.

Mùa khô 2024-2025, xâm nhập mặn bất thường vùng ven biển ĐBSCL có thể ảnh hưởng đến nguồn nước

Cập nhật: 14:01, 08/12/2024 (GMT+7)

Ngày 8-12, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, dự báo mùa khô năm 2024-2025, xâm nhập mặn bất thường vùng ven biển ĐBSCL có thể ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất ở các khu vực ven biển như Gò Công (Tiền Giang), Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh.

ĐBSCL cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý trước tháng 2-2025 khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn, đặc biệt là tại các vùng chuyên trồng cây ăn trái: huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Mực nước cuối lũ trên khu vực đầu nguồn sông Cửu Long đã xuống thấp, nền nước hiện nay được xem là thuận lợi để sản xuất vụ lúa đông xuân. Hiện ĐBSCL đã xuống giống hơn 400.000/1.464.000ha lúa.

a
Cán bộ nông nghiệp Hậu Giang đo độ mặn trên các tuyến sông chính

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện nước mặn xâm nhập sớm hơn 1 – 1,5 tháng và ranh mặn đang lấn sâu vào nội đồng. Cụ thể, trong những năm tới, ranh mặn 4‰ tăng bình quân 3,34km so với hiện tại, diện tích có nguy cơ ảnh hưởng hạn mặn 150.000ha với điều kiện công trình hiện tại.

Đồng thời, ĐBSCL đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm: Phát triển thượng lưu Mê Công làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; biến đổi khí hậu – nước biển dâng. Trong đó, tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp ĐBSCL với mức độ rất nghiêm trọng.

a
Một trạm quan trắc đo độ mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Qua quan trắc, 340 điểm cao độ các mốc, tỷ lệ lún trên ĐBSCL là 0,5-3cm/năm; ven biển 1,5-3cm/năm; hạ thấp lòng dẫn bình quân sông Tiền 20cm/năm, sông Hậu 15cm/năm. Dòng chảy mùa lũ đang biến động theo xu thế giảm so với quá khứ. Từ năm 2011 về trước khoảng 4-5 năm xuất hiện 1 trận lũ vừa – lớn. Từ sau năm 2012 đến nay, lũ nhỏ liên tục xuất hiện.

Theo sggp.org.vn
 

.
.
.