.

Tiền Giang: Tích cực đầu tư thích ứng giai đoạn già hóa dân số

Cập nhật: 07:46, 19/12/2024 (GMT+7)

Triển khai và thực hiện kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tỉnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đến năm 2025 và đến năm 2030 đã được thực hiện đạt và vượt.

GIÀ HÓA DÂN SỐ VÀ NHU CẦU CHĂM SÓC SỨC KHỎE

Kể từ cuối năm 2011, số người từ 60 tuổi ở nước ta đã chiếm 10,2% dân số và Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già. Dự báo đến năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già, khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20,1%.

Người cao tuổi được quan tâm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và điều trị  kịp thời bệnh lý, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Người cao tuổi được quan tâm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và điều trị kịp thời bệnh lý, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhìn chung, NCT Việt Nam vẫn chưa thực sự khỏe mạnh như mong muốn. Báo cáo năm 2006 cho thấy, chỉ 5,7% số NCT tự đánh giá về sức khỏe bản thân là khá tốt, trong khi 22,9% đánh giá sức khỏe kém. Điều tra về NCT năm 2011 cũng chỉ ra rằng, hơn 55% số NCT đánh giá sức khỏe bản thân là yếu và rất yếu.

Số liệu từ Chi cục Dân số Tiền Giang, tỉnh hiện có khoảng 1,81 triệu dân, trong đó có gần 327.300 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 18% dân số toàn tỉnh. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhóm đối tượng này là rất lớn và càng tăng trong tương lai.

Về thể chất, khi con người già đi, các chức năng của cơ thể sẽ suy giảm, chủ yếu là các chức năng cơ bản nghe, nhìn, vận động, ghi nhớ. Theo Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có 40% nam và 46% nữ NCT gặp phải những khó khăn với 1 trong 4 chức năng này; trong đó, 31% nữ và 24% nam gặp khó khăn từ 2 chức năng trở lên.

Về yếu tố tinh thần, sự thay đổi về mặt xã hội, yếu tố tâm lý, sự suy giảm sức khỏe, bệnh tật và những lo lắng trong cuộc sống, sự cô đơn và mất đi người bạn đời, dễ làm NCT bị suy sụp. Kết quả nghiên cứu tại một số địa phương cho thấy, các tình trạng NCT đang gặp phải hiện nay như 67% bị khó ngủ, 51% lo lắng về cuộc sống, 40% thường xuyên buồn rầu; 42% chán nản và 34% thường xuyên mệt mỏi.

Tình trạng sa sút trí tuệ ở NCT là một vấn đề khá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của NCT. Một nghiên cứu cho thấy, có 4,9% NCT sa sút trí tuệ; đồng thời, tỷ lệ người trên 75 tuổi mắc tình trạng này là 9,8%, cao hơn hẳn so với nhóm người từ 60 đến 74 tuổi, tỷ lệ chỉ 3,9%. Những chỉ số sức khỏe, những thông tin về tỷ lệ bệnh tật và tình trạng sức khỏe chung nói trên cho thấy, NCT của nước ta rất cần phải chăm sóc sức khỏe.

THỰC HIỆN ĐẠT VÀ VƯỢT NHIỀU CHỈ TIÊU

Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 414 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT năm 2024. Qua 1 năm nỗ lực thực hiện, nhiều chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe NCT đã hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra.

Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT đã tập trung thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để chăm sóc sức khỏe NCT trong tỉnh. Trong đó, tập trung truyền thông giáo dục thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe NCT; truyền thông vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc, tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng... về thách thức của quá trình già hóa dân số đối với việc chăm sóc sức khỏe và phát huy NCT.

Từ đó, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho các nội dung thích ứng với xã hội già hóa dân số, xây dựng môi trường y tế thân thiện với NCT.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT, xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT trong các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão). Cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị, không xem NCT là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT.

Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình có NCT; thực hiện tốt và tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với NCT. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động tự lo cho tuổi già khi còn trẻ, bao gồm việc mua bảo hiểm y tế cho NCT.

Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT.

Trong năm 2024, gần 400.000 lượt người dân đã được truyền thông về chăm sóc sức khỏe NCT, được chia sẻ thông tin liên quan đến các bệnh tật ở NCT và cách chăm sóc, điều trị. Duy trì mô hình “Chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng” thông qua hoạt động của 868 người tại 164 Tổ tình nguyện viên. Thông tin của Chi cục Dân số Tiền Giang, toàn tỉnh có gần 5.360 NCT neo đơn, khó khăn cần hỗ trợ.

Các tình nguyện viên đã đến nhà trên 28.800 lần để thăm hỏi, trò chuyện động viên, kiểm tra thuốc và cho uống thuốc, xoa bóp và tập vật lý trị liệu, tập luyện phục hồi chức năng, giúp vệ sinh nhà cửa và nấu ăn, đưa NCT neo đơn đi khám bệnh; 360 trường hợp được hỗ trợ tiền, quà để chia sẻ khó khăn.

Trong năm 2024, theo kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT của Sở Y tế, các cơ sở y tế đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 199.700 NCT có sử dụng các kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm, điện tim, xét nghiệm đường huyết... trong đó có gần 20.800 NCT được khám sức khỏe từ nguồn ngân sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe NCT đạt 63,38%. Chỉ tiêu đề ra đến năm 2030, tuổi thọ trung bình của người dân tỉnh Tiền Giang là 75 tuổi thì hiện nay tuổi thọ bình quân người dân của tỉnh đã đạt mức 76 tuổi.

HẠNH NGA

.
.
.