.

Tiền Giang không còn hộ chính sách nghèo

Cập nhật: 16:52, 07/12/2024 (GMT+7)

Đây là đánh giá của Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) sau khi kiểm tra tại tỉnh Tiền Giang vừa qua. Theo Cục Người có công, Tiền Giang đã thực hiện rất tốt chính sách người có công với cách mạng và nhiều năm qua không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo.

KHÔNG CÒN HỘ CHÍNH SÁCH NGHÈO

Cùng với thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với người có công thì các hoạt động chăm sóc khác đối với đối tượng chính sách cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Nhiều mô hình hỗ trợ đã được triển khi thực hiện như: Xây dựng mô hình “Vườn - ao - chuồng cho hộ chính sách”; hỗ trợ nước sạch và điện thắp sáng; tạo điều kiện cho gia đình chính sách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình…

 Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thăm và chúc tết  thương binh Châu Văn Đức nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thăm và chúc tết thương binh Châu Văn Đức nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.

Hiện tại, hầu hết gia đình chính sách có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú. Nhiều năm nay, Tiền Giang không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo. Hằng năm, tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để mức sống của hộ chính sách được nâng lên.

Sau khi tỉnh kết thúc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, với số lượng trên 5.000 căn nhà, kinh phí trên 100 tỷ đồng. Tháng 12-2021, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 28 về hỗ trợ kinh phí xây dựng trên 1.200 căn nhà cho đối tượng chính sách còn khó khăn về nhà ở giai đoạn 2022 - 2025. Đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng nhà ở theo Nghị quyết 28 cơ bản đã hoàn thành, giúp người có công “an cư”.

Ngoài nguồn lực từ ngân sách nhà nước, tỉnh còn vận động nhiều tổ chức hỗ trợ chi phí xây mới, sửa chữa hàng trăm căn nhà ở cho các đối tượng chính sách có nhà tình nghĩa bị hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, toàn bộ đối tượng thân nhân liệt sĩ đều được cấp thẻ BHYT…

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kiều Loan cho biết: “Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng chế độ đúng quy định. Trong đó, tỉnh chú trọng thực hiện những điểm mới trong Pháp lệnh Ưu đãi người có công được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào cuối năm 2019.

Tỉnh tiếp tục duy trì các hình thức hoạt động chăm sóc, nâng cao mức sống người có công. Thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng thêm đối tượng và tăng số lượng đối tượng được thụ hưởng.

Nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc, phát triển thêm nhiều mô hình chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ người có công, giúp người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống dân cư cùng địa bàn cư trú…”.

Chú Lê Văn Văn, thương binh ¼, ở ấp 2, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè cho biết: “Trước đây, tôi tham gia lực lượng quân tình nguyện Việt Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia và bị thương mất 2 chân. Hiện tại, gia đình tôi không có nhiều vườn ruộng, bản thân bị thương tật nên việc phát triển kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, tôi được hỗ trợ vay ưu đãi 200 triệu đồng làm ăn, rồi trả góp hằng tháng từ trợ cấp thương binh. Với số vốn này, tôi đầu tư mở quán ăn, giải khát có phục vụ câu lạc bộ hát với nhau, cho thu nhập ổn định.

Các con tôi lúc đi học thì được miễn học phí, nay đã có việc làm. Cuộc sống gia đình tôi giờ đã ổn định. Để có cuộc sống tốt như hôm nay cũng là nhờ sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ địa phương. Đặc biệt vào những dịp lễ tết, hay khi ốm đau, tôi đều được thăm hỏi, động viên từ các cấp chính quyền, làm cho tôi cảm thấy ấm áp, có động lực trong cuộc sống”.

HỢP LỰC TỪ CỘNG ĐỒNG

Tại Tiền Giang, việc chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công được sự đồng tâm, hợp lực của cộng đồng. Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có Thư ngỏ kêu gọi các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tỉnh, Lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Hằng năm, toàn tỉnh vận động trên 10 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; riêng năm 2024, đến thời điểm hiện tại đã vận động được khoảng 11,6 tỷ đồng.

Từ số quỹ thu được đã tạo nguồn lực giúp đỡ những người có công trên địa bàn tỉnh xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng chính sách trong những dịp lễ, tết và trong những lúc ốm đau, bệnh tật. Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và cha, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương binh nặng; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ vượt khó học tốt.

Ngoài vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Tiền Giang còn nhận được sự trợ giúp từ các tổ chức, đơn vị tham gia đóng góp để xây dựng và sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở. Trong những năm gần đây, Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn là 2 đơn vị đóng góp nhiều cho hoạt động này.

Thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh đã giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống, góp phần bù đắp lại những cống hiến to lớn của những cá nhân và gia đình có công với quê hương, đất nước.

MAI HÀ

.
.
.