.

Tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề tại Tiền Giang: Hướng đi giúp giảm nghèo bền vững

Cập nhật: 10:12, 02/12/2024 (GMT+7)

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Tiền Giang đã đẩy mạnh các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề. Trong 11 tháng năm 2024, đạt được những kết quả ấn tượng như: Hơn 19.000 lượt lao động được tư vấn, 3.037 người tìm được việc làm ổn định, cùng 446 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, đã góp phần nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế.

ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI LAO ĐỘNG

Công tác tư vấn và giới thiệu việc làm tại Tiền Giang trong năm 2024 ghi nhận nhiều kết quả nổi bật. Trong 11 tháng năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) đã tư vấn cho 19.716 lượt lao động, số lao động nữ tham gia chiếm tỷ lệ cao, với 12.007 lượt. Nội dung tư vấn không chỉ xoay quanh cơ hội việc làm mà còn hướng dẫn về pháp luật lao động, các quyền lợi của người lao động, tạo điều kiện cho họ chủ động trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp.

Đặc biệt, Trung tâm đã tổ chức 64 phiên giao dịch việc làm, bao gồm cả trực tiếp, trực tuyến và lưu động. Các phiên giao dịch này thu hút sự tham gia của 257 doanh nghiệp, với hơn 42.851 vị trí tuyển dụng, trong đó, số lao động phổ thông chiếm phần lớn, phản ánh nhu cầu thực tế tại các doanh nghiệp địa phương. Kết quả, 3.037 lao động đã tìm được việc làm thông qua các chương trình giới thiệu việc làm, trong đó có 1.089  người có việc làm ổn định.

Ngày hội  việc làm trong  và ngoài nước năm 2024 do  Trung tâm  tổ chức thu hút nhiều doanh nghiệp và người lao động  tham gia.
Ngày hội việc làm trong và ngoài nước năm 2024 do Trung tâm tổ chức thu hút nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia.

Lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tiếp tục là giải pháp trọng điểm trong công cuộc giảm nghèo tại Tiền Giang. Tham gia đi làm việc ở nước ngoài sẽ mang lại thu nhập cao cho người lao động: Cụ thể, bình quân sau 3 năm làm việc ở nước ngoài, người lao động sẽ tích lũy từ 500 - 600 triệu đồng. Ngoài ra, tham gia đi làm việc ở nước ngoài sẽ giúp nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, tác phong, đáp ứng môi trường làm việc hiện đại.

Theo Trung tâm, điều kiện tham gia đi làm việc ở nước ngoài rất đơn giản, điển hình như Nhật Bản, người lao động chỉ cần tốt nghiệp THCS trở lên, không yêu cầu về tay nghề đối với lao động, một số ngành, nghề, người lao động sẽ được công ty đào tạo trước khi sang Nhật Bản làm việc. Riêng đối với chương trình kỹ sư thì yêu cầu người lao động có trình độ cao đẳng chính quy trở lên ở các ngành, nghề như: Cơ khí, công nghệ thực phẩm, xây dựng.

Về mức lương và quyền lợi của người lao động khi tham gia đi làm việc ở Nhật Bản: Thu nhập đối với lao động phổ thông đi làm việc tại Nhật Bản là từ  25 - 35 triệu đồng/tháng và lao động thuộc diện kỹ sư thu nhập từ  40 - 45 triệu đồng/tháng. Bình quân sau 3 năm đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể nhận lại được số tiền tích lũy từ 500 - 900 triệu đồng và nhận khoảng tiền bảo hiểm từ 80 - 100 triệu đồng.

Về chi phí khi tham gia chương trình, tùy đơn hàng tham gia đi làm việc ở Nhật Bản sẽ có mức phí từ 70 - 120 triệu đồng. Để tạo thuân lợi cho người lao động tham gia chương trình, tỉnh Tiền Giang có chính sách hỗ trợ vay vốn chi phí tham gia chương trình, cụ thể theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh thì người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Tiền Giang có nhu cầu tham gia đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ vay vốn tín chấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội, mức vay 100% chi phí tham gia theo hợp đồng.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa 446 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Thị trường Nhật Bản dẫn đầu với 346 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc), với 60 lao động và một số quốc gia như: Canada, Mỹ, Hàn Quốc.

Những chương trình này không chỉ mang lại thu nhập cao cho người lao động mà còn giúp họ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, mở ra nhiều cơ hội phát triển khi trở về quê hương. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ tài chính và đào tạo ngoại ngữ đã giúp nhiều lao động nghèo hiện thực giấc mơ làm việc tại nước ngoài.

Em Trần Thị Thúy Quyên (xã Phú Cường, huyện Cai Lậy) tốt nghiệp Cao đẳng Tài chính Ngân hàng nhưng không tìm được công việc phù hợp, đồng thời cũng muốn thay đổi bản thân nên quyết định sang Nhật Bản để làm việc. Trong quá trình làm việc, Quyên học được cách làm việc của người Nhật, áp dụng hiệu quả trong công việc cũng như trong cuộc sống khi về nước.

Chuyến đi đã giúp Quyên trải nghiệm được nhiều thứ và thấy bản thân đã quyết định, lựa chọn đúng khi sang Nhật Bản lao động. Còn em Lê Hoàng Như Ý (phường 7, TP. Mỹ Tho), sau khi tốt nghiệp THPT, em muốn đi làm ngay để kiếm tiền phụ giúp gia đình nên đã quyết định đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi hoàn thành thời gian đi làm việc ở nước ngoài, Ý có số tiền kha khá phụ giúp cho gia đình.

ĐỊNH HƯỚNG HIỆU QUẢ GIẢM NGHÈO

Trong công tác giảm nghèo, việc dự báo chính xác thông tin thị trường lao động giữ vai trò quan trọng. Từ đầu năm 2024, Trung tâm đã tổng hợp thông tin từ 674 doanh nghiệp, ghi nhận nhu cầu tuyển dụng lên đến 17.536 vị trí việc làm; đồng thời, 17.287 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng được phân tích để nắm bắt nhu cầu tìm việc của người lao động.

Công tác dự báo thị trường lao động không chỉ dừng lại ở các báo cáo định kỳ mà còn được lồng ghép vào các phiên giao dịch việc làm. Đây là cơ sở để các cấp, các ngành xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp người lao động, đặc biệt là lao động nghèo dễ dàng tiếp cận các cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, các chương trình Ngày hội việc làm lưu động tại các huyện như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo đã giúp nhiều người lao động tiếp cận trực tiếp với thông tin tuyển dụng.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “chiếc phao” cứu sinh cho nhiều lao động mất việc làm tại Tiền Giang. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 16.409 người, với tổng số tiền chi trả hơn 313 tỷ đồng. Đồng thời, 121.236 lượt lao động đã được tư vấn, giới thiệu việc làm mới. Đào tạo nghề là một trong những giải pháp cốt lõi giúp người lao động thoát nghèo.

Trong 11 tháng qua, Trung tâm đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và lao động xuất khẩu. Các khóa đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề tại địa phương đã tạo cơ hội học tập và nâng cao năng lực cho hàng chục lao động.

Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Dân Quyền cho biết, những nỗ lực trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề và bảo hiểm thất nghiệp tại Tiền Giang đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Không chỉ giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, các chương trình này còn tạo động lực để họ tự vươn lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, tỉnh cần tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành; đồng thời nhân rộng các mô hình hỗ trợ hiệu quả. Chỉ khi toàn xã hội cùng chung tay, mục tiêu xóa khó giảm nghèo mới thực sự được hiện thực, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người dân.

L. OANH - T.H

.
.
.