.

Tín dụng chính sách giúp người dân thoát nghèo bền vững

Cập nhật: 21:31, 24/12/2024 (GMT+7)

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang luôn nỗ lực đưa nguồn vốn ưu đãi phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.  

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, ủy thác của Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Châu Thành có điều kiện vay vốn, phát triển sản xuất, chăn nuôi, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

GÓP PHẦN GIẢM TỶ LỆ HỘ NGHÈO

Trong nhiều năm qua, công cuộc xóa khó, giảm nghèo luôn được cả hệ thống chính trị huyện Châu Thành quan tâm triển khai thực hiện thông qua nhiều giải pháp, nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm.

Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1.034 hộ, chiếm 1,36% và trên 1.236  hộ cận nghèo, chiếm 1,62% tổng số hộ dân. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự vươn lên của người dân và sự đóng góp không nhỏ của vốn tín dụng chính sách với các chương trình cho vay đã tạo điều kiện cho người dân có thêm nguồn đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành giải ngân vốn tại xã Long Hưng.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành giải ngân vốn tại xã Long Hưng.

Thực tế cho thấy, tín dụng chính sách từ lâu đã trở thành nguồn vốn quan trọng với người nghèo, cận nghèo để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Với trách nhiệm của mình, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành huyện bám sát mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các chương trình vay vốn ưu đãi, nhất là nguồn vốn cho các hộ nghèo.

Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành thường xuyên giám sát, kiểm tra trực tiếp tại nhà các hộ vay vốn để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Qua đó, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm và tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện.

Thời gian tới, với mục tiêu đồng hành thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các chương trình tín dụng chính sách vào các chương trình kinh tế - xã hội, các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế đặc thù của địa phương.

Chú trọng đảm bảo chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã và các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội bộ, tập trung thực hiện việc huy động vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đề cập về ý nghĩa của nguồn lực tín dụng chính sách, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa (huyện Châu Thành) Phan Văn Công Lực cho biết, thời gian qua, các chương trình tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cũng như trong xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Cụ thể, nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hạn chế tình trạng cho vay “tín dụng đen”, tạo sự ổn định xã hội và cơ hội cho người nghèo, các đối tượng chính sách có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Kết quả rõ nét nhất là số hộ khá giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm hẳn.

Bên cạnh đó, các hoạt động tín dụng và CSXH cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, qua đó đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

ĐA DẠNG KÊNH TIẾP CẬN

Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành, năm 2024, đơn vị đã thực hiện tăng trưởng tín dụng hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao, cơ bản đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác số tiền hơn 167 tỷ đồng, với 4.188 khách hàng vay vốn. Mức cho vay hộ nghèo từ 41,08 triệu đồng/hộ năm 2023 tăng lên 47,07 triệu đồng/hộ năm 2024; hộ cận nghèo từ 41,96 triệu đồng/hộ năm 2023 tăng lên 49,7 triệu đồng/hộ năm 2024.

Tín dụng chính sách đã tạo sinh kế cho gười dân.
Tín dụng chính sách đã tạo sinh kế cho người dân.

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong năm 2024 đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho 943 lao động; hỗ trợ vốn vay cho 8 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 513 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa 2.019 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 1 căn nhà ở xã hội; giúp 685 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo được vay vốn để sản xuất - kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bên cạnh đó, thực hiện cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành cũng đã tập trung triển khai, lũy kế từ khi thực hiện chương trình đến ngày 30-11-2024 đã giúp cho 24 người chấp hành xong án phạt tù với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Thông qua chương trình, người chấp hành xong án phạt tù có vốn sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế tại địa phương.

Qua kết quả thống kê cho thấy, đến tháng 11-2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành có tổng dư nợ hơn 472 tỷ đồng, với 14 chương trình cho vay. Sự đa dạng ở các chương trình cho vay giúp các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn chính sách.

Chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo, hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả vay vốn. Nguồn vốn đã giúp các hộ gia đình tạo được thu nhập ổn định, trả nợ gốc và lãi đúng hạn, tỷ lệ nợ quá hạn đến nay chỉ chiếm 0,08% tổng dư nợ.

Với việc đa dạng hóa các chương trình tín dụng, thủ tục cho vay đơn giản, công khai, minh bạch, tín dụng chính sách đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh và an sinh xã hội của các đối tượng chính sách.

Các chương trình tín dụng chính sách là đòn bẩy kinh tế quan trọng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thiếu vốn đầu tư phát triển; là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành Trần Thị Hoàng Quyên cho biết, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nên hoạt động tín dụng chính sách được thuận lợi. Đặc biệt là chuyển nguồn vốn địa phương, ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một điểm nổi bật trong việc tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách.

Kết quả trong năm 2024, UBND huyện Châu Thành đã chuyển sang 3,5 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn địa phương từ khi thực hiện Chỉ thị 40 ủy thác sang Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đạt hơn 11,75 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên, nâng cao đời sống và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Có thể thấy, các chương trình cho vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Tín dụng chính sách đã trở thành một trong những điểm tựa vững chắc để người dân cải thiện sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, đảm bảo mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cũng như thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

H. THU - N. YÊN - T.T

.
.
.