.

Huyện Cái Bè: Đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa

Cập nhật: 22:26, 04/12/2024 (GMT+7)

Nhiều năm qua, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác chính sách người có công. Huyện đã có những cách làm sáng tạo trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đánh giá cao.

ĐẢM BẢO CHÍNH SÁCH ĐẾN ĐỐI TƯỢNG

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở LĐTB&XH, ở huyện Cái Bè, việc ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công được kịp thời, đồng bộ. Quá trình thực hiện có đề ra kế hoạch và biện pháp chặt chẽ trên từng mặt công tác, kịp thời áp dụng chính sách vào thực tiễn và giải quyết tốt chế độ ưu đãi cho người có công.

Các cơ quan, đơn vị đến thăm hỏi và tặng sổ tiết kiệm cho Bà mẹ Việt Nam  Anh hùng Lê Thị Đệ ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè.
Các cơ quan, đơn vị đến thăm hỏi và tặng sổ tiết kiệm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Đệ ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè.

Các cấp ủy, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể luôn xác định việc giải quyết kịp thời chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, góp phần ổn định tình hình xã hội, là động lực phát triển kinh tế và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được nhân dân ủng hộ rộng rãi.

Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Cái Bè Nguyễn Thị Cẩm Nhung cho biết: “Công tác giải quyết chính sách chung đối với người có công cách mạng được đảm bảo đầy đủ. Hiện huyện Cái Bè không có tồn đọng hồ sơ giải quyết chế độ chính sách đủ điều kiện.

Thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, huyện Cái Bè đã xác lập hồ sơ đề nghị về trên phong tặng và truy tặng 816 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện nay 12 Mẹ còn sống và được cơ quan, đoàn thể trong và ngoài huyện nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời”.

Đối với công tác mộ liệt sĩ luôn được các ngành, các cấp của huyện Cái Bè quan tâm chặt chẽ, những trường hợp được phát hiện đều tiến hành khai quật ngay. Từ năm 2003 đến nay, huyện Cái Bè đã tổ chức quy tập được 354 mộ liệt sĩ đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện.

Nghĩa trang Liệt sĩ huyện đến nay đã được nâng cấp hoàn thiện với hơn 3.400 liệt sĩ an nghỉ; cùng với gần 2.300 mộ liệt sĩ đang chôn cất ở đất gia đình. Huyện Cái Bè đã xây dựng hoàn chỉnh nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã, thị trấn.

Tuy nhiên, do những khó khăn thực tế của chiến tranh nên việc quy tập hài cốt liệt sĩ có nhiều khó khăn bất cập, có nhiều mộ phải mất nhiều thời gian mới phát hiện. Toàn huyện hiện có 1.254 mộ chưa có thông tin về liệt sĩ; 1.241 mộ liệt sĩ có một phần thông tin.

NÂNG CAO MỨC SỐNG NGƯỜI CÓ CÔNG

Phó Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Cái Bè Đinh Thế Anh cho biết, thời điểm cuối năm 2020, huyện Cái Bè có 16 hộ chính sách nghèo, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng số hộ chính sách đang hưởng trợ cấp hằng tháng của huyện.

Bằng nhiều hình thức vận động đa dạng, phong phú ở các cấp, các ngành, được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân, với nhiều hình thức đóng góp đã góp phần từng bước cải thiện đời sống gia đình chính sách.

Hiện toàn bộ 25/25 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư. Công tác chăm sóc sức khỏe cũng như đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách luôn được huyện quan tâm thực hiện, chế độ bảo hiểm y tế được mua đầy đủ 100% cho các đối tượng.

Hằng năm, chi điều dưỡng tại gia đình cho trên 1.000 đối tượng và tổ chức đưa 140 người có công đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm Điều dưỡng ở các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Kiên Giang...

Cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho thương binh, tổng số trên 556 lượt người với kinh phí gần 860 triệu đồng. Trong giáo dục và đào tạo, các đối tượng là con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đang đi học, được sự hỗ trợ của nhà nước theo từng bậc học như trợ cấp 1 lần để mua sách vở cho các em học tại các trường, cơ sở giáo dục, trợ cấp hằng tháng cho các em học tại các trường đào tạo, dạy nghề. Theo đó, huyện đã hỗ trợ một lần và trợ cấp hằng tháng cho hơn 1.452 lượt em, số tiền trên 3,5 tỷ đồng.

Thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ với 953 căn nhà được xây dựng, tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng. Song song đó, huyện Cái Bè cũng thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công bằng nguồn ngân sách địa phương theo Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh cho giai đoạn 2022 - 2025, với tổng số 279 căn, kinh phí xây dựng trên 12,2 tỷ đồng.

Thực hiện tốt công tác xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và các phong trào như chương trình chăm sóc cha mẹ liệt sĩ cô đơn, thương binh nặng, trợ giúp con liệt sĩ, thương binh và phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đã được nhân dân ủng hộ rộng rãi, góp phần thiết thực vào việc ổn định đời sống các gia đình chính sách. Nhiều năm qua, huyện Cái Bè luôn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Tiền Giang về công tác vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Từ khi có chủ trương vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đến nay, huyện Cái Bè đã tổ chức vận động trên 18 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí vận động được, huyện đã sử dụng để xây dựng và sửa chữa gần 900 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở; tặng 450 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách… Ngoài ra, huyện còn vận động phụng dưỡng 4 thân nhân liệt sĩ và 2 thương binh nặng đang gặp khó khăn về kinh tế.

Ngoài ra, huyện Cái Bè đã tập trung giải quyết tốt nguồn vốn vay, ưu tiên hỗ trợ và tạo việc làm cho đối tượng chính sách, thực hiện trợ giúp hộ chính sách nghèo từ các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hội, đoàn thể... tổng số hộ chính sách được hỗ trợ vay vốn là 1.337 hộ, số tiền trên 18,7 tỷ đồng, giúp các hộ chính sách vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng.

THỦY HÀ

 

.
.
.