.
CHUYÊN TRANG GIẢM NGHÈO VỀ THÔNG TIN HUYỆN GÒ CÔNG TÂY

Hiệu quả từ Chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"

Cập nhật: 14:23, 25/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Trong những năm qua, Chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG)” tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang được triển khai rộng khắp, tạo nhiều chuyển biến và nâng cao đời sống nông dân.

Nhờ sự đổi mới trong tư duy sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác và sự hỗ trợ từ chính quyền, Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKDG” đã giúp nhiều nông dân cải thiện thu nhập, ổn định đời sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện Gò Công Tây.

THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH CHO NÔNG DÂN

Để phong trào thi đua nông dân SXKDG phát triển sâu rộng, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Gò Công Tây, thời gian qua, UBND huyện đã ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKDG” giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn huyện Gò Công Tây; Kế hoạch 51/KH-UBND ngày 28-02-2024 của UBND huyện về việc phát động Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKDG” giai đoạn 2023 - 2025 trong năm 2024 trên địa huyện. Hội Nông dân huyện ban hành các kế hoạch phối hợp, văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện chuyên đề thi đua trong toàn huyện.

Hội viên nông dân tham quan mô hình trồng nấm rơm trong nhà
Hội viên, nông dân tham quan mô hình "Trồng nấm rơm trong nhà".

Theo đó Chuyên đề thi đua "Nông dân SXKDG" đã được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Gò Công Tây quán triệt, thực hiện tốt, giải quyết quyền lợi, cũng như tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân. Đồng thời, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và kế hoạch của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đặc biệt, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND huyện, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã triển khai thực hiên tốt các chính sách cho nông dân. Cụ thể, năm 2024, thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang, huyện đã thực hiện 15/21 dự án, kế hoạch, trong đó có 3 dự án đã kết thúc cho các hợp tác xã (HTX): Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa; Nông nghiệp Lợi An; Nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới; 12 dự án, kế hoạch đang thực hiện trong năm 2024 cho 8 HTX và 1 doanh nghiệp, với tổng kinh phí thực hiện trên 5 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 2 tỷ đồng, phần còn lại đối ứng của HTX, nông dân thực hiện liên kết) gồm 7 kế hoạch liên kết lúa, với tổng quy mô 234,5 ha (tại các xã Thạnh Trị, Thành Công, Bình Nhì, Long Bình, Bình Phú, Yên Luông, Bình Tân) và 4 dự án/kế hoạch liên kết rau, cây ăn trái, với tổng quy mô 56,8 ha (tại các xã Thạnh Trị, Bình Tân, Vĩnh Hựu, Thạnh Nhựt).

Tham quan mô hình trồng kiểng cổ hoi viên nông dân le van Quang thi trán vinh binh
Tham quan mô hình trồng kiểng cổ của hội viên, nông dân tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.

Cùng với đó, thực hiện dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, trong năm 2024, huyện Gò Công Tây đã thực hiện 6 Dự án Nuôi bò sinh sản cho 53 hộ (6 hộ nghèo, 17 cận nghèo, 22 hộ thoát nghèo, 12 hộ người khuyết tật), với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.

Đồng thời, Hội Nông dân huyện Gò Công Tây còn phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ nông dân SXKDG xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý. Theo đó, huyện thực hiện cấp mới 22 mã số vùng trồng (MSVT). Lũy kế toàn huyện thực hiện cấp 40 MSVT (33 MSVT nội địa và 7 MSVT xuất khẩu), với tổng diện tích được cấp MSVT là 4.164,30 ha; trong đó nội địa 3.823,93 ha (gồm lúa, thanh long, rau, dừa, bắp) và thị trường xuất khẩu 340,367 ha (gồm thanh long, dừa, dưa hấu). Từ đó, giúp thay đổi nhận thức của người dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, đảm bảo các điều kiện về xuất khẩu.

