghèo, UBND xã Thới Sơn chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, nhà ở, giáo dục, tiền điện... Cùng với đó, mỗi tổ chức, đoàn thể của xã cũng có cách làm riêng để giúp đoàn viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Đơn cử như Hội Nông dân phát động phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội Liên hiệp Phụ nữ có Chương trình “Phụ nữ giúp nhau phát triển sản xuất, giúp đỡ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”... Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đều tập trung huy động nguồn lực tặng quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn; vận động kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ khó khăn về nhà ở…

Cùng với triển khai chương trình giảm nghèo theo quy định chung, xã Thới Sơn còn chủ động ban hành nhiều chính sách đặc thù về giảm nghèo, như: Hỗ trợ giảm học phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo; cho vay ưu đãi để xây dựng, sửa chữa nhà ở… Đồng thời, thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo tiêu biểu như hỗ trợ sinh kế; chăm sóc sức khỏe miễn phí; doanh nghiệp đồng hành cùng người nghèo; các đoàn thể chung tay với người nghèo.

Năm 2024, Thới Sơn ra sức xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Ngay từ đầu năm, sau tổng điều tra, rà soát, toàn xã còn 19 hộ nghèo, 26 hộ cận nghèo. Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã Thới Sơn xác định, muốn giảm nghèo, trước hết phải thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của mỗi người dân.

Chính vì thế, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã quan tâm bố trí kinh phí để hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình, tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo. Phương châm này được người dân ủng hộ, tích cực xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, du lịch... mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

TRAO PHƯƠNG TIỆN SINH KẾ THEO NHU CẦU

Du lịch là một trong những thế mạnh của xã Thới Sơn. Khu du lịch Thới Sơn chiếm khoảng 50% lượng khách du lịch đến tỉnh Tiền Giang và được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch cấp quốc gia của Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính vì vậy thời gian qua, Thới Sơn đã nỗ lực khôi phục và phát triển các cụm, điểm du lịch; tiếp tục đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, đường giao thông, hệ thống chiếu sáng; vận động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh và phát triển các loại hình mua sắm, ăn uống... phục vụ du lịch.

Theo đó, UBND TP. Mỹ Tho chỉ đạo các xã, phường, trong đó có xã Thới Sơn tập trung rà soát đến từng hộ cận nghèo, tìm hiểu nhu cầu sinh kế. Trên cơ sở đó, thành phố cùng với xã triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ sinh kế theo nhu cầu mưu sinh của từng hộ nghèo, cận nghèo.

Theo thống kê, 9 tháng năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội xã Thới Sơn tiếp tục đạt được nhiều kết quả phấn khởi, đời sống người dân ngày càng nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt gần 80 triệu đồng/người/năm. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đạt mức 11,3% so với kế hoạch đề ra năm 2024; thu ngân sách xã đạt 11,794/7,024 tỷ đồng, đạt 167,91%. Số hộ nghèo trên địa bàn xã được kéo giảm, dự kiến đến cuối năm 2024, xã có 4 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,1%.

“Chúng tôi lấy ý kiến đến từng hộ nghèo, cận nghèo, có hộ cần vốn cải tạo vườn tạp, hộ khác thì cần vốn buôn bán, nhưng đa số hộ nghèo cần vốn để đóng xuồng làm du lịch chèo xuồng phục vụ du khách, hoặc góp vốn xoay vòng hỗ trợ các hộ mua bán quà lưu niệm tại các bến, điểm du lịch… Việc đề xuất phương tiện sinh kế theo nhu cầu, đã giúp tăng thu nhập đi vào thực tế của từng hộ gia đình... Cụ thể, xã vừa hỗ trợ gần 300 triệu đồng cho 14 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đóng xuồng chèo phục vụ khách du lịch”, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy chia sẻ.

Trong thời gian qua, gia đình ông Lê Văn Viễn (ở ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn) rất phấn khởi vì được xã trao tặng phương tiện sinh kế là chiếc xuồng chèo phục vụ khách du lịch. Gia đình ông Viễn là hộ nghèo, có 5 nhân khẩu. Nhà không đất sản xuất, trước đây vợ chồng ông chủ yếu làm thuê nuôi 3 con ăn học,  nay được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ đóng xuồng chèo để phục vụ khách du lịch, cuộc sống gia đình ông Viễn đã ổn định hơn.

Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn, cùng ngụ ấp Thới Thuận cũng là một trong những hộ gia đình được nhận xuồng chèo phục vụ khách du lịch làm phương tiện sinh kế, cải thiện thu nhập. Còn gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn) thuộc diện hộ nghèo nhiều năm qua, cũng vừa được hỗ trợ chiếc xuồng chèo đưa đón khách du lịch, để làm phương tiện sinh kế, mà không phải trả tiền thuê xuồng như trước đây, giúp gia đình anh Dũng tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ấp Thới Thạnh có 489 hộ dân với 2.030 nhân khẩu, hiện có 3 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Ông Lê Văn Kiếm, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thới Thạnh cho biết: “Ấp Thới Thạnh có số dân đông nhất so với các ấp còn lại của xã Thới Sơn, trong đó hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn của ấp chủ yếu sinh sống bằng việc chèo xuồng phục vụ du khách cho các điểm du lịch. 

xã thới sơn
Chèo xuồng phục vụ khách du lịch tạo thu nhập cho nhiều người dân xã Thới Sơn.

Vừa qua, 12 hộ dân của ấp Thới Thạnh được hỗ trợ đóng xuồng chèo. Có xuồng chèo phục vụ du khách đã tạo thu nhập cho người dân chăm lo cho gia đình tốt hơn. Bởi trước đây, người dân phải thuê xuồng để chèo đưa đón khách du lịch, trong khi tiền kiếm được mỗi ngày từ việc chèo xuống rất thấp, làm cho cuộc sống của một số người dân, trong đó có người nghèo gặp không ít khó khăn”.

Giảm nghèo bền vững là một chương trình dài hơi, đòi hỏi sự vào cuộc và quan tâm sát sao của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng như của từng hộ dân. Theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, trong những tháng còn lại của năm 2024, xã Thới Sơn sẽ tập trung phát triển nông thôn toàn diện làm cơ sở ổn định và phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với phát triển ngành nghề để nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; khôi phục và phát triển các cụm, điểm du lịch và chú trọng việc ứng xử văn hóa trong hoạt động du lịch… Hy vọng với những quyết sách đúng đắn, Thới Sơn - xã NTM kiểu mẫu không ngừng phát triển, vươn xa hơn nữa, xứng đáng với danh hiệu “Viên ngọc quý” của vùng đất Tiền Giang.

P. MAI - T.H

.
.
.