.

Trao quyền năng cho phụ nữ để thực hiện bình đẳng giới

Cập nhật: 14:30, 29/11/2024 (GMT+7)

Tại Việt Nam, hệ thống các quan điểm, chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới (BĐG) trên mọi lĩnh vực. Trao quyền năng cho phụ nữ được thể hiện dưới nhiều hình thức: Trao quyền năng kinh tế, trao quyền giáo dục, quyền văn hóa, xã hội, quyền năng chính trị...

Tiền Giang, sau nhiều năm nỗ lực thực hiện đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực, nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

PHỤ NỮ TÍCH CỰC THAM GIA CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giới nữ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ (HV-PN) và nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước  đã tạo việc làm ổn định cho nhiều PN nông thôn.
Tổ liên kết phụ nữ đan sản phẩm bàng xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước đã tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ nông thôn.

Cụ thể, thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ PN tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến PN” giai đoạn 2017 - 2027 (gọi tắt là Đề án 938).

Căn cứ vào tinh thần, nội dung kế hoạch thực hiện Đề án 938, hằng năm, Ban Chỉ đạo Đề án 938 cụ thể hóa nội dung thực hiện thông qua việc xác định chủ đề trọng tâm như: “An toàn thực phẩm” (năm 2018); “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em” (năm 2019 - 2020) và “Phòng, chống bạo lực gia đình bạo lực trên cơ sở giới” (năm 2021 - 2022).

Thực hiện chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em” (bao gồm cả phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em), các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền cho HV-PN về phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với PN và trẻ em.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, các cấp Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ trên 6.233 hộ HV-PN, 8.410 hộ HV-PN cận nghèo, HV-PN khuyết tật; 4.296 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn... bằng các hình thức như: Tặng nhu yếu phẩm, quần áo, Thẻ bảo hiểm y tế, dụng cụ học tập, tiền mặt... với tổng kinh phí gần 11 tỷ đồng.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã kết nối các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 1.209 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi do dịch Covid-19 và mồ côi do các nguyên nhân khác, với tổng số tiền gần 5,2 tỷ đồng.

Song song đó, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần vun đắp giá trị gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một nội dung trọng tâm của Hội, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Các cấp Hội đã thực hiện 546 công trình/phần việc, với tổng số tiền 50,274 tỷ đồng… góp phần bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan đường làng, ngõ xóm và diện mạo đô thị, nông thôn.

Với chủ đề “Phòng, chống bạo lực gia đình bạo lực trên cơ sở giới”, các cấp Hội LHPN tập trung công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các luật có liên quan được 1.794 cuộc, với 53.475 lượt người tham dự.

Các cấp Hội đã có nhiều mô hình thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực, vận động nam giới chia sẻ với PN, đề xuất giải quyết kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại PN, trẻ em như: Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến PN, các tổ tư vấn pháp luật, nhóm nòng cốt truyên truyền pháp luật, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, “Ngôi nhà tạm lánh”, Câu lạc bộ “Gia đình nói không với bạo lực”...

NÂNG CAO QUYỀN NĂNG KINH TẾ CHO PHỤ NỮ

Đồng hành, hỗ trợ PN phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tạo điều kiện giúp chị em PN nâng cao quyền năng kinh tế, tự chủ cuộc sống, tự tin hướng đến BĐG trong gia đình và trong xã hội. Là Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước, chị Nguyễn Thị Thùy Trang luôn quan tâm đến vấn đề BĐG.

Ngoài việc làm gương, tuyên truyền về việc phòng, chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, chị còn thường xuyên vận động chị em, HV-PN làm kinh tế để không bị phụ thuộc. Chị cho biết, cải thiện cuộc sống, nhiều chị em đã mạnh dạn khởi nghiệp từ nguyên liệu tại địa phương, cụ thể như cây bàng. Hiện trên địa bàn xã có 4 Tổ liên kết PN đan sản phẩm bàng và 1 Tổ sinh kế PN đan bàng với hơn 200 chị em PN tham gia.

Qua 5 năm tổ chức Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp PN, thu hút 1.157 bài dự thi cấp tỉnh, trao 57 giải cá nhân cho PN có ý tưởng khởi nghiệp khả thi.

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh chọn 63 dự án tham gia dự thi cấp Trung ương, kết quả có 17 dự án vượt qua vòng sơ khảo, trong đó có 10 dự án vào vòng thi chung kết cấp vùng và có 1 dự án đạt giải Khát Vọng tại vòng chung kết toàn quốc.

Không riêng ở xã Tân Hòa Thành, mà ở các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, nhiều chị em cũng thay đổi, tích cực tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, kiếm thu nhập cho gia đình. Những năm qua, để giúp các chị em có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, nâng cao quyền năng kinh tế cho HV-PN, Hội LHPN huyện Cai Lậy đã hướng dẫn, vận động chị em tham gia nhiều mô hình trồng cây ăn trái, nuôi gia súc, gia cầm; làm du lịch cộng đồng…

Cụ thể, mô hình ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh điểm du lịch sinh thái và homestay tại cù lao Tân Phong của chị Phan Thị Mỹ Sáu đã đạt giải Nhì tại Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” năm 2023.

Nâng cao nhận thức và tiến tới thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, cũng như tạo điều kiện cho PN tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng phù hợp. Trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua nguồn vốn với các ngân hàng.

Tính đến ngày 30-10-2024, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Phụ nữ quản lý là 902 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, với 37.593 khách hàng. Số dư nợ 1.589 tỷ đồng, tăng 123 tỷ so với năm 2023.

Trao quyền cho PN, đảm bảo BĐG về thực chất sẽ giúp giải quyết tốt hơn nhiều vấn đề xã hội như: Bất BĐG, giáo dục, y tế, dịch bệnh, thiếu việc làm...

P. MAI - T. H

 

.
.
.