Tham quan mô hình ứng dụng phân bón thông minh trong canh tác bắp
Mô hình trình diễn ứng dụng phân bón thông minh trong canh tác cây bắp tại huyện Gò Công Tây.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Gò Công Tây, năm 2024, hỗ trợ nông dân SXKDG xây dựng sản phẩm OCOP và đã đánh giá chứng nhận 13 sản phẩm OCOP. Lũy kế đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có sản phẩm OCOP với tổng cộng 51 sản phẩm được đánh giá công nhận sản phẩm OCOP (trong đó có 21 sản phẩm OCOP 4 sao, 30 sản phẩm OCOP 3 sao).

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây Nguyễn Văn Thơm cho biết, từ việc triển khai thực hiện Chuyên đề thi đua "Nông dân SXKDG" huyện Gò Công Tây năm 2024, huyện có 11.536 hộ/18.747 hộ đạt “Nông dân SXKDG” các cấp; trong đó, cấp cơ sở 8.283 hộ, cấp huyện 2.431 hộ, cấp tỉnh 814 hộ. Từ kết quả này, việc vận động "Nông dân SXKDG" tham gia vào các tổ hợp tác và HTX cũng thuận lợi hơn. .

Đoàn lãnh đạo kiểm tra mô hình canh tác lúa thông minh giảm phát thải tại xã Yên Luông
Đoàn lãnh đạo huyện Gò Công Tây, các ngành chức năng và doanh nghiệp khảo sát mô hình "Canh tác lúa thông minh giảm phát thải" tại xã Yên Luông.

Trên địa bàn huyện Gò Công Tây hiện có 117 tổ hợp tác, trong đó có 115 tổ hợp tác nông nghiệp; 2 tổ hợp tác phi nông nghiệp, chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực cung cấp dịch vụ nước sinh hoạt nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi, với tổng số thành viên của tổ hợp tác dự kiến đến cuối năm 2024 là 4.745 thành viên, trong đó có 4.530 nông dân SXKDG là thành viên tổ hợp tác, chiếm 95,46%.

CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Theo đánh giá của UBND huyện Gò Công Tây, năm 2025 là năm cuối thực hiện Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKDG” giai đoạn 2023 - 2025, để tiếp tục nâng chất chuyên đề thi đua, huyện sẽ tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng; sự hỗ trợ chỉ đạo, điều hành trực tiếp của các cấp chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ hoạt động giữa Hội Nông dân với các ngành liên quan để tổ chức thực hiện chuyên đề thi đua, nhất là tổ chức phát động nông dân tham gia đăng ký, bình xét, khen thưởng trong thực hiện "Nông dân SXKDG" hằng năm từ huyện đến cơ sở phải thực chất.

Bên cạnh đó, huyện sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho nông dân phát triển nông nghiệp, nhất là các dự án, mô hình sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, công nghệ số, công nghệ khoa học tiên tiến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp... Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi theo công nghệ mới có hiệu quả. 

Mới đây, Đoàn kiểm tra Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, đến kiểm tra kết quả thực hiện Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKDG” năm 2024 tại huyện Gò Công Tây. Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phạm Minh Toàn đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Gò Công Tây trong thực hiện Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKDG" thời gian qua cũng như trong năm 2024.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, nhiệu nông dân phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình trồng trọt của nông dân huyện Gò Công Tây mang lại hiệu quả kinh tế.

Đồng chí Phạm Minh Toàn cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, huyện Gò Công Tây vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện Chuyên đề thi đua "Nông dân SXKDG" như: Quy trình bình xét danh hiệu "Nông dân SXKDG" tại cơ sở chưa theo quy định chung của tỉnh. Một số Hội Nông dân cơ sở vẫn chưa chú trọng công tác triển khai, nên việc thực hiện Chuyên đề thi đua "Nông dân SXKDG" chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Minh Toàn đề nghị các đơn vị rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới để nâng chất Chuyên đề thi đua “Nông dân SXKDG”. Đồng thời, huyện cần tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Khuyến khích việc áp dụng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, bền vững, tạo sức lan tỏa trong hội viên và nhân dân. Thúc đẩy, khuyến khích nông dân tích cực thi đua sản xuất, vừa phát triển kinh tế gia đình vừa chung tay góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển...

QUẾ ANH - KIM LAN

.
.
.